Sốc lại tinh thần từ cuộc hôn nhân đổ vỡ vì 1 lý do không ngờ

Mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên thông gia khiến cho người phụ nữ cảm thấy rất mệt mỏi. Liệu nên cứu vãn hạnh phúc hay dừng bước để tìm cuộc sống mới?

Vợ chồng tôi lấy nhau được 5 năm, có hai cô con gái, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ mới 8 tháng. Chồng tôi không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định. Anh cứ đợi bố mẹ hai bên cho một khoản tiền để làm ăn nhưng mãi không được, nên anh muốn về quê xây nhà sống độc lập, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tôi thì không tán thành, vì chi phí gia đình còn eo hẹp, hai con còn nhỏ phải dành dụm phòng khi ốm đau. Hơn nữa, ở thành phố vốn thuận tiện và nhiều cơ hội việc làm để kiếm tiền, con cái có điều kiện phát triển hơn ở quê. Tôi dự định khi có tiền dư giả hơn mới về quê làm ăn xây nhà. Thế là vợ chồng tôi xích mích, cãi vã. Bố mẹ vợ bênh vợ, bố mẹ chồng bênh chồng dẫn đến thông gia hai bên cũng mâu thuẫn, rồi kéo theo việc mẹ chồng không chấp nhận con dâu. Bố mẹ vợ cũng chẳng chấp nhận con rể. Rồi hơn một năm nay, vợ chồng tôi ly thân. Ba mẹ con tôi về nhà ông ngoại ở. Sau một năm, vì thương hai đứa nhỏ, nên chúng tôi lại hàn gắn. Cùng lúc đó, chồng tôi xây xong căn nhà ở quê.

Là phụ nữ, tôi cần mái ấm gia đình, cần chồng con. Tự kiểm điểm bản thân, tôi thấy mâu thuẫn vợ chồng xảy ra một phần là do tôi chưa khéo léo nên chủ động xin lỗi chồng và bố mẹ chồng, chấp nhận theo chồng về quê. Thế nhưng vì lo lắng chúng tôi có nguy cơ bỏ nhau, sợ con dâu tranh chấp tài sản, nên bố mẹ chồng tôi đã làm một tờ giấy xác nhận quyền sử dụng đất của tổ tiên và ngôi nhà mới xây trên đất của nhà chồng rồi bắt tôi ký vào tờ giấy xác nhận này. Tôi cũng đồng ý ký, cho mãi đến sau này tôi mới phát hiện ra là để xây ngôi nhà, bố mẹ chồng tôi bỏ ra một nửa tiền, nửa còn lại chính là khoản mà hai vợ chồng tôi tiết kiệm. Nhưng vì sĩ diện và tham lam, chồng tôi nói đó là bố mẹ bỏ hết tiền ra xây, nhất quyết không thừa nhận đã dùng đến món tiền chung của hai vợ chồng. Với bản tính tham lam, chi li về tiền bạc, coi trọng vật chất, cả nhà chồng đã đay nghiến, dằn vặt tôi vì những chuyện cũ đã qua. Họ chì chiết tôi không đóng góp gì cho nhà chồng, nên chúng tôi phát sinh mâu thuẫn. Thậm chí, cả nhà chồng vin vào tờ giấy tôi đã ký xác nhận là không đóng góp gì cho ngôi nhà mới xây để luôn đe dọa, đuổi tôi ra khỏi nhà.

Ảnh minh họa.

Tôi đã bàn với chồng, nếu thực sự thương hai đứa con và muốn cả gia đình ở lại ngôi nhà mới xây này thì dồn hết số tiền hiện tại mà hai người có được trả cho bố mẹ chồng nhưng anh không đồng ý, vì nghĩ tôi viện cớ đóng góp để sau này được chia tài sản. Nhà chồng tôi tuyên bố rằng, họ căm ghét hận thù nàng dâu đến tận xương tủy, nếu chồng còn chung sống với tôi thì bố mẹ sẽ từ anh ta và sẽ không bao giờ qua lại với gia đình nhỏ của tôi.

Chồng tôi thì cho rằng, mất vợ con thì còn có vợ khác. Còn mất bố mẹ và em trai thì không có lại được nên anh không đi cùng mẹ con tôi ra ngoài thuê nhà. Tôi thực sự quá mệt mỏi vì thường xuyên bị nhà chồng chửi bới và xúc phạm. Chồng không còn tôn trọng tôi, thậm chí còn đánh đập còn đuổi tôi ra ngoài. Hai con tôi sống trong môi trường như vậy sẽ ảnh hưởng nên tôi quyết định tìm cách giải thoát. Đó là ly hôn.

Nhưng khi ly hôn, tôi sẽ vấp phải không ít khó khăn, tôi phải thuê nhà ở riêng thì gia đình bên nội mới quay lại thăm nom hai cháu. Với bản tính chi li, thực dụng như vậy, họ có giúp được gì cho mẹ con tôi không? Một mình tôi với hai đứa trẻ về lâu dài, tôi không đủ sức khỏe và tài chính để lo cho con. Nếu mỗi người nuôi một đứa thì chúng sẽ thiếu hụt tình cảm. Nếu để cả hai đứa ở với bố sẽ là khuất mắt lớn đối với tôi. Bây giờ tôi đang sống với bố mẹ đẻ, hai con đang sống cùng với bố và ông bà nội. Xa con, tôi thấy xót xa, nhưng đành phải chịu bởi giờ tôi đang rất gầy yếu, cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, sốc lại tinh thần, lên kế hoạch cho cuộc sống của ba mẹ con. Cuộc hôn nhân đầy biến cố khiến tôi thực sự chưa biết bước tiếp thế nào. Mâu thuẫn về tiền bạc xảy đến đã khiến cho hai bên gia đình nội ngoại tôi khó nhìn mặt nhau được nữa. Làm sao có thể bắt nhà khác sống như nhà mình. Sức chịu đựng của con người ta cũng có giới hạn, tôi đã chịu nhún, đã xin lỗi gia đình nhà chồng, đã cố gắng vun vén hạnh phúc không thành thế nên đã đến khi tôi phải kiên quyết hơn để cuộc sống của các con tôi không phải chịu nghe bất kỳ lời chì chiết cay đắng nào thêm nữa.

(Ghi theo VOV2)

Bảo Anh

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/yeu-tam/soc-lai-tinh-than-tu-cuoc-hon-nhan-do-vo-vi-1-ly-do-khong-ngo-757242.html