Sóc Sơn: Hàng loạt công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp

Người dân xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phản ánh tình trạng hàng loạt công trình nhà xưởng, quán hàng, bãi đỗ xe taxi không phép 'mọc' trên đất nông nghiệp, đất công… từ nhiều năm qua.

Chỉ riêng trên địa bàn xã Phú Minh hiện đang tồn tại 29 công trình xây dựng không phép. Vì sao, hàng loạt công trình xây dựng không phép lại ngang nhiên “mọc” lên và tồn tại nhiều năm nay mà không bị xử lý?

Công trình sai phạm ngang nhiên tồn tại

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh, hiện trên địa bàn xã này đang tồn tại 29 công trình nhà xưởng, hàng quán, bến bãi đỗ xe taxi không phép. Phần lớn các công trình vi phạm này được xây dựng từ trước năm 2010. Một số công trình phát sinh từ năm 2015. Việc xây dựng công trình trên là hoàn toàn tự phát.

Đơn cử như công trình xây dựng nhà xưởng không phép trên đất nông nghiệp (đất 64) của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ chế biến nông sản,thực phẩm Việt Nam, do ông Trần Văn Thủ làm chủ đầu tư. Công ty này xây nhà xưởng tại khu Trại Bò, thôn Đông, xã Phú Minh.

Công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp của Công ty cổ phần thương mại-dịch vụ chế biến nông sản-thực phẩm Việt Nam, do ông Trần Văn Thủ làm chủ đầu tư, tại khu Trại Bò, thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn.

Lợi dụng vị trí gần Cảng sân bay hàng không quốc tế Nội Bài, ông Trần Văn Thủ đã tự ý xây dựng khu nhà sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm trên đất nông nghiệp, khi chưa có bất kỳ văn bản chấp thuận nào từ phía cơ quan chức năng.

Trước thực trạng nêu trên, giữa tháng 4/2016, Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do ông Trần Văn Thủ là chủ đầu tư.

Quyết định cưỡng chế do ông Nguyễn Văn Dẹp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh ký vào ngày 19/4/2016, nêu rõ: “Ông Trần Văn Thủ đã tự ý dựng công trình lán tạm không phép trên đất nông nghiệp (đất 64). Quy mô dựng với chiều dài 12m; chiều rộng 7,25m; chiều cao 3,8m.” Thời gian thi hành Quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình trong khoảng 30 ngày.

Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Công ty cổ phần thương mại-dịch vụ chế biến nông sản-thực phẩm Việt Nam tại xã Phú Minh

Tuy nhiên, sau gần một năm ban hành Quyết định trên, công trình được xem là “lán tạm không phép” trên đất nông nghiệp của Công ty cổ phần thương mại-dịch vụ chế biến nông sản-thực phẩm Việt Nam, tại khu Trại Bò, thôn Đông, xã Phú Minh vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ghi nhận của PV vào những ngày cuối tháng 2/2017 cho thấy, công trình lán tạm không phép của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ chế biến nông sản thực phẩm Việt Nam đã được xây dựng thành nhà xưởng kiên cố.

Ngoài công trình xây dựng không phép trên, tại xã Phú Minh còn “mọc” lên hàng chục công trình quán hàng, lán rửa xe nằm trên đất nông nghiệp, đất công như: Công trình sử dụng làm quán bán giải khát của hộ ông Nguyễn Văn Hiến, công trình sử dụng làm lán rửa xe của bà Vương Thị Nhung, công trình sử dụng làm xưởng của ông Nguyễn Đức Tưởng… đều có địa chỉ tại thôn Thắng Lợi.

Đặc biệt là công trình làm bãi đỗ xe, nhà điều hành taxi không phép trên đất công và đất nông nghiệp của một số hãng taxi, điển hình như taxi ABC, nằm ở vị trí gần khu vực Sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo phản ánh của một số người dân ở thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh, việc các bãi đỗ xe taxi, quán hàng “mọc” trên đất công, đất trang trại này không những vi phạm về mục đích sử dụng đất (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), mất mỹ quan, mà còn gây mất an toàn giao thông khu vực.

"Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp nên xảy ra vi phạm?"

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Dẹp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh khi phóng viên hỏi về tình trạng nhiều công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn. Tính đến ngày 4/1/2017, trên địa bàn xã Phú Minh đang tồn tại 29 công trình xây dựng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. Theo kế hoạch, Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh sẽ phải tổ chức cưỡng chế xong trường hợp vi phạm trước ngày 25/1. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên vào những ngày đầu tháng 3 cho thấy, phần lớn các trường hợp vi phạm này vẫn chưa bị xử lý.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Dẹp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh cho biết, phần lớn các trường hợp vi phạm đã tồn tại hơn chục năm nay, đầu năm xã cũng nhiều việc phải làm, nên để một lúc xử lý ngay hàng chục công trình vi phạm là điều rất khó khăn. Ông Dẹp cũng cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc “mọc” lên các công trình xây dựng không phép trên là do đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, trong khi nhu cầu sử dụng đất dịch vụ rất lớn.

Bãi đỗ xe không phép trên đất công của hãng taxi ABC

“Ví dụ như nhu cầu sản xuất rau sạch để cung cấp cho sân bay, nhưng bây giờ không có nhà xưởng sản xuất, thì sản phẩm không thể đưa vào sân bay được. Đó cũng là lý do ông Trần Văn Thủ (Công ty cổ phần thương mại-dịch vụ chế biến nông sản thực phẩm Việt Nam), đã xây dựng khu chế biến, sản xuất rau sạch trên đất nông nghiệp,” ông Dẹp nói.

Riêng với các khu bãi đỗ xe taxi, hàng quán xây dựng trái phép, ông Dẹp cho biết, từ khi tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài hoạt động, nhiều phần đất nông nghiệp, đất trang trại ven đường đã bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử như trường hợp gia đình bà Lê Viết Thành trú tại xã Mai Đình, được giao 15.000m2 đất để làm trang trại, nhưng đã cho công ty taxi Thành Công thuê lại làm chỗ tập kết xe.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Gia Khảm, tại xã Phú Minh được huyện giao đất nhằm mục đích làm trang trại nhưng ông Khảm đã cho hãng taxi ABC thuê lại để làm bãi đỗ xe. Cả hai trường hợp này đều sử dụng đất sai mục đích vì chưa được phép chuyển đổi sang đất dịch vụ đã tiến hành làm bãi đỗ xe. Hiện tại, taxi Thành Công đã chuyển đi.

“Cũng phải thừa nhận rằng, việc để xảy hàng loạt trường hợp xây dựng trái phép trên, một phần lo do việc kiểm tra, xử lý của lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt. Ở đây, mặc dù các công trình xây dựng sai phép đã tồn tại nhiều năm, nhưng bản thân tôi là người đứng đầu địa phương, tôi cũng phải chịu trách nhiệm,” ông Dẹp thừa nhận.

Khi được hỏi về phương án xử lý, ông Dẹp cho rằng, việc các công trình xây dựng không phép, trái phép “mọc” trên đất công, đất nông nghiệp sẽ phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Theo lộ trình, tất cả các trường hợp vi phạm sẽ phải xử lý trong năm 2017. Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch xử lý xong 9 công trình trong tháng 3. Đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý các công trình còn lại xong trước Quý 3, năm 2017.

"Tuy nhiên, vì các trường hợp vi phạm đã tồn tại lâu năm, ở đây một phần trách nhiệm cũng do công tác quản lý chưa chặt chẽ, nên việc xử lý cần phải theo lộ trình. Theo tôi, nếu công trình vi phạm nào nằm nào trên phần đất tới đây được chuyển đổi mục đích sử dụng và không ảnh hưởng đến cái chung thì sẽ kiến nghị 'tháo gỡ' bằng cách xử phạt hành chính, để thu tiền nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, việc 'tháo gỡ' này cũng phải làm đúng pháp lật và được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền,” ông Dẹp nêu quan điểm.

Về phía cấp huyện, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết: Để chấn chỉnh thực trạng vi phạm trật tự xây dựng, trong năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dâ xã Phú Minh lập biên bản, xử lý cưỡng chế được 6/35 công trình vi phạm. Hiện còn 29 công trình vi phạm đang tồn tại.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế cho thấy, một số trường hợp tổ chức cưỡng chế xong, hiện nay vẫn đang tái vi phạm và hoạt động trở lại.

Về kế hoạc xử lý, ông Tuấn cho biết, quan điểm của huyện là cương quyết xử lý dứt điểm, và phải theo lộ trình. Hiện tại, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã Phú Minh xây dựng kế hoạch, xử lý 9 công trình vi phạm vào tháng 2 và tháng 3. Đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý các công trình còn lại trong năm 2017.

Điều 170 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: Người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Về nguyên tắc các loại đất nông nghiệp sẽ không được xây dựng nhà ở, công trình kiên cố.Trong trường hợp xây dựng công trình không phục vụ mục đích nông nghiệp thì Ủy ban Nhân dân xã hoàn toàn có quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này theo điểm a khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Nếu cố tình tiếp tục thực việc xây dưng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin vụ việc!

Hà Long - Võ Nguyễn

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/dieu-tra-don-thu/soc-son-hang-loat-cong-trinh-xay-dung-vi-pham-tren-dat-nong-nghiep-d108902.html