Sốc vì quảng cáo

Chưa bao giờ quảng cáo lại len lỏi sâu vào cuộc sống, chi phối sự lựa chọn của người tiêu dùng mạnh mẻ như vài năm trở lại đây ở Việt Nam. Để bán hàng doanh nghiệp phải quảng cáo. Tuy nhiên, với loại quảng cáo phản cảm, gây sốc thì lại là lợi bất cập hai đối với doanh nghiệp.

-

1001 kiểu quảng cáo phản cảm

Thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt, để bán được hàng các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các chiêu thức quảng cáo khác nhau. Có thể thấy, một chương trình quảng cáo hay là một chương trình rất hấp dẫn, khi xem quảng cáo, người ta thường nhớ ngay thương hiệu và hình ảnh sản phẩm.

Trong các loại hình quảng cáo thì quảng cáo trên truyền hình chiếm lợi thế rất lớn bởi sức lan tỏa rộng và tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Quảng cáo ngày nay không chỉ thu hút sự quan tâm của người lớn mà thậm chí trẻ nhỏ vài tháng tuối trở lên cũng “nghiện” chương trình quảng cáo bởi âm thanh và hình ảnh rất ấn tượng các sản phẩm mà doanh nghiệp giới thiệu.

Tuy nhiên, bên cạnh những quảng cáo sản phẩm có nội dụng tốt, trung thực thì gần đây nhiều sản phẩm quảng cáo hết sức phản cảm cứ tràn lan gây bức xúc trên sóng truyền hình.

Điển hình, clip quảng cáo gây bức xúc dư luận về sản phẩm máy lọc nước Kangaroo. Đoạn clip mấy giây nhưng tiếng búa gõ “cạch” inh tai nhức óc phát ra chục lần. Đoạn quảng cáo này sau khi phát sóng bị khán giả tẩy chay và VTV buộc có lời cáo lỗi khán giả.

Hay như đoạn quảng cáo sản phẩm bột ngọt với nội dung trái thuần phong mỹ tục khi có phần khuyến khích các đấng mày râu có "bồ". Nội dung đoan quảng cáo Maggi 3 ngọt, người chồng có hẹn với bạn gái nhưng sực nhớ đến vợ anh ta đang ở nhà nấu cơm. Anh ta đã quyết định tạm biệt cô bạn gái để về nhà ăn cơm với vợ. Về đến nhà, người chồng nói “Phở dài là của người ta, cơm ngon canh ngọt với là vợ anh”. Điều đáng nói, slowgan đã trở thành câu nói quá quen thuộc với nhiều người trong đó ngay cả trẻ con cũng thắc mắc danh từ "phở" trong đoạn quảng cáo là gì!?

Mới đây, trong một cảnh quảng cáo sản phẩm khử mùi Rexona, nữ diễn viên TTH hớn hở trong chiếc khăn tắm quấn quanh người, đứng giữa nhà bảo: “Mỗi sáng sau khi tắm, H. luôn sử dụng Rexona!”, rồi giơ nách lên quẹt quẹt. Sau khi quẹt xong, cô còn dùng ngón tay búng một cái, phản cảm vô cùng. Cũng quảng cáo sản phẩm khử mùi, mẩu quảng cáo nọ kể chuyện hai anh chị gặp nhau trên xe buýt. Cô nàng chủ động lại gần anh chàng và giơ tay lên bám dây đeo trên xe cho khỏi té. Anh chàng cũng mỉm cười lại gần, đưa mũi hít hít mấy cái rồi ngoảnh mặt đi, ra ý chê nách cô nàng có mùi khó ngửi.

Trong một rừng clip quảng cáo phát sóng trên truyền hình, có lẽ các sản phẩm tân dược, đông y của các doanh nghiệp Việt cũng đang thực sự gây “ấn tượng” mạnh với khán giả khi cảnh chăn gối được sử dụng rất phổ biến, tràn lan. Nổi bật, đoạn clip quảng cáo Nam dược. Vì thiếu lửa nên diễn viên N rất ngại quan hệ với vợ nhưng khi uống thuốc khang dược hai vợ chồng vui vẻ lên giường. Cô vợ khi lên giường cùng chồng đã mặc bộ váy ngủ hở hang toàn bộ phần dưới.

Không chỉ phản cảm mà nhiều đoạn quảng cáo được xây dựng và phát vào thời điểm không thích hợp. Cứ đến giờ ăn cơm, trên truyền hình lại xuất hiện đoạn quảng cáo nội dung “thuốc Tốt tờ ri chuyên trị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, đi ngoài ra máu tươi…..” Không chỉ vậy mà Nhà đài còn phát các đoạn quảng cáo diễn viên ho, khạc, thận yếu, rồi quảng cáo vi khuẩn toilet, quảng cáo băng vệ sinh phụ nữ... làm khán giả ăn mất cả ngon.

Mai Phương Thúy đã gặp không ít rắc rối khi đóng đoạn quảng cáo dầu gội đầu bởi câu nói được cho là quá vỗ lễ với mẹ chồng

Đó là chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp còn ngang nhiên quảng cáo sai sự thật một trong điều pháp luật cấm. Điển hình là đoạn clip quảng cáo kéo dài 30s, do diễn viên Phạm Bằng và Quang Thắng thể hiện. Bối cảnh của dự án hết sức thơ mộng: có vườn thượng uyển, có công viên và có cả một cái hồ rộng 13 ha, mục đích quảng cáo cho chung cư cao cấp Mandarin Garden của Tập đoàn Hòa Phát.

Tuy nhiên, trên thực tế thì những yếu tố thơ mộng của dự án lại không hề có bởi khu đất xung quanh dự án Mandarin Garden, không thấy khu đất trống nào để có thể đào được một cái hồ rộng 13 ha...

Câu hỏi lớn về trách nhiệm

Trên đây chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ về các loại quảng cáo sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo. Thế nhưng, suốt thời gian dài qua gần như chưa có quảng cáo nào bị xử phạt mà chỉ dừng ở việc sửa chữa lại nội dung. Ngay cả các quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng cũng không được giải thích đúng hay sai và không được bồi thường bất cứ thiệt hại gì. Đây là một lỗ hổng lớn cần được các cơ quan chức năng xem xét.

Đại diện Hiệp hội Quảng cáo cho biết: “Với những trường hợp quảng cáo phản cảm trên truyền hình, khi Cục Quản lý phát thanh truyền hình – Bộ Thông tin - Truyền thông có công văn “nhắc nhở” thì các đài dừng phát sóng. Còn từ trước tới giờ, ở VN chưa có trường hợp quảng cáo phản cảm nào bị xử phạt cả”.

Trong khi tại Pháp, những hành vi quảng cáo sai sự thật bị phạt tới hàng triệu USD. Tại Áo, có một hội đồng thẩm định độc lập trước khi clip, hình ảnh quảng cáo được phát tới người tiêu dùng. Chính vì vậy mà những quảng cáo “vô duyên, phản cảm” sẽ bị cho vào danh sách cấm.

Còn ở Việt Nam, trách nhiệm thẩm định phim quảng cáo hoàn toàn thuộc về các đài truyền hình, giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Các doanh nghiệp khi xây dựng các clip quảng cáo đều cố gắng sao cho thật ấn tượng và luôn kỳ vọng được mọi người nhớ đến lâu hơn. Và không ai có thể phủ nhận rằng nếu một quảng cáo hay, có sức hấp dẫn thì hiệu quả về mặt thu hút khách hàng của quảng cáo đó sẽ là rất lớn.

Nhưng nếu doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo sai trái nhằm tăng doanh thu bán hàng thì chắc chắc sẽ gặp thất bại, bởi hơn ai hết, khách hàng sẽ là những người đầu tiên nhận ra sự “lừa dối” đó và sẽ từ bỏ hàng hóa của doanh nghiệp.

Khánh An

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=26&newsid=257599