Sợi dây vô hình Đông - Tây

Giao lưu văn hóa Đông - Tây có những trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị. Xin lấy ví dụ sợi dây vô hình nối Hồ Chí Minh (1890-1969) - Gandhi (1869-1948) - Thoreau (1817-1869) qua không gian và thời gian (Việt - Ấn - Mỹ).

Chúng ta còn nhớ khi bắt đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp, áp dụng chiến lược chiến tranh nhân dân, Hồ Chủ tịch kêu gọi người dân không đóng thuế, không đi lính cho Pháp, bất hợp tác với chính quyền thực dân Pháp. Mặc dù không theo thuyết bất bạo động (Ahimsa) của lãnh tụ và triết gia Ấn Độ Gandhi mà ông ngưỡng mộ từ khi còn hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh hẳn đã rất gần chiến thuật bất hợp tác với thực dân của Gandhi. Nếu ngược dòng lịch sử thì về điểm này, Gandhi đã chịu ảnh hưởng của Thoreau, điều mà các nhà sử học đã khẳng định.

Vậy Thoreau là ai?

Ông là một tác giả Mỹ viết tiểu luận và làm thơ sống vào thế kỷ XIX. Sinh thời, tác phẩm của ông ít ai đọc, nhưng lại có rất nhiều độc giả sau khi ông chết và có ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay. Là một triết gia bạn của thiên nhiên và yên tĩnh, ông là đồ đệ và bạn của triết gia Mỹ Emerson, người đẻ ra thuyết siêu việt (hoặc tiên nghiệm luận), một thuyết phiếm thần chủ trương chiêm ngưỡng qua trực giác và xuất thần để thâm nhập bản chất sự việc.

Học giả Thoreau chủ trương tự do cá nhân tuyệt đối, mỗi công dân phải sống theo lương tâm của riêng mình, có quyền phản kháng lại đa số nếu đa số hành động vô nguyên tắc. Tư tưởng đó thể hiện rõ nhất trong bản luận văn nổi tiếng về thái độ bất hợp tác của công dân kháng lại chính quyền một cách ôn hòa (Civil Disobedience, 1849). Đi sâu hơn nữa, thì Thoreau chịu ảnh hưởng của tôn giáo: những người Thanh giáo Anh di cư đầu tiên sang Mỹ, đặc biệt giáo phái Quaker, đề cao lương tâm cá nhân, sống theo Kinh Thánh, nên nhiều tín đồ phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Kinh Thánh đã dạy: "Người không được giết người, mỗi người là một sinh linh của Thượng Đế".

Quá trình ảnh hưởng văn hóa - chính trị Thoreau - Gandhi - Hồ Chí Minh đã phản hồi thành Việt Nam (Hồ Chí Minh) - Mỹ (Thoreau) do chiến tranh Mỹ ở Việt Nam (1965-1975). Cập nhật hóa lập luận của Thoreau về quyền công dân không tuân lệnh trên khi lệnh ấy sai trái, những người Mỹ phản chiến đã chống thuế và chống quân dịch. Người chống thuế (tax resister), chống quân dịch (draft dodger) rất đường hoàng theo tiếng gọi của lương tâm, chứ không phải trốn thuế, trốn đi lính vì thiếu tiền hay sợ chết.

Bill Ramsey đã không đóng thuế liên bang từ Noel 1972, khi Mỹ ném bom Hải Phòng và Hà Nội, giết chết 1.500 dân thường Việt Nam (theo con số của Mỹ). Số người Mỹ chống đóng thuế thu nhập lên tới đỉnh cao là 2 vạn trong chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh Mỹ ở Việt Nam chấm dứt hơn một phần tư thế kỷ. Nhưng ảnh hưởng của nó qua lập luận Thoreau vẫn tồn tại đến mức một bài viết của Gina Doggett (AFP - tháng 4/2003) đã lấy tên là Những người chống thuế Mỹ hiện đại đã bóc một trang sách của Thoreau. Theo tác giả, cũng như hàng triệu người Mỹ khác, Bill Ramsey, đúng hạn phải nộp cho Chính phủ bản khai số tiền thu nhập phải chịu thế. Có điều khác là ông ta không chịu đóng thuế mà chỉ gửi kèm một bức thư không tán thành đóng thuế cho chiến tranh. Ông cho biết là cùng những người Mỹ khác phản kháng (con số lên tới 4.000 - 6.000 trong năm 2003), ông vốn là người hoạt động vì nhân quyền sẽ gửi 1.700 USD tiền thuế ấy đến những tổ chức vì hòa bình. "Tôi không thể chấp nhận trong lương tâm việc đem nguồn sống của gia đình chia cho những kẻ đi chém giết", ông tuyên bố với AFP.

Bà giáo về hưu Chloe cùng một nhóm nhỏ đứng ở cổng cơ quan thuế lợi tức TRS để phản đối việc đem tiền thuế ra phục vụ chiến tranh. Bà phải đóng 800 USD cho năm 2003. Bà nói sẵn sàng đi ở tù.

Sự thật thì ít người chống thuế, có khi hàng chục năm bị ngồi tù hoặc đem ra tòa xử. Song những vụ ấy thường thì bị cáo lại được cảm tình của công chúng.

Ed Hedeman, chống thuế 32 năm nay, vừa cho xuất bản một cuốn sách Hướng dẫn việc chống đóng thuế cho chiến tranh. Ramsey viết trong bức thư gửi sở thuế là ông không đóng thuế "vì cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ ở Iraq". Liên đoàn những người chống thuế vì chiến tranh ước tính là 47% tiền thuế thu nhập đã bị sử dụng vào các cuộc chiến tranh đã qua.

Ông Ramsey kết luận: "Người ta trả lương cho tôi để hoạt động cho nhân quyền. Tôi không có quyền chuyển số tiền ấy cho Lầu Năm Góc".

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2014/4/F76E95E4EC934742/