Sớm ban hành tiêu chí tuổi thọ cây xanh đô thị

Nhiều vụ ngã đổ cây xanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người đi đường xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề cấp bách cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý hệ thống cây xanh TP Hồ Chí Minh. Sở Giao thông vận tải đang kêu gọi tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm vừa giữ được "lá phổi xanh" cho thành phố, vừa bảo đảm an toàn cho người dân.

Nguy hiểm luôn rình rập

Thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, thiệt hại về người và tài sản do cây ngã đổ tăng qua mỗi năm. Cụ thể, chỉ trong vòng bốn năm (từ 2013 đến 2016) toàn thành phố đã xảy ra 751 vụ cây xanh ngã đổ và 1.909 vụ cây gãy nhánh làm bốn người chết, bị thương 33 người và hư hại nhiều tài sản như nhà cửa, ô-tô, xe máy, trụ đèn... Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2016, đã có tới hai người thiệt mạng và chín người bị thương do các vụ cây ngã, đổ.

Theo Phòng Quản lý Công viên và Cây xanh (Sở GTVT) thành phố, các chủng loại cây lim sét, sọ khỉ, phượng vĩ chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ ngã, đổ, gãy nhánh dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng của người dân. Đơn cử như vào ngày 26-8, nhánh của một cây cổ thụ ở độ cao hơn 10 m, nằm trong khuôn viên Công viên Tao Đàn bất ngờ rơi xuống đè chết bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, ngụ quận 1), đang đi tập thể dục. Tiếp đó, chỉ hai ngày sau, ngày 28-8, một cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương (phường 4, quận 5) bất ngờ bật gốc, ngã xuống chắn ngang đường khiến anh Từ Minh Khải (25 tuổi, quê tỉnh Kon Tum) đang lưu thông qua đoạn đường này bị nhánh cây đè bất tỉnh, sau đó anh Khải chết trên đường đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng chí Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Công viên và Cây xanh nhận định: "Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do quá trình đô thị hóa, tạo nên quá nhiều nhà cao tầng đã thu hẹp không gian sinh trưởng, phát triển của cây xanh. Ngoài ra, nhà cao tầng mọc lên đã tạo hiệu ứng gió đường hầm, khiến sức gió thay đổi khi có giông lốc cũng dễ làm bật gốc cây…". Cũng theo ông Dũng, tình trạng xâm hại cây xanh của người dân, nhất là sự xâm hại của các đơn vị thi công trong quá trình thi công các công trình công ích như điện, cấp - thoát nước, cáp viễn thông hay thực trạng mực nước ngầm ô nhiễm, suy giảm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng cây xanh ngã đổ bất cứ lúc nào! Trước thực trạng này, Sở GTVT đã, đang phối hợp cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, trường đại học để tạo thành mạng lưới chuyên ngành trong việc hỗ trợ, hiến kế các giải pháp nhằm đánh giá tổng thể về cây xanh đường phố, tiến tới quản lý một cách hiệu quả hơn.

Cần sớm ban hành tiêu chí

Một cán bộ Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh thành phố chia sẻ, công tác lâu nay mà Sở GTVT thành phố, đơn vị quản lý cây xanh thực hiện chủ yếu là lên kế hoạch mé nhánh, cắt cành và thực tế công tác này là chưa đủ. Để tránh rủi ro, kiểm soát được "sức khỏe" của cây xanh thì cơ quan quản lý còn phải lập danh mục tuổi thọ của từng loại cây, thậm chí có những loại cây hiện nay không còn phù hợp để trồng ở một đô thị chật hẹp như TP Hồ Chí Minh. "Một số loài cây có rễ ăn ngang như sọ khỉ, phượng vĩ không còn phù hợp với không gian hẹp ở đô thị ngày nay", ông Nguyễn Khắc Dũng nhận định. Phó chủ tịch Hội cây xanh Việt Nam Trần Thiện Hà cho rằng, các nhà khoa học cần sớm ban hành tiêu chí tuổi thọ cây xanh đô thị, bởi con người còn có tuổi hưu thì cây cũng cần "nghỉ hưu"!. Những cây nào già cỗi cần thiết phải thay thế, những cây nào bảo tồn thì bảo tồn, tránh tình trạng bỏ lửng như hiện nay. Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chúng tôi được Sở GTVT thành phố giao lập hội đồng phản biện việc xử lý cây xanh nằm trong các dự án hạ tầng giao thông đi qua như: dự án Ngã 6 Gò Vấp, dự án cầu Thủ Thiêm 2… Hội đồng đã mất rất nhiều thời gian tranh luận bởi, đến nay chưa có quy định, tiêu chí nào xoay quanh việc xử lý cây xanh nằm trong các dự án giao thông cả. Thiết nghĩ, với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông như hiện nay, Sở GTVT thành phố cần sớm đưa ra bộ tiêu chí này.

Quan trọng hơn, theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học thì không thể chấp nhận "những cái chết từ trên trời rơi xuống" liên tục gây ra cho người đi đường. Trước mắt Sở GTVT thành phố cần lập ngay một Hội đồng khảo sát, lên danh sách những cây nào cần đốn hạ do tuổi thọ, sức khỏe yếu và những cá thể, quần thể cây nào cần bảo tồn. Ngoài ra giữa đốn hạ, thay thế và công tác bảo tồn cần phải hài hòa để giữ an toàn giao thông cho người đi đường, đồng thời giữ được mảng xanh của thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31469402-som-ban-hanh-tieu-chi-tuoi-tho-cay-xanh-do-thi.html