Sớm tôn tạo di tích quốc gia Xưởng quân giới Giang Tiên

Có một loại súng do bộ đội ta sản xuất trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử và trở thành một trong những “huyền thoại biết nói” của Quân đội nhân dân Việt Nam: Đó là súng chống tăng Ba-dô-ka.

Tháng 3 năm 1946, xưởng quân giới Giang Tiên thuộc Cục Quân giới (nay thuộc thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được giao nhiệm nghiên cứu, sản xuất súng, đạn ba-dô-ka cung cấp cho chiến trường. Nhận nhiệm vụ này, những người lính quân giới, đứng đầu là kĩ sư Trần Đại Nghĩa, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí có người hy sinh tính mạng trong quá trình chế tạo, thử nghiệm để tìm ra “lời giải” cho những “bài toán” khó như tính toán, thiết kế buồng đốt, loa phụt, liều phóng, thuốc nổ… Sau nhiều lần thử nghiệm, hiệu chỉnh, cán bộ, chiến sĩ quân giới đã chế tạo thành công súng, đạn ba-dô-ka có các tính năng tương đương với vũ khí cùng loại của nước ngoài vào thời điểm đó. Sáng 3-3-1947, thực dân Pháp dùng máy bay, xe tăng, xe bọc thép đánh chiếm thị xã Hà Đông. Đoàn xe của chúng đang hùng hổ tiến vào khu vực Chúc Sơn - Chùa Trầm thì bất ngờ chiếc đi đầu trúng đạn ba-dô-ka của ta và bốc cháy. Địch hốt hoảng, hoang mang rút chạy, bởi không ngờ quân giới Việt Nam đã sản xuất được súng ba-dô-ka! Đến tháng 4-1947, việc sản xuất súng ba-dô-ka đi vào ổn định. Cục Quân giới ban hành bản thiết kế cho các xưởng để chế tạo hàng loạt. Các xưởng có thể sản xuất hàng chục khẩu súng và hàng trăm viên đạn mỗi tháng, nhiều xưởng còn cải tiến thành các loại súng ba-dô-ka dùng để đánh ca-nô, tàu chiến trên sông khá hiệu quả… Việc nghiên cứu, chế tạo thành công súng ba-dô-ka ngay trong năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực Pháp, trong điều kiện nước ta còn nghèo, lạc hậu là một kì tích, khẳng định sự mưu trí, sáng tạo, lòng yêu nước vô bờ của đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Quân giới. Sự xuất hiện loại vũ khí này bước đầu làm mất ưu thế về xe tăng, thiết giáp, khiến giặc Pháp lo sợ, góp phần thay đổi cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Nơi sản xuất những khẩu súng Ba-dô-ka đầu tiên hiện nay còn nhiều dấu tích nguyên trạng như móng, trụ bằng bê tông cốt thép dưới chân đồi Tây Máy và khu đồi cây, bể nước trên đồi, khu nền móng đặt máy bơm nước tại bến sông Giang Tiên. Toàn bộ khu vực sản xuất vũ khí có diện tích khoảng 5.000m2 vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Năm 2004, Xưởng quân giới Giang Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Để xứng đáng là một trong những di tích lịch sử quan trọng của ngành Quân giới Việt Nam và trong quần thể khu di tích lịch sử ATK, các cấp, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, phê duyệt, triển khai dự án phục hồi, tôn tạo di tích này nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống tự lực tự cường, sáng tạo, mưu trí cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau. NGUYỄN TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/104733/Default.aspx