Sơn La: Một vụ thi công trước, đấu thầu sau để rút tiền Quỹ bảo trì đường bộ?

Theo quy định, dự án có giá trị 1 tỉ sẽ phải tiến hành đấu thầu để lựa chọn ra nhà thầu thực hiện, tạo sự công bằng chung cho các đơn vị tham gia. Ấy vậy, tại tỉnh Sơn La lại có chuyện lạ đời “thi công trước, mời thầu sau” khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi cho việc làm đầy khuất tất này.

Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Thăng Long (Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long) là đơn vị đã được Sở GTVT tỉnh Sơn La “ngầm” cho phép thi công công trình trước khi mở bán hồ sơ mời thầu Dự án: “Sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, QL37, tỉnh Sơn La”.

Lý giải về sự việc có dấu hiệu thông thầu này, Giám đốc Sở GTVT Sơn La, ông Trịnh Xuân Hùng thừa nhận Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long “có quan hệ” và do Tổng Cục đường bộ Việt Nam giới thiệu, vì vậy việc cho thi công trước rồi cho trúng thầu sau - vi phạm luật đấu thầu là có thật!

Từ việc thừa nhận hành vi thông thầu

Dự án: Sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, thuộc QL 37, (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La” là một trong 11 Dự án được Tổng cục ĐBVN phê duyệt cho phép sửa chữa công trình đường bộ năm 2016, toàn bộ số tiền đầu tư xây dựng các công trình trên đều được dùng tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung Ương (Quỹ BTĐB).

Mặc dù gần đây, dư luận đang bức xúc trước thông tin tăng phí từ các công trình BOT thì số tiền đóng góp của người tham gia giao thông để bảo trì những con đường không thu phí lại đang bị một số đơn vị thuộc Bộ giao thông “bắt tay” với doanh nghiệp để rút tiền từ Quỹ bảo trì?

Giám đốc Sở GTVT Sơn La - Trịnh Xuân Hùng trả lời phóng viên Pháp luật Plus.

Trước những căn cứ và hình ảnh phóng viên đưa ra phỏng vấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La, ông Trịnh Xuân Hùng thừa nhận việc Ban Quản lý bảo trì đường bộ (trực thuộc Sở GTVT) tỉnh Sơn La đã đăng tin mời thầu trên báo Đấu thầu số 77, ngày 27/4/2016 với nội dung.

Mời thầu xây lắp công trình sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu từ ngày 04/05/2016 đến 8 giờ ngày 16/5/2016 (ngày đóng thầu và cũng là thời điểm mở thầu). Tuy nhiên, khoảng 45 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu dự án này, Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long đã thi công và hoàn thành toàn bộ các hạng mục chính và gắn biển tên Công ty rất hoành tráng tại các vị trí đã thi công.

Đây rõ ràng là hành vi thông thầu và nói theo dân gian là kiểu “đi đêm” dấm dúi, tư túi tức là thông đồng giữa đôi bên.

Sau khi để Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long thi công trước, sau đó chủ đầu tư mới tiến hành tổ chức đấu thầu.

Ai cũng biết hành vi thông thầu là một trong số 19 hành vi bị cấm được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005, được sửa đổi, bổ sung và quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm một trong những điều bị cấm trên thì bị xử lý theo các hình thức cụ thể như: cảnh cáo, phạt tiền, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, vị đại diện Sở GTVT tỉnh Sơn La mặc dù thừa nhận đây là hành động vi phạm Luật đấu thầu nhưng vẫn ngụy biện cho hành động này với lý do việc sửa chữa khe co giãn của cầu rất khó, Sở phải nhờ Tổng cục ĐBVN giới thiệu đơn vị có kinh nghiệm để thi công?! Như vậy việc Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long được thi công trước rồi có quyết định trúng thầu sau chính là để hợp thức hóa việc rút tiền đầu tư từ Quỹ BTĐB.

Khe co giãn răng lược cầu Tạ Khoa đã được hoàn thành trước khi đấu thầu.

Cũng từ việc “bắt tay” chặt chẽ giữa Công ty 68 và xây dựng Thăng Long với Sở GTVT tỉnh Sơn La mà giá bỏ thầu của đơn vị trúng thầu chỉ chênh lệch với giá trị dự toán công trình chỉ khoảng 8 triệu đồng.

Theo một chuyên gia trong ngành giao thông cho biết, những thông số kỹ thuật do Sở GTVT Sơn La đưa ra trong hồ sơ mời thầu hầu như trùng khớp với những vật liệu mà đơn vị trúng thầu sẵn có.

Như vậy liệu giá trị công trình có quá cao và sát giá đến mức như vậy hay không?! Và dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về chất lượng công trình do doanh nghiệp “có quan hệ” này thi công.

Đến việc viện dẫn lý do sai phạm

Khi phóng viên đặt câu hỏi, trong trường hợp có đơn vị tham gia đấu thầu khác trả giá thấp hơn đơn vị đã được thi công thì Sở sẽ xử lý ra sao?

Vị Giám đốc Sở GTVT Sơn La hồn nhiên khẳng định nếu có chuyện như vậy thì Công ty 86 và Xây dựng Thăng Long sẽ phải gỡ bỏ toàn bộ công trình đã thi công xong để bàn giao lại cho đơn vị trúng thầu! Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận sẽ khó có khả năng có đơn vị nào khác ngoài Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long trúng thầu.

Ông Luyện Ngọc Nghĩa - GĐ BQL Bảo trì đường Bộ - Sở GTVT Sơn La.

Mâu thuẫn hoàn toàn với quan điểm của ông Trịnh Xuân Hùng, ông Luyện Ngọc Nghĩa- Giám đốc Ban quản lý bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Sơn La lại ngây ngô khẳng định: "việc Công ty 68 và Xây dựng Thăng Long thi công hoàn thiện trước rồi trúng thầu sau là sự thật nhưng sau khi trúng thầu Ban sẽ yêu cầu đơn vị gỡ bỏ toàn bộ công trình để thi công lại từ đầu và ông Nghĩa khẳng định sẽ mời phóng viên lên chứng kiến việc thi công lại"

Dù biết đã vi phạm Luật đấu thầu nhưng cả hai vị có trách nhiệm của Sở GTVT tỉnh Sơn La vẫn cố đưa ra những lý do và “giải pháp” chữa cháy rất nực cười và xem như đây là “sự đã rồi” nên không hề có hướng sửa sai nào khác..

Đề nghị Bộ GTVT sớm có biện pháp xử lý để đưa những đơn vị "bắt tay" với doanh nghiệp để đấu thầu theo kiểu “đi đêm” này vào danh sách cấm đấu thầu trên toàn quốc theo đúng quy định của pháp luật.

Pháp luật plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Vinh Bá

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/son-la-mot-vu-thi-cong-truoc-dau-thau-sau-de-rut-tien-quy-bao-tri-duong-bo-d15978.html