Sơn Trà bị băm nát... đúng luật: Câu hỏi lớn

Để gìn giữ Sơn Trà cho mai sau, có quá nhiều việc phải làm , trước hết là phục hồi về mặt pháp lý cho toàn bộ không gian khu bảo tồn.

LTS: Liên quan đến dự án xây dựng 40 biệt thự ồ ạt trên bán đảo Sơn Trà thời gian qua, KTS Hoàng Sừ - Nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam đã có bài viết phân tích, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan, đa chiều của thông tin, Đất Việt xin đăng tải toàn bộ bài viết của ông.

Quá trình xâm lấn lấy đất rừng Sơn Trà

Vừa qua việc ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng gửi tâm thư lên Thủ tướng đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã thu hút sự hưởng ứng đồng tình của dư luận cả nước, bởi người dân rất lo lắng trước nguy cơ khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị băm nát nếu triển khai quy hoạch tổng thể này.

Điều cần nói ở đây là sự băm nát Sơn Trà không phải do các hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà ở chỗ do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư hoàn toàn hợp pháp. Vậy đâu là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng xâm hại báu vật thiên nhiên của Đà Nằng từng một thời được bảo vệ nghiêm ngặt là RỪNG CẤM QUỐC GIA SƠN TRÀ khiến dư luận xôn xao trong những ngày gần đây?.

Tìm hiểu lịch sử biến đổi về quy mô của Rừng cấm Sơn Trà mới thấy quá trình xâm lấn lấy đất rừng Sơn Trà cho xây dựng các khu du lịch diễn ra thật đáng lo ngại.

Trong thời gian từ 1977 đến 1997 ( =trước khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà được quản lý và bảo vệ khá chặt chẽ qua quyết định của nhà nước ban hành gồm: Quyết định số 41-TTg Ngày 24/01/1977 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có diện tích khoảng 4.000 ha và Quyết định số 447/LN - KL do Bộ Lâm nghiệp ban hành ngày 02/10/1992, đổi tên thành khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, xác định cụ thể tổng diện tích là 4.439 ha.

Sơn Trà đang đối diện với sự xâm lấn

Từ sau chia tách, TP Đà Nẵng phát triển bứt phá, hạ tầng đồng bộ, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên, thành phố mở rộng ra toàn bộ không gian hành chính. Bán đảo Sơn Trà cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc phát triển bứt phá đó, do tính chất đặc thù là khu bảo tôn thiên nhiên lại có cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp nên Sơn Trà trở thành mục tiêu đặc biệt cho các dự án khách sạn, resort, nghỉ dưỡng và đô thị cao cấp.

Vì vậy đã phát sinh hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên: về xâm hại quy mô ranh giới khu bảo tồn, về mâu thuẫn giữa định hướng bảo tồn thiên nhiên và khai thác phát triển, về cấp phép đầu tư, về chuyển mục đích sử dụng rừng.

Sau đây là một số bất cập lớn cần được xem xét nghiêm túc nhằm bảo vệ Sơn Trà cho thế hệ mai sau:

1. Quyết định số 6758/QĐ - UBND của UBND TP Đà Nẵng cắt giảm quy mô khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà:

Thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, năm 2008 UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ - UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020.

Theo quyết định này diện tích khu bảo tồn thiên nhiên sơn Trà từ 4.439 ha giảm xuống chỉ còn 2.591,1 ha bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trống và đồi núi trọc. Giảm 1847,9 ha ,chiếm 41% tổng diện tích khu bảo tồn.

Như vậy bằng quyết định số 6758, Đà Nẵng đã chuyểnmục đích sử dụng 1847,9 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang các loại đất khác. Đây thực sự là vấn đề bất cập lớn trong quản lý khu bảo tồn vì theo mục a, khoản 2, điều 28 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định việc chuyển mục đích sử dụng rừng trong khu bảo tồn thuộc thẩm quyền của thủ tướng chính phủ.

Theo đó trong trường hợp có nhu cầu cần thay đổi quy mô diện tích hoặc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác như đất du lịch, đất ở đô thị…thì Đà Nẵng phải có tờ trình đề nghị Thủ tướng CP cho chủ trương và lập quy hoạch trình Thủ tướng CP phê duyệt. (Từ 2014 trở đi thì phải trình Quốc Hội cho chủ trương theo luật Đầu tư 2014).

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc TP Đà Nẵng ra quyết định số 6758? Muốn lý giải điều này phải nhìn vào thực tế sử dụng đất khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà những năm vừa qua mới hiểu được nguyên nhân sâu xa của nó.

Từ năm 2000 trở đi là thời điểm Đà Nẵng bắt đầu cuộc bùng nổ khai thác đất. Đồng ruộng, bãi cát , rừng phi lao chắn gió chắn cát…bị san lấp để chia lô bán nền. Sơn Trà lúc này là khu đất đặc biệt hấp dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp và bất động sản.

Theo Báo cáo tổng hợp của Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà 2016 do Viện chiến lược phát triển du lịch thực hiện thì từ những năm 1998 đến 2015, mặc dù bán đảo Sơn Trà chưa có quy hoạch chung được duyệt nhưng Tp đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự lớn nhỏ với tổng diện tích 1225,45 ha, chiếm 27,6% - gần bằng 1/3 bán đảo Sơn Trà.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/son-tra-bi-bam-nat-dung-luat-cau-hoi-lon-3332398/