Sơn Trà không chỉ có voọc mà còn cả một hệ sinh thái bậc nhất thế giới cần bảo vệ

Báo cáo của nhiều nhà khoa học tại hội thảo 'Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà' sáng 15.7 khẳng định, Sơn Trà không chỉ có voọc chà vá chân nâu mà còn có cả một hệ sinh thái được đánh giá nhất nhì thế giới.

Một nhà khoa học tại hội thảo.

Ngày 15.7, tại Đà Nẵng, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà”. Tham dự hội thảo có hơn 150 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của Đà Nẵng và Trung ương, các tổ chức bảo tồn trong nước.

Sơn Trà không chỉ có voọc!

Trình bày về hiện trạng tài nguyên đa dạng sinh học trên cạn của bán đảo Sơn Trà tại hội thảo, TS. Lưu Hồng Trường - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - cho biết, hiện nay Sơn Trà có hơn 1.000 loài thực vật, 21 loài nấm lớn. Đáng chú ý hơn, Sơn Trà đang sở hữu 43 loài thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam (SĐVN) và Danh mục đỏ thế giới (IUCN).

PGS.TS Nguyễn Văn Tập, Viện Dược liệu mang đến thông tin về những loài cây thuốc quý tại Sơn Trà. Ảnh: Mỹ Linh

“Vẫn còn hàng trăm loài khác đang được xác định tên và chắc chắn sau nghiên cứu đang thực hiện, con số các loài sẽ không dừng lại là 1.000”, ông Trường khẳng định.

Về tài nguyên động vật, Sơn Trà có 38 loài thú, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loại côn trùng. Hệ sinh thái đa dạng sinh học ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có sự xuất hiện của 5 loài động vật trong Sách Đỏ Việt Nam và 4 loài IUCN, bao gồm voọc chà vá chân nâu, cu li nhỏ, tê tê, dơi chó cánh ngắn, mang thường…

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Tập - Viện Dược liệu - đã mang đến nhiều thông tin về khu dược liệu quý hiếm Sơn Trà. Đặc biệt, kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, khu BTTN bán đảo Sơn Trà có nguồn cây thuốc mọc tự nhiên khá phong phú và đa dạng. Chỉ trong phạm vi diện tích rừng khoảng 4.000ha đã ghi nhận được 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch.

Từ đó, ông Tập nhấn mạnh: “Giá trị quan trọng nhất của Sơn Trà là trở thành địa điểm hành hương cho các nhà khoa học. Nhiều loại thực vật, dược liệu được phát hiện đầu tiên tại Sơn Trà nên đây sẽ là nơi các nhà khoa học thế giới quay lại”.

Như vậy, Sơn Trà không chỉ có voọc chà vá chân nâu mà còn có cả một hệ sinh thái động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn.

42% diện tích rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà đã biến mất trong 10 năm

Tuy nhiên, bên cạnh những con số về sự đa dạng sinh học tại Sơn Trà, hội thảo cũng đề cập đến sự can thiệp của con người đã và đang dẫn đến sự suy thoái hệ sinh thái ở Sơn Trà.

Điển hình là việc mở rộng đường lên núi Sơn Trà, điều này đã khiến diện tích rừng bị sụt giảm chỉ còn 85%. Môi trường sinh sống của voọc chà vá chân nâu bị chia cắt. Trong khi đó, Sơn Trà phải chứa hơn 1.000 loài thực vật và hơn 38 loài động vật. Ngoài ra, hoạt động săn bắt, bẫy, thú rừng hay va chạm giao thông khiến một số loài động vật bị suy giảm số lượng.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học cùng bàn về những giá trị Sơn Trà. Ảnh: Mỹ Linh

Đặc biệt, sự suy giảm ít ai biết nhưng lại rõ rệt nhất chính là hệ thống rạn san hô ven bán đảo. TS Nguyễn Xuân Hòa - Viện Hải dương học Nha Trang - cho biết, khảo sát năm 2016 cho thấy, diện tích các rạn san hô ở vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 46,9ha, giảm đi 34ha so với diện tích đã được báo cáo năm 2006 là 80,9ha (toàn vùng biển Đà Nẵng từ Nam Hải Vân đến Nam bán đảo Sơn Trà là 104,6ha - báo cáo của Nguyễn Văn Long, Hoàng Xuân Bền, năm 2005), tức có đến 42% diện tích rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà đã biến mất trong vòng khoảng 10 năm gần đây.

Suy thoái các thảm cỏ biển ở bãi Nồm có thể do những tác động của các hoạt động của con người vùng ven bờ như phát triển cơ sở hạ tầng ven biển làm gia tăng trầm tích trong môi trường biển và hoạt động khai thác hải sản bằng giã cào. Các thảm cỏ biển ở vùng biển bán đảo Sơn Trà có nguy cơ bị biến mất hoàn toàn nếu không được quan tâm bảo vệ.

Với những kết quả nghiên cứu trên có thể khẳng định, hệ sinh thái Sơn Trà mặc dù rất phong phú và đa dạng nhưng sự tác động của con người đang khiến nơi này trở thành những mảnh đất chết, bãi biển chết.

Trong chiều 15.7, các nhà khoa học sẽ trao đổi về vấn đề quy hoạch Sơn Trà và hướng đi cho Sơn Trà trong tương lai.

MỸ LINH - XUÂN HẬU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/son-tra-khong-chi-co-vooc-ma-con-ca-mot-he-sinh-thai-bac-nhat-the-gioi-can-bao-ve-683582.bld