Sống chậm

Thỉnh thoảng tôi lại nghe ai đó thốt lên: "Sống chậm thôi, thở sâu hơn, đi bộ nhiều hơn, nhìn ngắm mọi thứ thật hơn!".

Thỉnh thoảng tôi lại nghe ai đó thốt lên: "Sống chậm thôi, thở sâu hơn, đi bộ nhiều hơn, nhìn ngắm mọi thứ thật hơn!".

Cái nguyên tắc sống đó giúp chúng ta suy nghĩ sâu hơn, một nguyên tắc mà khi còn trẻ không đời nào ta chấp nhận. Và khi về già, ta hay nghĩ đến chuyện phải sống chậm lại, còn bao nhiêu thời gian nữa mà đòi sống chậm?

Một hôm bỗng ngộ ra, sống chậm đâu phải bước chậm, nhai kỹ, thở sâu! Khi đó là một buổi sáng, tôi bước vào một xưởng làm đồ da nhỏ ở con phố cổ. Da thuộc trông lúc nào cũng cũ kỹ. Mọi thứ đều thế, lem luốc, những mảng thời gian chồng lấn trên tường nhà, trên bàn tay nghệ nhân già đang chìm đắm trong mảng màu nhuộm trên tấm da đã thuộc.

Nghệ nhân đánh màu trên da, loại da thuộc bằng thảo mộc thiên nhiên nhập về từ nước Ý. Màu đánh ba lớp nhuộm, chờ đợi ba ngày. Ngày cuối chốt màu lần cuối, sửa sang thêm những mảng không vừa ý. Nhẩn nha? Không. Làm thủ công nó thế, xỏ cây kim, nếu nóng giận sợi chỉ sẽ chệch một tí, nếu quá vui sợi chỉ cũng nhảy múa. Nôn nóng, màu nhuộm sẽ khác; bực bội, suy tư, màu cũng sầu theo.

Cứ thế, cuộc đời nghệ nhân lúc chìm trong những suy nghĩ về thiết kế, lúc tung tăng theo những món đồ da vừa hình thành từ những ngày ngồi xỏ từng mũi kim, mài những sợi da trơn nhẵn, sáng tạo những màu sắc mới. Mỗi món đồ thủ công đều mang theo từng hơi thở nhẹ, chậm rãi và tỉ mỉ như thế.

Vậy đó là sống chậm. Nghệ nhân chọn cách sống đó, chậm rãi đưa màu của cuộc sống vào mỗi tác phẩm. Ông có thể sử dụng máy may cho một số công đoạn, giảm thiểu sức lao động trên mỗi cái túi xách tay, tức là giảm giá thành, món đồ dễ bán. Nhưng ông ấy không làm thế.

Gọi là hàng làm tay thì phải may tay, sẽ có người thích, người sẻ chia cái đẹp của hàng làm tay, tức là chấp nhận sống chầm chậm, hưởng thụ cũng phải chậm thì mới nhìn ra một cuộc sống không vội vàng.

Và tôi đã phải ngạc nhiên khi mỗi ngày có không ít người trẻ đến đây. Người này nghe ông già giảng về cái đẹp, cái giá trị ẩn chứa trong miếng da thuộc bằng thảo mộc không gây hại cho môi trường; người kia mê say đường chỉ may tăm tắp trên những sáng tạo dọc ngang của miếng da bò; người nọ bị thiết kế độc đáo cuốn hút.

Tôi đảo trên mạng tìm một lúc, hóa ra dân mê đồ da thuộc làm tay nhiều vô kể. Họ lập hội để sẻ chia vẻ đẹp chậm rãi đó với nhau, học hỏi nhau kỹ thuật, đa số chơi đồ da vì say mê, số còn lại làm hàng thủ công để bán. Chỉ đến lúc nhìn những người thích sống chậm bằng lựa chọn tập làm hàng thủ công như vậy mới hiểu được vẻ đẹp của sống chậm.

Cũng khó theo cuộc chơi này, vì nó tốn tiền quá, toàn bạc triệu. Đến khi vào cửa hàng của một cô gái đôi mươi, bỗng hiểu thế này, cô chọn một cách sống chứ không hẳn là thấy đồ da làm tay đang đắt khách.

Sản phẩm trong cửa hàng của cô gái ở Đà Nẵng như một thách thức với đồ da Hội An. Nó kỹ lưỡng, tử tế, nó chăm sóc người sử dụng, nó bất chấp nguyên tắc hạ giá thành chỉ để gói ghém vào nó sự kỳ công tuyệt đẹp. Ai tin vào vẻ đẹp ấy mới dám bỏ tiền triệu ra mua một món nhỏ xíu.

Hôm vào Làng lụa Hội An, tôi nhìn ngắm rất lâu mấy cụ ngồi dệt hoa văn Chăm. Các cụ có một dáng vẻ thảnh thơi rất lạ, mặc dù ngày ngày ngồi se từng khuôn sợi, móc vào khung dệt rồi từ từ tạo từng hoa văn. Mỗi ngày một khúc. Mỗi ngày một hoa văn mới tùy theo hứng thú.

Thế mới biết, sống chậm thật sự đến từ công việc. Không thể ngày ngày đeo đuổi sân si nhiều thứ, rồi mỗi sáng đi bộ, mỗi tối tập thở, nhai chậm thì gọi là chậm. Chậm từ trong tâm hồn tỏa ra cuộc sống, công việc.

Thôi cũng không cần ngụ ngôn mỗi sáng con linh dương thức dậy tự hỏi nếu hôm nay nó chạy chậm hơn con sư tử thì liệu sẽ bị ăn thịt? Sáng con sư tử thức dậy biết rằng nếu hôm nay chạy chậm hơn linh dương thì đàn con nó sẽ chết đói. Vẻ đẹp cuộc sống có rất nhiều, cứ tùy tâm mà lựa chỗ đứng!

> Thở cùng sông

> Món ngon hẻm nhỏ

PHAN HÒA BÌNH

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/doi-thuong/song-cham/1099872/