Sống chung hay riêng ?

(VH)- Sống riêng hay sống chung với gia đình nhà chồng là điều mà nhiều bạn gái trẻ thường hay băn khoan khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Làm thế nào để luôn giữ được êm thấm hòa thuận đối với gia đình nhà chồng là điều không phải người con dâu nào cũng làm được.

Tôi gặp 3 cô dâu Hương Lan, Mai Phương và Hồng Thủy ở Trung tâm tiệc cưới nhà hàng Đông Xuyên cưới chung một ngày, họ đều khẳng định: sẽ sống riêng với các lý do khác nhau. Với Hương Lan, đơn giản chỉ là gia đình nhà chồng cô ở ngoài Bắc, chỉ có mình chồng cô vào Vũng Tàu công tác trong ngành dầu khí. Theo cô thì sống riêng thấy thoải mái hơn, vì được tự do và không va chạm. Hơn nữa, thời buổi hiện đại, việc chiều mẹ chồng của các nàng dâu không còn quan niệm như trước nữa. Các bà đã có “ông” chiều rồi. “Nói là sẽ sống riêng, nhưng em vẫn giữ mối quan hệ tốt với gia đình nhà chồng. Mai này bố mẹ già, em sẽ mời các cụ vào sống với vợ chồng em. Sống riêng không có nghĩa là tách bạch. Đó mới là dâu ngoan”, Hương Lan cười và tâm sự thế. Còn đối với cô dâu Mai Phương thì gia đình nhà chồng có nếp cho con sống độc lập, nhưng tụ họp quây quần trong dịp ngày cuối tuần. Đến gặp nhau không phải là mâm cao cỗ đầy, mà để giữ nề nếp gia phong đoàn kết thương yêu nhau, để tìm về cội nguồn. Đây cũng là một nếp sống văn hóa. Đến nhà bố mẹ chồng, trẻ con được chơi bời thỏa thích thăm ông bà, mọi công việc của gia đình đều được bàn bạc công khai. Cô nói vui “được ăn được nói, được gói mang về tội gì mà không đến”. Đối với Hồng Thủy, mọi việc lại không êm đẹp như thế. Thủy kể: “Ngay từ đầu, tụi em thương yêu nhau mà gia đình nhà chồng không đồng ý, cấm cản đủ đường. Cưới nhau rồi em vẫn còn giận nhà chồng lắm. Em nhất quyết bắt chồng em phải sống riêng. Chồng của Thủy cho biết, sẽ thuyết phục vợ sau ngày cưới nên về sống với bố mẹ cho vui. Những ngày đầu thấy khó khăn, nhưng ở lâu sẽ dần hiểu nhau. Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng trẻ chọn cuộc sống riêng tư, độc lập không phụ thuộc vào bên vợ hoặc bên chồng. Trước hết, các gia đình vợ chồng trẻ ngày nay không phụ thuộc vào kinh tế từ bố mẹ, có thể tự tạo dựng một cuộc sống độc lập. Hơn nữa, nhu cầu về vật chất cũng khác biệt với thế hệ trước. Ngoài ra, các cô gái trẻ chưa chuẩn bị kỹ càng về tề gia nội trợ, tâm lý lo ngại không hòa hợp với đại gia đình nhà chồng vẫn luôn thường trực. Trong thực tế, không ít trường hợp mối bất hòa giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng, đặc biệt là nàng dâu với mẹ chồng là nguyên nhân làm rạn nứt hạnh phúc của lứa đôi. Không phải ở gia đình nào mối quan hệ với cô dâu mới cũng khó khăn và phức tạp. Có nhiều gia đình tam đại đồng đường vẫn sống chung với nhau hòa thuận, người ngoài nhìn vào khó có thể phân biệt đâu là dâu, đâu là con gái. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Long Hương, thị xã Bà Rịa. Trước khi kết hôn, chị Hạnh cũng đã từng lo lắng băn khoăn khi phải về làm dâu một gia đình đông con. Thời gian đầu mới về làm dâu, chị cũng gặp không ít khó khăn để có thể hòa nhập với gia đình nhà chồng. Chị luôn tâm niệm là sống chân thành yêu thương và giữ gìn gia phong, không phân biệt nhà chồng nhà vợ. Gia đình nhà chồng có 7 người con, chồng chị là con út, nhưng chị vẫn tự nguyện nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già. Vốn là người chu đáo, chị Hạnh không chỉ biết chăm sóc cha mẹ chồng từng bữa ăn giấc ngủ, mà còn hiểu và cảm thông với tính khí thất thường của người già. Thương cô con dâu hiếu thảo, bà mẹ chồng không đòi hỏi “yêu sách” gì. Bà thương chị Hạnh như con đẻ. Có miếng ngon, vật lạ bà cũng để dành cho nàng dâu út. 14 năm làm dâu, chị Hạnh luôn giữ đạo hiếu dâu con thảo hiền son sắt, chưa bao giờ xảy ra điều tiếng gì. Mẹ chồng rất tự hào về chị với xóm giềng. Mối “hiềm khích” muôn thuở giữa nàng dâu và mẹ chồng không tồn tại trong gia đình chị. Khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu hoàn toàn bị xóa bỏ. Ở gia đình chị, lúc nào cũng chỉ có tình thương yêu đùm bọc và lòng nhân ái đong đầy.

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/doisong/20949.vho