Sống chung với hiểm họa chết người

Hôm qua, Sở Công thương TP.HCM phối hợp Công ty điện lực và Thanh tra xây dựng địa phương kiểm tra, xử phạt một số trường hợp xây nhà vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại khu vực trung tâm TP.

Nguy hiểm khôn lường Nằm ngay trung tâm Q.1, ít ai ngờ khách sạn hoành tráng tại số 29A Thái Văn Lung lại là một trong những địa điểm vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn điện, bởi tường nhà nằm cách trạm biến áp chỉ 0,3m, trong khi khoảng cách tối thiểu theo yêu cầu là 1m. Theo Điện lực Sài Gòn, đây là trạm biến áp điện thế 15.000V, lực lượng kiểm tra đã yêu cầu chủ nhà tháo dỡ phần nhà hiện hữu đang vi phạm trước tháng 12.2009, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Một trường hợp khác tại Q.3, căn nhà số 134 Cao Thắng cũng nằm sát trạm biến áp cao thế. Theo quan sát, nhiều dây điện cao áp gần như chạm hẳn vào tường nhà, trong khi cửa sổ nhà mở ra sát ngay thùng biến áp, hết sức nguy hiểm. Trong đợt ra quân lần này, đoàn kiểm tra còn xử phạt nhằm giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đã kéo dài trong nhiều năm qua tại 110 DE Đinh Tiên Hoàng, 362 Điện Biên Phủ, 243 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), 291 Tôn Thất Thuyết (Q.4), 112/6 Nguyễn Tuân (Q.Gò Vấp)... Ông Phan Thanh Tuấn - đại diện Sở Công thương - cho biết đây chỉ là đợt ra quân xử phạt thí điểm, sau đó sẽ tổng hợp và đề xuất xử phạt trên diện rộng đối với gần 6.000 trường hợp vi phạm còn lại. Khoảng cách an toàn giữa dây điện cao áp với công trình nhà cửa xung quanh: tối thiểu từ 1 - 2m đối với mức điện áp đến 22 kV, từ 1,5 - 3m đối với điện áp 35 kV, 4m với điện áp từ 66 - 110 kV và 6m với điện áp 220 kV. Không được tới gần đường dây, trạm điện 15 kV trong phạm vi 2m và đường dây, trạm điện 110 kV trong phạm vi 4m. Theo thống kê của Xí nghiệp điện cao áp, các lỗi vi phạm an toàn điện chủ yếu là xây dựng các công trình gần cột điện cao thế, hoặc cơi nới thêm lầu sát với dây điện trên nóc. Ông Hồng Tuấn Khanh - đại diện Phòng Kỹ thuật an toàn Công ty điện lực TP - cho rằng, phần nhiều người dân không ý thức được việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn điện là hết sức nguy hiểm, bởi đây là điện cao áp với điện thế từ hàng chục đến hàng trăm ngàn volt. "Phải nhớ rằng điện chỉ 50V cũng đủ giật chết người, trong khi đây là dòng điện cao áp 15.000 - 220.000V, nếu phóng điện thì không thể tưởng tượng nổi hậu quả!" - ông Khanh nhấn mạnh. Quả thật, ghi nhận của Thanh Niên cho thấy tình trạng người dân sống chung với "tử thần" khá phổ biến. Chẳng hạn, nhà số 93 CT đường Tam Đảo (Q.10) thậm chí còn xây ôm một phần chân trụ điện cao áp vào bên trong nhà, tường nhà xây chồng lên phần chân trụ điện. Tại hẻm 302 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), trụ điện của lưới điện cao thế 110 kV bị hàng loạt căn nhà xây bao quanh. Dưới chân cột điện được tận dụng làm bãi giữ xe, người qua lại liên tục... Khó xử lý vi phạm? Theo Công ty điện lực, hầu hết các vụ vi phạm an toàn lưới điện đã xuất hiện từ lâu và tồn tại dằng dai nhiều năm qua do xử lý chưa dứt điểm. Một trong những nguyên nhân kéo dài, theo ngành điện, là do đơn vị quản lý lưới điện phát hiện vi phạm nhưng lại không đủ thẩm quyền xử phạt hay cưỡng chế tháo dỡ mà chỉ có thể lập biên bản gửi chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, không ít trường hợp khi ngành điện phát hiện vi phạm thì chủ nhà mới cất lầu 1, sau đó báo UBND phường đi kiểm tra thì đã xây đến lầu 2. Đến lúc phường báo lên quận, quận có văn bản yêu cầu ngưng xây dựng thì nhà đã xây hoàn chỉnh! Bên cạnh đó, việc xử lý phá bỏ phần vi phạm đối với nhà kiên cố phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, trong khi phần lớn người dân không tự giác chấp hành. Còn với những trường hợp nhà tạm thì việc khắc phục cũng không dễ dàng do đa số là của hộ nghèo, không có chi phí thực hiện. Một nguyên nhân khác là nhiều dự án sửa chữa, nâng cấp đường sá của ngành giao thông đã không có đánh giá tác động của dự án đến điều kiện sống của người dân, đặc biệt là người dân có nhà nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Do đó, khi dự án hoàn tất, người dân tiến hành nâng cao nhà cho phù hợp với cao độ mặt đường mới thì lại vi phạm an toàn lưới điện. Ngành điện kiến nghị trước khi xây dựng nhà ở, công trình có thể ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện, chủ đầu tư cần thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện (theo quy định của Luật Điện lực). Theo ông Trần Khiêm Tuấn, Phó giám đốc Công ty điện lực, quan trọng nhất vẫn là người dân phải ý thức được để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình và người thân. Về mặt kỹ thuật, ngành điện tiến hành thay dây dẫn điện trần bằng dây bọc nhựa có cách điện để tăng an toàn, trồng thêm cột điện để dây bớt võng xuống nhà dân, thực hiện nối tiếp đất cho mái nhà bằng kim loại... Phương Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200943/20091021010259.aspx