Sống chung với mặn

Ta hô hào chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hơn 10 năm qua nhưng chưa có chuyển biến đáng kể. Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lúng túng trong việc “trồng cây gì, nuôi con gì”, đời sống bị ảnh hưởng do thu nhập từ cây lúa, con cá... đều giảm.

Nước biển dâng sẽ biến khoảng 50% diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL bị ngập mặn trong vòng mươi thập kỷ tới. Trước tình hình đó, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp do môi trường thiên nhiên và thị trường thế giới thúc ép là bắt buộc. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Tình hình mặn xâm nhập mấy năm qua, nhất là năm 2016, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân ĐBSCL. Cùng với biến động của thị trường thế giới, mặt hàng lúa gạo cấp thấp là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam lâu nay bị sụt giảm đáng kể, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo dự báo của các cơ quan quản lý khí tượng thế giới, hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng có thể diễn ra nhanh hơn tính toán của các nhà khoa học. Việt Nam là nước ảnh hưởng gần như nặng nhất trong năm nước bị ảnh hưởng. ĐBSCL có thể thấy rõ việc biến đổi khí hậu - nước biển dâng qua mùa khô năm 2016 và việc giảm thiểu lượng phù sa do các con đập thủy điện thượng nguồn qua mùa mưa - lũ trong năm 2016 cũng rất rõ.

Nước biển dâng sẽ biến khoảng 50% diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL bị ngập mặn trong vòng mươi thập kỷ tới. Quá trình này đã bắt đầu từ hơn một thập kỷ qua. Trước tình hình đó, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp do môi trường thiên nhiên và thị trường thế giới thúc ép là bắt buộc. Nhưng chuyển dịch cái gì trước và phải bắt đầu như thế nào?

“Dĩ bất biến...”

ĐBSCL là vựa lúa cả nước, nguồn chủ yếu để Việt Nam xuất khẩu gạo giá rẻ cho người nghèo trong hơn một phần tư thế kỷ qua với vị trí số 2, số 3 thế giới. Nhiều người còn cho đó là nguồn “an ninh lương thực thế giới”. Từ đó, quan điểm chuyển dịch sản xuất là làm cho thu nhập người nông dân tăng lên, rút ngắn chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, nhưng phải “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”. Đó là yêu cầu “bất biến”!

Diện tích trồng lúa ở ĐBSCL là 1,546 triệu héc ta, chiếm khoảng 50% cả nước và sản lượng niên vụ 2015-2016 đạt 25,2 triệu tấn bằng 56% cả nước, nhưng chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, riêng các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An có diện tích và sản lượng lúa trên 60% toàn vùng ĐBSCL. Đây là vùng chủ yếu để giữ và có khả năng giữ cái “bất biến” trước biến đổi khí hậu - nước biển dâng như dự báo.

“Ứng vạn biến”

Thế kỷ 21, lần thứ hai ĐBSCL sẽ vượt qua thử thách thiên niên kỷ - biến đổi khí hậu, nước biển dâng - để tồn tại và phát triển theo phương châm “sống chung với mặn”.

Tháng 6-2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương chuyển 200.000 héc ta trồng lúa sang trồng bắp và đậu nành thay nhập khẩu nhưng không có chính sách, giải pháp cụ thể, chỉ dừng lại mức hô hào nên chỉ chuyển được đâu chừng 35.000 héc ta. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống ngày càng sụt giảm, thị trường mới chưa có. Năm 2012, xuất khẩu đạt cao nhất là 7,72 triệu tấn, năm 2013 còn 6,61 triệu tấn, đến 2016 chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn. Cung vượt cầu 2 triệu tấn ở đây là lý do cái nghèo của nông dân ta đó!

Người dân ĐBSCL từng quen “ứng vạn biến” từ khi đến khai hoang lập làng trên vùng đất vốn hoang vu ngập lụt này. Nhờ tinh thần đó mà suốt 10 năm kinh tế bao cấp, người dân không thiếu đói trầm trọng như nhiều nơi khác. Nay cũng phải tự “tìm đường cứu lúa, cứu người”. Nhớ khi thực hiện “Chương trình Đồng Tháp Mười” - 1987 và “Tứ giác Long Xuyên” - 1988, nhiều người nghĩ rằng động vào đất nhiễm phèn nặng như ở vùng này là “chọc vào tổ ong vò vẽ”, nhưng nhờ đó mà ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang tăng sản lượng lúa lên ba, bốn lần, đạt trên 12 triệu tấn. An Giang, Đồng Tháp gần đây từng hăng hái làm đê bao sản xuất ba vụ/năm hoặc ba năm tám vụ. Cách làm đó có dư luận khen, chê khác nhau, nhưng cái lợi làm tăng sản lượng thì đã hưởng rồi, còn cái “hại” - theo các nhà khoa học thì sẽ làm tăng khả năng ngăn - thoát lũ và làm tăng mức xâm nhập của mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu (?).

Người nông dân chưa thấy rõ điều đó, nhưng vì lợi ích và kinh nghiệm sống, họ đã âm thầm chuyển dịch sản xuất ngay trên các cánh đồng từng được cho là “rún phèn” của tứ giác Long Xuyên - An Giang bằng những mô hình chuyên canh, xen canh trên những ô có đê bao khép kín, cho ra những sản phẩm mới, xanh, sạch mà thị trường nội địa và xuất khẩu đang cần. Chỉ riêng hai xã Lương An Trà và Vĩnh Phước huyện Tri Tôn với gần 10.000 héc ta, giáp với tỉnh Kiên Giang, đang có lác đác mô hình phục hồi sản xuất lúa mùa nổi trong vùng đê bao, giữ mực nước vừa phải, điều khiển cây lúa sinh trưởng như trong môi trường nguyên thủy của nó khi xưa, gạo chất lượng bán theo yêu cầu đặt hàng, rạ làm “nền” trồng hoa màu, giảm chi phí bón phân và không cần tưới như cánh đồng màu Châu Phú những năm 1980 về trước.

Một số doanh nghiệp lợi dụng đê bao khép kín lập trang trại lớn nuôi bò, nuôi heo công nghiệp hiện đại; nuôi cá bán tự nhiên cho ăn thức ăn như ngoài tự nhiên; trồng cây ăn quả có ký hợp đồng xuất khẩu như chuối (cấy mô), xoài... Những mô hình này gợi ra ý tưởng sản xuất nhưng vẫn giữ nước ngọt trong các đê bao, chống mặn xâm nhập. Còn sản phẩm “thời thượng” là rau màu, củ, quả xanh, sạch hiện đang hút hàng, cả nội địa lẫn xuất khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả cả nước từ năm 2010 tăng đều đặn 30% năm, đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ năm 2016, tăng 31,2% so với năm 2015.

Nói xa hơn, tập đoàn Lộc Trời An Giang mấy năm qua có chương trình hợp tác các tỉnh ven biển Tây, đặc biệt là tỉnh Bạc Liêu, trồng lúa thơm luân canh với con tôm sú rất hiệu quả. Theo thống kê kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước (chủ yếu ở ĐBSCL) năm 2007 đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, năm 2016 đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ. Giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm trên dưới 50% của ngành thủy sản trong hơn 10 năm qua. Từ góc hẹp “cận cảnh” tập đoàn Lộc Trời hợp tác với các tỉnh “mặn”, cho phép ta tin tưởng khả năng ứng biến của chính quyền và nông dân các tỉnh ven biển được dự báo sẽ ngập mặn nặng nhất toàn vùng ĐBSCL với mô hình phổ biến là “sống chung với mặn” như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... từng “sống chung với lũ” theo chủ trương của chính phủ trong những năm 1990.

“Biến nguy thành cơ”

Đó là truyền thống của dân tộc ta. Trong kháng chiến đã rõ ràng, trong xây dựng hòa bình cũng biết bao bài học. Gần đây nhất, những năm 1990, ĐBSCL liên tiếp bị thiên tai, ngập lụt. Đọc lại các văn bản lưu trữ thấy rõ những con số nhà ngập, người chết, nhất là trẻ em chết đuối rất đau lòng. Thực hiện Quyết định 99/TTg ngày 9-2-1996 về xây dựng dân cư, thủy lợi, giao thông... cho toàn vùng, từ đó ĐBSCL dần thoát nghèo do hoàn cảnh ngập lụt hàng năm, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Phương châm “sống chung với lũ” ra đời từ đó. Tiếc rằng các công trình giao thông - đường bộ triển khai quá chậm hoặc nửa vời nên việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thực hiện “công nghiệp hóa” mới trầy trật như hôm nay; ĐBSCL vẫn còn là vùng trũng kinh tế - văn hóa - giáo dục nói chung.

Nay, nguy cơ ngập mặn đang dần hiện ra, cơ hội làm giàu nhờ khả năng “ứng vạn biến” rất rõ như một số mô hình chuyển dịch sản xuất gần xa như vừa kể trên (tuy còn hạn hẹp). Thế kỷ 21, lần thứ hai ĐBSCL sẽ vượt qua thử thách thiên niên kỷ - biến đổi khí hậu, nước biển dâng - để tồn tại và phát triển theo phương châm “sống chung với mặn”.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/156698/song-chung-voi-man.html/