Sống khỏe nhưng cũng méo mặt vì nghề làm than củi

Từ lâu, nghề hầm than củi ở Hậu Giang và Sóc Trăng đã, đang mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, khói bụi của các lò hầm than đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cây trồng của chính các làng nghề này…

Các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đã từng tìm các giải pháp vừa để phát triển làng nghề, vừa bảo vệ môi trường… nhưng còn vướng nhiều khó khăn.

Sống khỏe nhờ… than nhưng...

Từ trước năm 1975, người dân tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang đã xây lò hầm than. Dần về sau, nghề hầm than thu hút rất nhiều gia đình tham gia sản xuất và phát triển thành làng nghề.

Chạy dọc theo sông Cái Côn và sông Kinh qua địa phận xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và xã Phú Tân, huyện Châu Thành; 2 xã Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), chúng tôi ghi nhận có trên 1.800 lò hầm than củi đang hoạt động ngày đêm.

Có khoảng 1.800 lò hầm than đang hoạt động tại các làng nghề ở Sóc Trăng và Hậu Giang.

Có khoảng 1.800 lò hầm than đang hoạt động tại các làng nghề ở Sóc Trăng và Hậu Giang.

Bà Nguyễn Thị Tư (chủ một cơ sở sản xuất than ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho biết: “Trước đây kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Nhận thấy thị trường than củi phát triển mạnh, có thể xuất khẩu đi nước ngoài. Vì vậy, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 7 lò than với sức chứa từ 12 – 15 tấn củi/lò.

Sau 1,5 tháng hầm củi, mỗi lò than thành phẩm có lãi từ 10 - 20 triệu đồng (tùy vào giá cả). Nhờ vào đó, mà kinh tế gia đình phát triển hơn. Hiện gia đình tôi tự mua ghe trọng tải lớn để chở than lên TP Hồ Chí Minh giao than cho bạn hàng”.

Ông Nguyễn Văn Triển (ngụ ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách) cho rằng, nghề hầm than củi có lúc “hên”, lúc “xui”. Ông Triển, nhớ lại: “Khi mới lập gia đình, tôi xin làm thuê ở mấy lò than gần nhà. Sau một thời gian dành dụm, tôi mua lại 5 lò hầm than và duy trì hoạt động cho đến nay. Cũng nhờ vào nguồn thu từ 5 lò than này mà tôi đã có tiền cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Đứa lớn đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, 2 đứa còn lại đang học phổ thông”.

Khói, bụi từ lò hầm than củi đã, đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và năng suất cây trồng.

Ông Phan Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: “Từ nhiều năm nay, làng nghề hầm than tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận, với thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000đ/ngày. Đối với những hộ chuyên làm nghề hầm than củi ở xã thì phần lớn đều tạo dựng được kinh tế khá ổn định. Họ xây nhà, mua xe, ghe trọng tải lớn... và có điều kiện đầu tư cho con cái học hành”.

Mặc dù vậy, người dân ở đây thừa nhận, các lò hầm than đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh, cây trồng giảm năng xuất. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể bỏ nghề này được vì tất cả vốn liếng của gia đình đã đổ hết vào lò hầm than và nếu không làm nghề, kinh tế gia đình không biết dựa vào đâu.

Theo ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang), diện tích cây ăn trái toàn xã Phú Tân là 1.546ha (chủ yếu là bưởi và cam sành), trong đó diện tích bị ảnh hưởng bởi khói bụi lò than gần 300ha, chủ yếu ở 3 ấp là Phú Tân, Phú Tân A và Tân Phú. Hiện tượng bụi than bám vào lá, hoa của cây trồng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện, vẫn chưa có được giải pháp dứt điểm về vấn đề trên, chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi sang những giống cây trồng có khả năng chịu đựng tốt, như: chôm chôm, tràm bông vàng, bạch đàn…

Cũng khốn khổ vì than...

Gần đây, làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa được tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành làng nghề truyền thống song hành với đó là giải pháp lắp đặt trên 730 hệ thống xử lý khí thải, công xuất 150m3/ngày/hệ thống. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí. Việc kéo dài thời gian triển khai dự án xử lý khí thải tại làng nghề hầm than đang khiến cho xã Xuân Hòa lo lắng. Vì gần 6 năm qua, xã vẫn chưa hoàn thành được tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, có nhiều sáng kiến, nhằm khắc phục tình trạng khói thải gây ô nhiễm nhưng tính hiệu quả không cao; đồng thời gây ảnh hưởng đến chất lượng than thành phẩm. Khi được hỏi tại sao không đầu tư hệ thống xử lý khói bụi, bà Nguyễn Thị Tư, giải thích: “Nếu lắp đặt hệ thống theo kiểu tự chế cũng phải tốn 10 triệu đồng cho một lò. Trong khi đó, việc lắp đặt không mang lại lợi ích cho lò mà còn làm hỏng than. Nếu muốn một mẻ than ra lò đạt chất lượng tốt thì cần phải canh lửa, quan sát độ chín của củi điều chỉnh lượng khói ra cho phù hợp. Chứ xây kín là hư hết, mà mỗi lò chi phí cả trăm triệu, nên tôi quyết định không lắp”.

Theo Phòng TN&MT huyện Châu Thành (Hậu Giang), hiện trên địa bàn xã Phú Tân 620 lò với 340 hộ sản xuất than, mỗi hộ có từ 2-5 lò than, cá biệt có hộ có đến 10 lò than. Hầu hết các lò than hoạt động không có giấy phép kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích, không có hệ thống xử lý môi trường.

Nghề hầm than củi ở Hậu Giang và Sóc Trăng mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Tấn Trung,Trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng trên, cần phải xây dựng mô hình xử lý khí lò đốt than củi. Mô hình xử lý này hoạt động dựa trên phương pháp hấp thụ. Khí thải từ các lò đốt than sẽ đi qua hệ thống thu gom đến tháp lắng bụi và tháp hấp thụ.

Tại đây, khí thải sẽ được xử lý và khí thải sạch được thải ra môi trường theo đường ống khói. Sau khi hệ thống xử lý hoạt động, khí thải từ lò than đã được thu gom đạt từ 80-90%, mùi khét nồng phát ra từ quá trình đốt than đã không còn nữa. Hiện tại, mô hình đang được thử nghiệm tại một số lò than trên địa bàn tỉnh và chờ kết quả để triển khai, nhân rộng mô hình.

Các hộ sản xuất than mong muốn ngành chức năng thành lập hợp tác xã than, giúp cho các chủ lò than trong việc tìm nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra với giá cả ổn định để làng than phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để tăng thu cho ngân sách địa phương và tránh việc bị thương lái ép giá, hoặc cạnh tranh giá không lành mạnh giữa các chủ lò than.

Sở TN&MT Hậu Giang đã đề xuất dự án “Đầu tư xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại các lò than cụm làng nghề sản xuất tại xã Phú Tân” vào danh mục dự án ưu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu trình Bộ TN&MT xem xét. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Việc xử lý vi phạm tại làng nghề hầm than cũng vướng rất nhiều khó khăn, vì đây được xem là sinh kế duy nhất của người dân địa phương. Vì vậy, cần có giải pháp hài hòa, vừa giúp giải quyết được tình trạng ô nhiễm khí thải vừa giữ được làng nghề truyền thống, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Văn Đức - Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cap-bach-khac-phuc-o-nhiem-khi-thai-cac-lang-nghe-ham-than-414775/