Sông nước ngoài có quyền pháp nhân: Việt Nam mơ gì?

Khi được trao quyền pháp nhân dòng sông sẽ được bảo vệ một cách tuyệt đối, có đầy đủ mọi quyền lợi như một con người.

Dòng sông như mạch máu nuôi dưỡng con người

Ngày 15/3, BBC đưa tin, Quốc hội New Zealand đã thông qua dự thảo luật công nhận con sông Whanganui, đảo Bắc New Zealand, như một thực thể sống. Đây là tài nguyên thiên nhiên đầu tiên trên thế giới được trao tư cách pháp nhân như con người.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/3, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết: "Đây là một thông tin tuyệt vời, lần đầu tiên một dòng sông có tư cách "pháp nhân".

Tôi vẫn nói rằng, hãy xem các dòng sông như mạch máu, nước như máu - nuôi dưỡng cả quốc gia, dân tộc. Sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc chính là nhờ các "con sông", ở đây sông còn được xem là con người.

Với đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của nó con sông có cuộc sống riêng, có quyền được sống được bảo vệ, nhưng chính như vậy, những dòng sông linh thiêng, trinh nguyên và trong lành sẽ bảo vệ con người, bảo vệ đất nước muôn đời".

Dòng sông được bộ tộc Maori nước New Zealand tôn kính

Bên cạnh đó, theo ông Tứ, chúng ta liệu có còn nhớ lời bài hát của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, ví con sông giống như con người: "cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen" - để "Bao năm xe quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy, hôm nay tôi trở về - lòng chọt vui thấy sông không già"- mà giờ đây ở New Zealand họ đã biến điều này thành hiện thực.

Như vậy chính nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã thấy được dòng sông là con người, con người của muôn triệu con người, của nỗi niềm khát khao được thấy dòng sông trong lành, mà ở Việt Nam phải mơ mới thấy!.

"Nói về các con sông của chúng ta, còn nhiều điều trăn trở, bức xúc lắm, tôi nhớ mình đã từng có bài viết "Những dòng sông vỡ vụn". Hiện chúng ta còn xem sông là những đối tượng để chinh phục, khuất phục mà không nghĩ rằng không có các dòng sông thì "loài người kia sẽ sống với ai đây".

Ngay giữa thủ đô của chúng ta đây, dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa - giải Nhị Hà uốn lượn ôm lấy Hà Nội Nhà văn lớn Việt Nam - Nhạc sỹ lớn Nguyễn Đình Thi cũng để lại sau dòng sông linh thiêng - con người "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây- Đây lắng hồn núi sông ngàn năm" rồi .."Hồng Hà tràn đầy- Hồng Hà cuốn- ngàn nguồn sống tràn đầy dâng"..

Thế mà họ còn định đem đập chặn dòng máu sông Hồng chảy qua tim Việt Nam- vậy còn "ai" còn dòng sông nào để đủ tư cách mà xét "tư cách pháp nhân", ông Tứ trăn trở.

Những con sông Việt đang bị vỡ vụn

Là người làm quy hoạch thủy lợi thủy điện các dòng sông ngoài Bắc, Tây Nguyên và sau này là sông Mekong, vị chuyên gia này đã chỉ rõ, hiện nay, chúng ta có khá nhiều sông ngòi, hơn 3000 con sông, nhưng chúng bị tàn phá ghê quá…Họ coi dòng sông như một chỗ để trục lợi. Từ sông Mekong, sông Đồng Nai, sông Hương, sông Tru, sông Mã, sông Cả...tất cả đều chịu gánh nặng của sự phát triển.

''Họ cho đó là sự phát triển, chinh phục, mà khi một dòng sông bị chia cắt và bị chặn để xây đập với tổng chiều dài dòng chảy biến thành các dạng nước chảy lững lờ từ 30% trở lên thì con sông đó được gọi là vỡ vụn, môi trường, sinh thái sông bị tác động mạnh'' - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đoạn sông Mekong chảy qua địa phận Việt Nam

Với vị chuyên gia, bản thân ông đã có những lần đi khảo sát dọc sông Hồng thì thấy sông Hồng đã rất khác so với ngày xưa. Đã có quá nhiều hồ chứa nước ở thượng lưu sông Hồng, thêm sự tác động của đô thị hóa khu ven sông. Thậm chí còn có 5 dòng chết đang vây quanh Hà Nội: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Sét.

"Câu chuyện trao cho dòng sông tính pháp nhân nó vượt qua những suy nghĩ bình thường của chúng ta. Câu chuyện này sẽ khơi mào cho nhiều vấn đề khác, đi suốt rất nhiều vấn đề.

Tôi rất tâm đắc việc Nhật Bản phát triển thủy điện nhỏ, họ coi dòng sông thơ mộng hơn với các công trình đó", ông Tứ nói thêm.

Đối với dòng sông Mekong, theo ông Tứ, bản thân dòng sông là dòng sông quốc tế, mà pháp nhân thì chỉ là luật pháp của một quốc gia. Vì vậy, dù có muốn, việc công nhận đoạn sông Mekong chảy qua chúng ta có tư cách pháp nhân cũng không đơn giản.

Tuy nhiên, Công ước quốc tế năm 1997 quy định các nước phải coi dòng sông là hài hòa với phát triển, nhưng chúng ta lại là hạ lưu, nên cũng khó. Tuy nhiên, thực tế không được như mong đợi.

"Phải coi con sông là thứ duy trì vĩnh viễn cuộc sống con người, không chỉ sinh ra tạm thời rồi chết đi. Nó sống với nhiều thế hệ này, thế hệ khác. Thế hệ nào cũng muốn chiếm đoạt thì thế hệ sau sẽ chết", ông Tứ khẳng định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/song-nuoc-ngoai-co-quyen-phap-nhan-viet-nam-mo-gi-3331203/