Sống ở miền đá xám

Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích hơn 2.356,8 km².

Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau, như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô… Cuộc sống của những người dân sống trong miền đá sau hơn 1 thập kỷ được công nhận là di sản đã nhiều đổi khác…

Làm du lịch từ những bờ rào đá

Cung đường từ TP Hà Giang theo Quốc lộ 4C lên cao nguyên đá, bỏ qua những khúc cua tay áo nổi danh, xứ đá ập vào mắt du khách với những điệp trùng. Không khó để nhận thấy, vây xung quanh mỗi nhà là một bờ rào đá. Những viên đá mồ côi, đá hộc, đủ hình thù, kích cỡ… được gom nhặt, xếp khéo léo thành những tường rào bằng đá cao quá đầu người, viên nọ chồng viên kia không cần thứ gì neo giữ hay chất kết dính…

Chủ tịch xã Khau Vai Mùa Mí Mua giải thích: bờ rào đá của người Mông cũng như bờ tường rào của người xuôi có tác dụng bảo vệ ngôi nhà, ngăn cách chuồng trại, bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên, điều đặc biệt, những viên đá xếp thành rào là những viên đá mồ côi nằm sót trong nương. Mỗi lần cày đất, lưỡi cày vấp phải một cục đá trồi lên, người Mông gom lại để lần sau không vấp phải nữa, rồi xếp khéo léo thành tường rào.

Dọc những con đường nối bản nọ sang bản kia, từ Thài Phìn Tủng cắt Sà Phìn để đi tắt sang Nhà Vương, từ Sủng Là sang Lao Xa, sang Tà Tủng Chứ, Chính Chúa Lủng, Dính Nhủng…, dừng chân bên Lũng Cẩm xem nhà Pao, hay chạy một mạch Đồng Văn sang Mèo Vạc, những bản làng Sán Si Lủng, Há Dán Cô, Cán Chu Phìn…, những ngôi nhà người Mông, Nùng… cũng vẫn dè dặt sau những bờ rào đá, không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo. Mà, dù có muốn cũng không thể phân biệt được giàu nghèo, bởi bờ rào đá nào cũng giống nhau, sắc đá vùng cao nguyên, viên nào cũng cùng một gam màu xám.

Như ở Cán Chu Phìn, xã giáp ranh với Khau Vai (huyện Mèo Vạc), hàng trăm bức tường rào đá hộc đẹp đẽ, nguyên sơ… đang có chủ trương làm du lịch: khách tới thăm những bản làng, ngắm những tường rào đá thô ráp, già nua, cũ kỹ, sẽ thấy được cả sự kỳ công, nhẫn nại của bao thế hệ.

Trong hồ sơ xét duyệt Công viên địa chất toàn cầu, chắc hẳn, Hà Giang sẽ không thể "bỏ quên" một danh thắng nhân tạo, do những người dân bản địa làm nên, đó là những bờ rào đá hộc. Người Mông có câu "Tsi muaj lub roob siab dua koj lub hauv caug - không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối". Điều này thật sự thấm thía khi đứng ở giữa vùng đất mà "cúi mặt sát núi, ngẩng mặt đụng trời"…

Cán Chu Phìn là 1 trong 6 xã của huyện Mèo Vạc không có nguồn nước, là một trong số xã nghèo nhất của huyện Mèo Vạc. Thiếu nước, dù có nghĩ ra nhiều mô hình kinh tế xóa nghèo cũng không thể làm nổi. Phó Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn Lầu Mí Và cho biết, xã có 12 thôn, 1.257 hộ dân, với khoảng 7.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70%. Muốn giúp bà con bớt nghèo, nhiều cán bộ, kỹ sư trên tỉnh, Trung ương đã mang giống cây trồng cho bà con Cán Chu Phìn trồng, từ cây ngô lai đến cải dầu, ngô nếp… qua mấy vụ rồi đều không thành công. Ngô lai trồng được nhưng hay bị sâu mọt, không thể bảo quản được lâu.

Đến khi các hộ nghĩ ra được bí quyết của người miền xuôi là không treo cả bắp ở trên xà nhà hay góc bếp mà phải lấy hạt ra, phơi khô rồi buộc kín trong bao tải ni lông thì cũng là lúc nhiều thôn nhận ra rằng, cây ngô lai không hợp với khí hậu khắc nghiệt, ít mưa và đói đất ăn, cho bắp nhỏ và ít hạt. Vậy là, cây ngô truyền thống của người Mông ở lại với bà con.

Mấy năm nay, Cán Chu Phìn chủ trương làm du lịch dựa trên văn hóa truyền thống của người Mông, đặc biệt là khai thác nét độc đáo của những bức tường rào đá… Kết hợp với các chính sách, chuyển đổi kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt…, cái đói, cái nghèo đã dần bị đẩy xa.

Trưởng thôn Há Ía Hờ Pà Lúa cho biết, Nhà nước hỗ trợ bà con làm bể chứa nước để phòng những ngày hạn hán; hỗ trợ mua trâu bò, lợn gà tăng gia sản xuất; hỗ trợ làm nhà ở, đời sống của bà con cũng dần khá hơn. Bởi thế, dù thôn có 131 hộ dân và có tới 84 hộ nghèo nhưng bà con vẫn chủ động bỏ công, hiến đất để làm đường vào thôn.

"Nhà nước đã lo nghĩ cho dân có con đường lớn rồi, đã hỗ trợ hộ nghèo có bảo hiểm y tế, cây con giống… thì dân cũng phải chủ động nghĩ ra giúp Nhà nước và giúp chính mình. Thu hút khách du lịch, thôn đã làm bờ rào đá, xây dựng hệ thống hầm rượu, xây dựng các bể chứa nước và chỉnh trang khuôn viên và hình thành các homestay tại thôn để đón khách du lịch. Mấy năm tới, cán bộ bảo rằng sẽ xây dựng tuyến đường phục vụ giải chạy marathon vùng cao nguyên đá trong đó có đoạn qua làng. Vậy thì người làng sẽ cùng với cán bộ xây dựng, chỉnh trang nhà cửa để phát triển du lịch. Khi kinh tế phát triển hơn, khách du lịch miền xuôi về nhiều sẽ giúp cái đầu của bà con ở bản Mông dần sáng ra, từ đó những hủ tục, lạc hậu ở Cán Chu Phìn cũng dần là câu chuyện của quá khứ", Trưởng thôn Hờ Pà Lúa say mê, rồi nhìn về phía ngọn núi cao nhất Cán Chu Phìn, tưởng như, con đường để chạy giải marathon mấy năm nữa vừa được xây dựng, đang ngoằn ngoèo chạy xa tít tầm mắt…

Vươn lên từ đá

Lương Văn Hùng, cán bộ xã Khau Vai là một trong những tấm gương mạnh dạn làm kinh tế, tự mình xóa nghèo để từ đó giúp bà con trong bản cùng làm theo.

11 tuổi, Hùng rời khỏi làng để xuống phố huyện vào học lớp 1. Dưới miền xuôi tuổi đó đi học là quá muộn, nhưng ở làng Nùng quê anh đó lại là chuyện mà ít đứa trẻ nghĩ được. Sau khi học hết lớp 9, anh quyết tâm học hết trung học, rồi đại học. Năm 2013, tốt nghiệp đại học, Hùng xin về UBND xã Khau Vai làm cán bộ văn hóa.

Ở Khau Vai, đá nhiều hơn đất, đất nằm trên đá chỉ một lớp mỏng mà nắng cứ ròng rã nóng bỏng ngày qua ngày khiến nhiều giống cây trồng chẳng thể thích nghi. Chỉ có cây ngô và cây sa mộc mọc được nhiều. Bởi thế, ngoài trồng trọt, chăn nuôi thì phát triển du lịch dựa trên câu chuyện tình tuyệt đẹp gắn với miếu ông và miếu bà được Hùng và lãnh đạo xã nhiều lần nghĩ và bàn tới. Nhưng chuyện hào hứng làm du lịch chỉ là câu chuyện của người trẻ, còn người già thì không thích khách lạ đến làng. Ngay cả mẹ Hùng cũng phản đối, vì người Nùng ở Khau Vai không muốn khách lạ đến nhà rồi ngủ lại. Phong tục ở đây, con dâu, con rể về nhà bố mẹ cũng phải ngủ riêng, không được ngủ chung. Đến nhà người Nùng, nếu nhìn thấy ban thờ tổ tiên ở chính giữa nhà, thì cũng có nghĩa là khách lạ không được ở lại, ngủ chung với nhau…

Nhưng Hùng không thể nghe theo sự phản đối của mẹ. Anh mạnh dạn thuê căn nhà sàn trước là trụ sở ủy ban xã, sau khi chuyển sang địa điểm mới thì bỏ không để làm homestay đón khách du lịch. Rồi tự mày mò, Hùng học cách làm du lịch qua mạng xã hội, trên google; bỏ thời gian và kinh phí đi xa cả nghìn cây số để học cách làm du lịch ở nhiều địa phương khác.

Từ ngày có homestay của Hùng, làng Khau Vai đón nhiều khách đến ghé thăm và ngủ lại qua đêm, có cả khách nước ngoài. Nhiều nhà trong làng cũng sửa sang lại nhà để làm homestay cho khách ngủ qua đêm. Đến nay, mỗi năm xã Khau Vai đón khoảng 14.000 du khách, đông nhất là dịp diễn ra lễ hội Chợ tình Khau Vai; hằng tuần xã cũng đón từ 1 đến 2 đoàn du khách đến tham quan. Phát triển du lịch nông thôn cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà chính quyền xã Khâu Vai hướng tới trong giai đoạn tiếp theo.

Bản Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) có những ngôi nhà trình tường cổ của người Mông tuyệt đẹp. Trong đó ngôi nhà của ông Vàng Chứ Chơ là ngôi nhà cổ đẹp nhất nhì ở Lao Xa, khách tây đến nườm nượp dịp cuối tuần. Tuy nhiên, cái bất tiện là chuồng bò lại nằm chình ình trước nhà vừa mất mỹ quan, vừa không đảm bảo vệ sinh. Khi cán bộ xã vận động ông Chơ phá bỏ chuồng bò trước nhà để làm du lịch, ông cũng đắn đo nhiều đêm. 200 triệu để xây dựng cái chuồng bò kiên cố nhất bản Lao Xa, mới nuôi được mấy lứa bò, phá bỏ tiếc lắm. Nhưng, sau gần một năm hoạt động, số tiền thu được lớn hơn nhiều so với trồng ngô, hay nuôi bò... Ông phá bỏ chuồng bò.

Ông bảo, ở vùng Sủng Là này, cao nguyên khắc nghiệt như thử thách con người nên nhà nào cũng khổ. Khi du lịch chưa về các làng ở Sủng Là, những mảnh ruộng trồng ngô có năng suất đến mấy mỗi năm cũng chỉ thu được khoảng 3-4 triệu đồng. Những năm gần đây, khi khách du lịch về Sủng Là ngày càng nhiều bởi có những địa danh du lịch nổi tiếng như nhà Pao, nhà Vương…, Sủng Là quy hoạch vùng trồng cây hoa tam giác mạch. Những vạt nương hoa tam giác mạch mỏng manh, cánh hoa nhỏ li ti và phớt hồng đẹp mê đắm làm say lòng du khách. Khách phương xa bị những vườn tam giác mạch giữ chân, ở lại bản lâu hơn, nhiều ngày hơn. Hết hoa, tam giác mạch vào quả, sẽ lại khai thác để làm bánh, nấu rượu, làm các sản phẩm từ quả tam giác mạch… bên cạnh những cây trồng chủ lực quen thuộc của xứ đá. Nhiều nương tam giác mạch cho thu về mỗi vụ cả trăm triệu đồng. Nhiều ngôi làng như Lũng Cẩm, Lao Xa… trở thành điểm du lịch hấp dẫn của cả nước.

Vùng cao nguyên đá bạt ngàn của Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây không còn xa xôi và nghèo khó. Những khát vọng làm giàu, vươn lên từ đá khiến xứ đá bớt lạnh, u buồn…

Di Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/song-o-mien-da-xam-i699738/