Sông Sài Gòn đang bị… dốc ngược

(VietNamNet) - Một đoạn sông dài 30km đang bị bồi lắng với độ dốc nguợc khoảng 5m. Đây có thể là nguyên nhân góp phần gây ngập nặng ở TP.HCM.

- Một đoạn sông dài 30km đang bị bồi lắng với độ dốc ngược khoảng 5m. Đây có thể là nguyên nhân góp phần gây ngập nặng ở TP.HCM. Vì sao đỉnh triều tại TP.HCM lại luôn tăng cao trong khi đỉnh triều ở biển Vũng Tàu trong các năm qua không có nhiều biến động? Theo bà Nguyễn Lê Hạnh, Phó phòng dự báo Đài Khí tuợng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, triều tăng cao ở TP.HCM có thể là do ảnh hưởng bởi tình trạng đô thị hóa. Nước sông “bò” ra biển Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia chống ngập của TP.HCM, cho biết, theo số liệu thống kê nhiều năm qua, đỉnh triều ở Vũng Tàu chỉ tăng 0,3 cm/năm. Thế nhưng đỉnh triều ở trạm Phú An - sông Sài Gòn tăng đến 1,5 cm/năm. Thạc sĩ Hồ Long Phi nhận định, đỉnh triều ở TP.HCM tăng cao có thể là do sông Sài Gòn bị bồi lắng. “Hiện nay, sông Sài Gòn đang xảy ra hiện tượng dốc ngược (đáy sông càng về cửa biển càng cao), ảnh hưởng đến việc thoát nước ở TP.HCM. Phân tích các số liệu cho thấy, đoạn sông dài 30km từ cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) đến ngã ba Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) đang bị bồi lắng với tỉ lệ 1,5/10.000. Ước tính trên đoạn sông này, đáy sông bị bồi lắng với độ dốc khoảng 5m. Do đó, nước từ sông thoát ra biển chậm hơn trước đây, gây ra tình trạng dềnh nước. Điều này góp phần làm cho đỉnh triều ở TP.HCM tăng cao, gây ngập nặng hơn” - Thạc sĩ Hồ Long Phi, giải thích. Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng, tính toán của Thạc sĩ Hồ có cơ sở nhưng đây chỉ mới là nhận định ban đầu vì tình trạng bồi lắng có thể chỉ mới xảy ra ở một số khu vực và mang tính cục bộ. Chuyện lớn “Việc sông Sài Gòn bị bồi lắng là vấn đề lớn vì liên quan đến việc tính toán đỉnh triều cũng như tính toán các giải pháp chống ngập cho TP.HCM. Do đó Trung tâm chống ngập sẽ triển khai thực hiện dự án Khảo sát hiện trạng bồi lắng sông Sài Gòn. Cuối tháng này chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, đo đạc. Việc khảo sát, đo đạc dự kiến kéo dài đến đầu năm 2010. Lúc đó, chúng tôi sẽ có kết quả chính thức về vấn đề này” – ông Công nói. Được biết, để xác định hiện trạng và nguyên nhân bồi lắng ở sông Sài Gòn, Trung tâm chống ngập TP.HCM sẽ bắt đầu khảo sát từ rạch Tra (huyện Hóc Môn) đến ngã ba Đèn Đỏ (sông Sài Gòn) với tổng chiều dài khoảng 40km. Trong quá trình khảo sát hiện tượng bồi lắng trên sông, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát các cửa sông để xác định nguyên nhân sông bồi lắng có phải do đất cát từ các kênh rạch đổ ra hay không. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, nếu xác định sông Sài Gòn bị bồi lắng trên diện rộng sẽ tiến hành nạo vét lòng sông để góp phần giảm ngập cho TP.HCM. Nhật Tân

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/200910/Song-Sai-Gon-dang-bi-doc-nguoc-874532/