Sống thử: Hạnh phúc ít, đau đớn nhiều

(Webphunu.net) - Sống thử là một hiện tượng không còn mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ và ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện nay.

Nên gọi là sống thử hay sống lợi dụng nhau?

Sẽ chẳng có gì là lạ nếu ta đi vào bất cứ một xóm trọ nào đó mà bắt gặp một trai một gái trong phòng, ăn chung, ngủ chung bởi bây giờ tình trạng sống thử là khái niệm khá phổ biến và chẳng có gì là lạ. Sống thử như một phép toán nhất định, phép toán ấy sẽ có kết quả nhưng nó đúng hoặc sai còn tùy thuộc vào người làm và cách làm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sống thử có thể là do cuộc sống xa nhà, không có cha mẹ ở bên, do thiếu thốn tình cảm. Cũng có thể là do bản thân thích ăn chơi, đua đòi, do lối sống buông thả, do gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị cha mẹ chửi mắng hoặc do cha mẹ không quan tâm tới con cái. Cũng có thể là do sự xâm nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Cũng có thể sống thử là do trào lưu của giới trẻ hiện nay, hoặc cũng có thể là do sống thử để tiết kiệm, đẻ có nhiều thời gian bên nhau. Có nhiều bạn trẻ cho rằng xã hội bây giờ việc sống thử là việc bình thường và có quan niệm dễ dãi trong chuyện sống thử... Cũng có thể do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông của các loại phim ảnh, của các băng đĩa mang tính chất đồi trụy. Cũng có thể là do tính chất tò mò của nhiều bạn trẻ muốn thử cho biết.

Sống thử đi kèm với nó là rất nhiều hệ quả đau đớn. Ảnh minh họa

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn): “Tại các nước châu Âu, sống thử mang đúng nghĩa tích cực của nó. Người ta sống thử trước hôn nhân xem có gì cần bù đắp từ cả hai phía thì sẽ bù đắp và cái gì bất khả kháng thì sẽ cùng nhau giải quyết. Hai bên đã yêu nhau, quyết định đến với nhau nên muốn hiểu rõ hơn về nhau xem có thể tự điều tiết lẫn nhau (không phải là điều chỉnh) hay phải nhờ giải pháp khoa học để có hôn nhân lành mạnh.

Còn ở nước mình, các bạn trẻ cũng sống thử nhưng nhìn vào thực tế các bạn sống khá bậy bạ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân cảm tính, mang nhu cầu bản năng của động vật mà không trên tinh thần bù đắp thiếu sót cho nhau.

Hai bạn đến với nhau dựa trên nhu cầu về tiền bạc, nơi ở, tình cảm… và khi đã có mục đích ngay từ ban đầu thì sẽ nhanh chóng dẫn tới nhàm chán. Bởi nhu cầu của cá nhân là vô hạn, sẽ tới một giai đoạn nào đó cái tôi ích kỷ bộc lộ, khi đó một trong hai phía hoặc cả hai đều chỉ muốn nhận mà không muốn cho. Trường hợp của bạn nữ sinh bị người yêu đào mỏ, phải bỏ tiền ăn uống, tiền nhà, thậm chí tiền lô đề, cá độ cho người yêu là một ví dụ”.

Theo nghiên cứu tâm lý học lứa tuổi thì nữ giới nghĩ tới hôn nhân từ 22 tuổi trở đi còn đối với nam là 26 tuổi. Vì vậy các bạn sinh viên 18 đôi mươi sống thử chỉ là thích nhau. Hơn 90% các cặp sống thử đã đổ vỡ, nếu có kết hôn chỉ là gượng ép do gia đình bắt cưới.

Những hệ lụy đau đớn

Có thể nói rằng sau khi sống thử mà các cặp đôi có thể đến với nhau và kết thúc bằng một cuộc sống hạnh phúc thì đó quả là một cái kết có hậu nhất và chắc rằng sẽ không có quá nhiều người phản đối việc sống thử trước hôn nhân làm gì. Đơn giản vì đó là cái kết mà tất cả các cặp đôi sống thử đều mong muốn.

Nhưng trong cuộc sống hiện nay, sống thử vẫn bị xã hội lên án bị chỉ trích? Phải chăng là do lối sống phong tục của người Việt Nam? Phải chăng phản đối là do nhiều người còn quá trẻ chưa có kĩ năng chung sống? Có bao nhiêu bạn sống thử trước hôn nhân mà được kết thúc bằng một cuộc sống hạnh phúc?

Sống thử đó là một quan niệm sai lầm, vì chúng ta nên sống với nhau bằng đam mê tình yêu, vì thực sự muốn sống bên nhau, dù cuối cùng chuyện tình có kết thúc bằng một đám cưới hay không.

Đừng nghĩ dọn về chung hộ khẩu thì bạn cứ nhất nhất cho rằng mình sẽ chỉ yêu và lấy anh thôi. Nếu bỏ nhau, sau này mình biết phải làm sao với anh chàng đến sau. Bạn này, chưa có một ràng buộc gì và cũng chẳng ai cam kết sẽ cưới bạn đâu nhé. Vì thế, vẫn phải chuẩn bị cho tình huống đường ai nấy đi.

Sự thực là bạn đã hy sinh những gì quý báu nhất của mình để đổi lấy hy vọng mong manh rằng bạn sẽ đạt được điều bạn mong muốn. Hậu là đến một lúc bạn sẽ bực tức và thất vọng vì bạn trai vẫn tiếp tục gần gũi mà không đáp lại điều bạn mong muốn là hôn nhân. Và lúc ấy, không có con đường nào thông minh hơn là phải rời bỏ anh ta. Thế là, một cuộc tình đáng lẽ ra sẽ dẫn đến hôn nhân hạnh phúc nhưng chỉ vì nôn nóng chung sống trước hôn nhân mà thành ra dang dở một đời.

Hơn nữa với các bạn nữ giới, thái độ của bạn tác động rất lớn đến chàng đấy. Bạn càng tỏ ra sợ mất người yêu và khăng khăng cái nghìn vàng không còn là mất tất cả, bạn càng hạ thấp giá trị bản thân. Khi đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi chàng tỏ ra xem thường, chán ớn bạn và dứt áo ra đi. Thôi bạn nhé, nếu không sẵn sàng trong việc sống chung, đừng nghĩ đến nó làm gì!

“Sống thử tức là sống tạm bợ, chưa thật, được thì thôi, không phù hợp thì bỏ và lâu dần “nhờn thuốc” sẽ phải sống thử đi thử lại nhiều lần. Sống thử không thành công sẽ dẫn tới vết thương lòng sâu sắc. Thử lần một, lần hai, lần ba con người ta sẽ trở nên chai sạn, không còn trong sáng và mất đi sự lãng mạn của tuổi trẻ, nhiều người còn coi kết hôn là lần thử cuối cùng. Đó là hiện tượng không hay lắm”- Nhà tâm lý Lê Thị Túy khẳng định.

Một hậu quả mà không một người nào sống thử mong muốn đó là có thai ngoài ý muốn. Chịu trách nhiệm ư? Có bao nhiêu người có khả năng chịu trách nhiệm về những hành động của mình khi mà chính bản thân mình còn phải cha mẹ nuôi? Hay chịu trách nhiệm bằng việc cưới vội, cưới gấp? Hay là bằng việc nạo hút thai? Có biết bao nhiêu sinh linh bé bỏng, vô tội lẽ ra các em phải được yêu thương, quan tâm mà chỉ vì lối sống ích kỉ của người lớn các em đã bị mất đi sự sống của mình khi chưa được biết mặt cha mẹ? Đến các bệnh viện không khó để ta có thể băt gặp những bạn nữ còn rất trẻ một thân một mình đến khám thai, có thể nhìn thấy sự lo lắng trên khuôn mặt của các bạn ấy. Tình trạng sống thử ở Việt Nam đặc biệt là sống thử trong sinh viên ngày càng gia tăng và giờ đây đang trở thành vấn đề đáng báo động trong giới trẻ. Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 300000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70%.

Bạn đã suy nghĩ thật kĩ khi quyết định sống thử? Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cứ cho rằng xã hội hiện đại người ta không quan tâm đến truyện trinh tiết đi, vậy thử hỏi có bao nhiêu người con trai chấp nhận yêu một người con gái không còn trinh tiết? Có bao nhiêu tình yêu chỉ vì biết bạn gái của mình không còn trinh tiết mà dẫn đến chia tay? Có người con trai nào dám đảm bảo là khi yêu người con gái và lấy người con gái không còn trinh tiết về làm vợ mà cả một cuộc đời sẽ không xúc phạm đến danh dự của vợ mình? Chắc là có nhưng liệu được bao nhiêu người?

Nhờ sự tiến bộ của y học, việc vá lại “cái ngàn vàng” giờ đây không còn là việc làm khó. Nhưng sao chúng ta không tận dụng quyền lợi tìm hiểu và được tìm hiểu lẫn nhau để làm nền tảng cho tình yêu lâu dài? Nếu có sống thử, tại sao không dùng thời gian quý báu đấy để tìm hiểu nhau, điều tiết và thay đổi nhau cho phù hợp với mình?

Chúng ta hãy nhìn vào thực tế, hàng ngày vẫn có không biết bao nhiêu cô gái viết tâm sự gọi điện đến các chuyên gia tâm lí xin lời khuyên, than khóc thậm chí là còn có những ý định như tự tử vì bị người yêu, chồng mình ruồng bỏ, xúc phạm đấy thôi. Lúc đó, họ như con thuyền chơi vơi giữa bao sóng gió cuộc đời, có thể chìm nghỉm khi chưa nhận ra đâu là bến bờ hạnh phúc. Những lúc như thế này người ta có bao giờ cảm thấy hối hận vì mình đã sống thử?

Hậu quả của sống thử còn làm cho không biết bao nhiêu người phụ nữ không có khả năng làm mẹ sau này chỉ vì trong quá khứ đã từng nạo hút thai. Làm mẹ đó là khao khát của hầu hết tất cả những người phụ nữ khi đã lâp gia đình? Vậy thử hỏi người ta sẽ thế nào nếu biết mình không thể sinh con? Đó là áp lực tâm lí rất lớn đối với bất kì người phụ nữ nào, và đó có lẽ là cái kết đáng buồn nhất của việc sống thử.

Những tổn thương về tâm lí trở thành áp lực, trở thành nỗi lo sợ và bị ám ảnh của bất kì người phụ nữ nào và còn bất hạnh hơn nếu người phụ nữ ấy không nhận được sự san sẻ, động viên của người thân, của cha mẹ mình. Đó là tâm trạng của những người yếu đuối sau khi trải qua sống thử, thế còn những người mạnh mẽ thì sao? Những người mạnh mẽ họ vẫn cố gắng sống tốt, cố gắng hòa nhập với xã hội cộng đồng nhưng ai dám chắc là trong cuộc đời của họ chưa một lần bị những quá khứ ám ảnh?

Sống thử nên hay không? Đây là một câu hỏi rất khó để có câu trả lời và nó phụ thuộc vào cách suy nghĩ cách sống của mỗi người. Nó không có câu trả lời tuyệt đối được vì sống thử là một vấn đề nhạy cảm. Nhưng có một thực tế mà ai cũng phải công nhận là hậu quả của việc sống thử để lại là không thể lường trước được. Và nếu xem qua các diễn đàn, các phương tiện truyền thông như internet, báo, đài thì các ý kiến không đồng tình là chiếm đa số.

Vậy các bạn trẻ trước khi quyết định sống thử hãy suy nghĩ thật kĩ. Tại sao chúng ta không sống thật mà lại phải sống thử? Tại sao chúng ta phải mang cả cuộc đời của mình ra thử, ra nháp? Mong rằng, trước khi chưa muộn màng, các bạn trẻ hãy thật sự tỉnh táo để tự hoàn thiện bản thân, nhằm tránh khỏi sự cám dỗ về một "thiên đường sống thử" mà các bạn vẫn hay mơ hồ ảo tưởng những điều tốt đẹp về nó.

Thủy Anh tổng hợp

Nguồn VTC: http://webphunu.net/tin-tuc/song-thu-hanh-phuc-it-dau-don-nhieu-30581