Sống trong an lạc

Với tôi, hành hương đến thánh địa Lâm Tỳ Ni là chuyến đi được sắp đặt bởi duyên nghiệp, từ đó mở ra những bí ẩn sâu xa trên đất Phật, để hiểu rằng chẳng có sức mạnh nào cứu con người thoát khỏi trầm luân nếu mỗi cá nhân không hướng đến cái đẹp bằng lòng nhân, niềm tin và hoài bão lớn.

Trong ánh sáng trùng phùng, đẹp một cách huyền bí ở thời điểm ngày và đêm giao hoan, tôi lặng lẽ bước theo sự dẫn dắt của cảm xúc tràn đầy an lạc với niềm xác tín về sự hiện diện của mình bên bờ một cuộc sống mới. Ai đó đã viết rằng, đôi khi chỉ cần một cái nhìn, một câu nói, một cuốn sách, một bức tranh, một bài thơ, một bản nhạc dịu êm trong đêm đầy dông bão hay mùi hương gợi nhớ…; tất cả những ấn tượng dường như tình cờ có thể sinh ra năng lượng làm thay đổi những quyết định có liên quan cả cuộc đời. Với tôi, hành hương đến thánh địa Lâm Tỳ Ni là chuyến đi được sắp đặt bởi duyên nghiệp, từ đó mở ra những bí ẩn sâu xa trên đất Phật, để hiểu rằng chẳng có sức mạnh nào cứu con người thoát khỏi trầm luân nếu mỗi cá nhân không hướng đến cái đẹp bằng lòng nhân, niềm tin và hoài bão lớn.

Âm nhạc của thần thức…

Tháng Giêng là dịp Phật tử khắp nơi trên thế giới hành hương về Lâm Tỳ Ni, chiêm bái những thánh tích thiêng liêng ở vùng đất đản sinh của đức Phật. Theo lịch Tây Tạng, cứ khoảng 1.000 ngày lại có 1 lần, Tết của người Tạng trùng với Tết Nguyên Đán Việt Nam. Còn nhớ, hai năm trước, lần đầu tiên đến Lâm Tỳ Ni, đúng vào dịp Tết Tây Tạng, tôi may mắn được dự pháp hội “Cầu nguyện cho hòa bình thế giới” tại Tu viện Tara Foundation, dưới sự chủ trì của Sư trưởng Drupon Sonam Jorphel Rinpoche, một trong những hành giả nổi tiếng của dòng truyền thừa Drikung Kayug.

Rinpoche giảng giải: “Theo quan niệm của người Tây Tạng, tháng Giêng là khoảng thời gian linh thiêng nhất trong năm, mọi nguyện ước sớm thành tựu. Chương trình “Cầu nguyện cho hòa bình thế giới” là hoạt động thường niên, diễn ra trong vòng 10 ngày, được tổ chức liên tục suốt 12 năm qua, thu hút sự tham gia của hàng trăm tu sĩ Mật tông cùng Phật tử đến từ nhiều quốc gia, châu lục; trong đó có Việt Nam.”

Làng Dedrom ngày nay, nơi Guru Rinpoche ẩn tu những năm giữa thế kỷ thứ VIII. Ảnh: Bảo Chân

Quả là phước báu đối với một người có đức tin nhưng sự hiểu biết về đạo Phật còn hạn hẹp như tôi, ngay lần đầu tiếp xúc với Phật giáo Tây Tạng đã được sống trong bầu không khí thiêng liêng. Mở hết giác quan để lưu vào tiềm thức những tiết điệu kỳ ảo của âm thanh, tôi nhận ra đó là chuyến đi tình cờ, rất lạ.

Giờ khai kinh, giọng trầm hùng của vị sư trưởng cất lên, cũng là lúc đội nhạc lễ cử hành giống như dàn giao hưởng chuyển động.Tiếng trống, tiếng tù và xen lẫn tiếng chiêng, xập xèng với chuông tay, não bạt… nhịp nhàng hòa âm, phối khí, đáp lời người chỉ huy, bày tỏ niềm kính tín đối với đấng Chí Tôn.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy tu sĩ Mật tông thay phiên nhau thổi những chiếc tù và bằng đồng dài khoảng 4 mét; chiếc này vừa dứt, chiếc kia trỗi dậy, âm thanh đồng vọng, hun hút trong chiều sâu của sức mạnh toàn năng. Không gian tràn ngập tiếng gió hú, băng tan, thác đổ…; trực giác hiện rõ hình ảnh núi cao, vực sâu…điệp điệp, trùng trùng giữa đại ngàn mênh mông. Cảm xúc trong tôi mách bảo đâu là chỗ ở của đại ẩn sĩ độc cư trong những hang động trên đỉnh núi tuyết. Thế giới Lạt ma thật rõ ràng – nền tảng triết lý Phật giáo Tây Tạng không xem con người là một thực thể sống riêng lẻ mà nằm trong mối quan hệ khăng khít với vũ trụ.

Vâng, quả là tôi như đang sống ở nơi trời và đất gặp nhau, không nói được tiếng Tây Tạng, cũng không hiểu ý nghĩa của vô số biểu tượng trên những bức bích họa trang trí khắp tu viện. OM A HUNG là tiếng người tạo nền âm thanh trong tất cả các bài chú nguyện (mantra). Trước khi đến đây, tôi đã thuộc và hiểu đó là những chủng tự nguyên bản, là âm gốc của mọi ngôn ngữ thiêng liêng. Nhưng, cùng một lúc lời chú nguyện được phát ra từ lồng ngực của hàng trăm tăng sĩ thường xuyên tu luyện ở môi trường khắc nghiệt, nghe như tiếng sấm truyền, thấm đấm vẻ đẹp thần thánh của đất, của trời, của núi tuyết, sông băng…

Tu viện Samye - tu viện Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng. Ảnh: Bảo Chân

Lama Konchok Pasang, tu sĩ trẻ có chất giọng sáng như tơ đồng, giải thích: “Pháp khí là nhạc cụ, thường xuyên được sử dụng trong những buổi cầu nguyện ở tất cả các tu viện. Tiết điệu dĩ nhiên phải thay đổi theo nội dung từng mantra, nhưng với sứ mệnh diễn tả trực tiếp, âm nhạc hòa cùng cảm xúc, dội vào tâm thức; từ chậm đến nhanh, rồi dồn dập, câu thúc ở đoạn cuối cùng của buổi lễ. Khi chung cuộc, âm thanh của bộ gõ thường lấn át bộ khí, tạo cảm giác quay cuồng, hân hoan…, gợi niềm tin, hy vọng trong mỗi người và khơi nguồn sống cho mọi sinh vật.”

Buổi lễ kết thúc, tôi thấy mình lớn lên giữa vũ trụ cuồn cuộn, sâu lắng trong từng hơi thở. Kể từ đấy, đối với tôi, Tây Tạng là vùng đất xa mà gần và luôn luôn xuất hiện trong ngưỡng vọng. Rất vui, bởi vì không lâu sau, cơ may lại xuất hiện - tất cả ấy đã được tôi kiểm chứng vào mùa Thu năm ngoái, khi hành hương đến Tây Tạng, để được sống với thực tế tôn giáo cũng như môi trường tự nhiên đã sản sinh và nuôi dưỡng dòng âm nhạc của thần thức.

… và linh ảnh

Tọa lạc dưới chân núi Haibu Rishen, bên bờ sông Yarlung Zangbo, thuộc tỉnh Shannan, tu viện Samye là tu viện đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng vào khoảng giữa năm 775-779, dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của vua Trisong Detsen và đại sư Liên Hoa Sinh. 13 thế kỷ trôi qua, sau nhiều lần bị tàn phá bởi hỏa hoạn, động đất và chiến tranh, những tòa nhà cổ đã biến mất. Toàn cảnh tu viện ngày nay là những công trình mới được phục dựng, trùng tu lại trong hơn vòng 3 thập niên gần đây, kể từ năm 1980; nhưng Samye vẫn là tu viện chính, giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Tây Tạng cũng như tất cả Phật tử thuần thành.

Sau 8 ngày đêm ở làng cổ Dedrom - nơi đức Liên Hoa Sinh từng hành thiền suốt 7 năm trên ngọn núi cao gần 5.000 mét, mang theo những trải nghiệm tuyệt vời, chúng tôi đến Samye đúng vào ngày đầu tiên của mùa hoa tuyết rơi. Đường đến Samye như đường lên trời, nắng thu hanh hao thả xuống lòng sông chút màu hư ảo. Gió lồng lộng. Mây đuổi theo nhau, kéo bầu trời xuống thật gần. Hoa tuyết tan ngay khi vừa chạm đất. Con đường ngoằn ngoèo uốn lượn theo thế núi trập trùng, đôi khi mất hút bên bờ sông rồi bỗng hiện rõ trước vực sâu. Cảnh tượng kỳ vĩ đến choáng ngợp.

Người Tây Tạng luôn tin Đức Liên Hoa Sinh sống mãi với thời gian. Ảnh: Bảo Chân

Từ trung tâm thủ phủ Lasha về Samye khoảng 150km, di chuyển bằng xe Hightland, nhưng bởi vì phải xin giấy phép từng chặng nên mất hơn 5 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Không phải ngẫu nhiên, gần 1.300 năm trước, vua Trisong Detsen cùng đại sư Liên Hoa Sinh quyết dồn hết tâm lực, tuyên chiến và tuyên pháp trước mọi thế lực đen tối, hung bạo…, để giành cơ hội xây dựng tu viện Samye giống như vũ trụ thu nhỏ (mandala ) rồi hiện thực hóa ước mơ biến nơi đây thành nôi ươm mầm Phật giáo Tây Tạng. Trong con mắt trần thế của tôi, Samye là vùng đất trù phú, dân cư đông đúc, hiện Chính Phủ Khu tự trị Tây Tạng đang thực hiện chương trình xanh hóa ở tất cả những nơi cây trồng có thể bén rễ.

Mỗi đoàn khách chỉ được tham quan bên trong tu viện khoảng 2 giờ đồng hồ. Hôm tôi đến, ban quản lý Samye đang sửa chữa tòa tháp trên chính điện nên phải rút gọn thời gian. Rất đông nam nữ thanh niên tập trung khiêng vác, phụ việc cho thợ xây, thợ mộc... Bên tả, bên hữu, phía trước, phía sau, nơi nào cũng vang vang tiếng hát xen lẫn bước chân với tiếng vỗ tay và tiếng vồ đập đất.

Người dẫn đường của chúng tôi tên là Thrisme, tự hào giới thiệu: “Được góp công sửa chữa tu viện Samye là vinh dự lớn. Người dân trong vùng mang theo lời ca tiếng hát đến đây - vừa làm việc, vừa bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn đối với Tam Bảo. Thay phiên nhau, tốp này hát, tốp kia làm, từ mờ sáng đến chiều tối; bằng cách ấy, thời gian trôi nhanh hơn và không ai cảm thấy mệt mỏi.”

Tác giả ở Tu viện Samye (Tây Tạng)

Cánh cổng chính mở rộng, đối diện với quá khứ huy hoàng của Samye trong yên lặng và chánh niệm, tôi thả lòng bước chân giữa tò mò và kinh ngạc. Nổi tiếng là nơi lưu trữ kinh điển, thanh ka, tượng Phật…và vật dụng của các vị Lạt ma qua nhiều đời, tu viện Samye gần giống như bảo tàng tôn giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng. Giữa vũ trụ của đức tin, mọi thứ đều trở nên thiêng liêng, không khí như đứng yên, không ai nói thành tiếng, không một cử động nhẹ.

Đi theo tiếng chuông ngân và lời cầu nguyện, trước khi dừng chân trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (tự hiện) cao hơn 2 mét, gương mặt đẹp lộng lẫy và thần thái vô cùng an nhiên, tự tại; tôi lặng lẽ nghiêng mình kính ngưỡng đức Liên Hoa Sinh, đại giáo sĩ đầu tiên mang Phật giáo từ Ấn Độ sang Tây Tạng rồi ở lại xứ tuyết hơn nửa thế kỷ để trao truyền giáo pháp.

Lại nhớ, linh ảnh của thánh nhân ở Kathmandu, Lâm Tỳ Ni, Pharping, Dedrom, Drikung Thil và cung điện Potala…, những nơi tôi từng đến trong hành trình “theo dấu Liên Hoa Sinh”. Guru Rinpoche đã thu phục tất cả quanh mình ngay từ cái nhìn đầu tiên - rực rỡ và hùng mạnh, khác thường nhưng rất người. Vâng, đôi mắt ấy khiến tôi tin, linh ảnh không phải là sự bày tỏ thiêng liêng của thực tại cuối cùng mà nhờ đó có thể hiểu rõ nguồn gốc tâm lý sâu xa của những trạng thái cảm xúc đang dâng đầy.

Những ngày ở Tây Tạng, tôi đã nghe tu sĩ cũng như Phật tử của các dòng truyền thừa không gián đoạn gọi đức Liên Hoa Sinh là Guru Rinpoche (thầy của các bậc thầy). Đức Liên Hoa Sanh hiện diện khắp nơi - trên tranh vẽ, tượng đồng, thanhka, cờ cầu nguyện…, trong tu viện, nơi công viên hay ở nhà dân, ai cũng tin ngài vẫn tại thế, không biến đổi theo thời gian. Chừng nào còn luân hồi tồn tại, Guru Rinpoche vẫn tràn đầy lòng từ bi và xuất hiện dưới nhiều hóa thân để đem lại lợi ích cho hữu tình, chúng sinh.

Mùa đông 2016

Bảo Chân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/song-trong-an-lac-635599.bld