Sốt giá cát xây dựng: Chủ trương đúng đang bị trục lợi

Gần một tháng qua, sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tình hình khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương đã dần tạm lắng.

Tuy nhiên, giá cát xây dựng vì đó cũng có sự “leo thang” một cách chóng mặt. Có hay không việc trục lợi của số ít người phía sau cơn “sốt” giá cát trong thời gian qua?

Giá liên tục tăng

Đó là ghi nhận đầu tiên của phóng viên Kinh tế & Đô thị khi tìm hiểu về thị trường cát xây dựng tại một số địa phương trong gần một tháng trở lại đây. Đặc biệt tại Hà Nội, câu trả lời mà phóng viên nhận được ở phần lớn đại lý cung cấp vật liệu xây dựng đó là “Nguồn cung giờ rất khan. Giá cao nhưng nhiều khi không có cát mà nhập vào cơ em ạ”!

Một điểm chuyên cung cấp cát xây dựng các loại ở thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Để mục sở thị, trong vai chủ thầu đang chuẩn bị vật liệu cho một dự án, dạo một vòng các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP mới thấy được “độ nóng” của thị trường cát xây dựng. Anh Hoàng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Hoàng Mai cho biết: “Hơn chục ngày vừa qua, giá cát nhập vào liên tục tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỗi ngày nhập vào một giá nên nhiều lúc cũng không dám báo giá sớm cho khách hàng”. Cụ thể, giá cát vàng loại 1 (cát vàng trộn bê tông) dao động 300.000 - 320.000 đồng/m3; giá cát vàng loại 2 khoảng 200.000 đồng/m3; giá cát đen hiện nay dao động 100.000 - 110.000 đồng/m3. Trong khi cuối tháng 3, giá bán các loại cát này lần lượt là 250.000 đồng/m3 đối với cát vàng loại 1; 160.000 đồng/m3 đối với cát vàng loại 2 và 80.000 đồng/m3 đối với cát đen. "Hiện nguồn cung rất thiếu, một phần do nạn “cát tặc” đang bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm" - anh Hoàng đưa ra lý do.

Tại một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), khi đặt vấn đề muốn tìm hiểu giá cát để phục vụ dự án xây dựng, anh Nguyễn Nhật Thành nói ngay: “Giờ cát vàng loại 1 khan hàng lắm mà cũng khó mua. Cửa hàng tôi giờ chỉ còn cát đen. Nếu mua với số lượng lớn phải đặt cọc tiền trước để tôi báo với chủ bãi thì mới có hàng để nhập về. Khoảng gần tháng qua, cơ bản các loại cát như cát xây dựng, cát san lấp… đều tăng giá liên tục.

Có thực sự thiếu nguồn cung?

Để tìm lời giải cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến một số địa điểm được coi là “vựa cát” của Hà Nội tại một số điểm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên… Qua khảo sát được biết, giá cát bán tại các bến thường rẻ hơn khu vực nội thành từ 10.000 đồng/m3 đến 30.000 đồng/m3, tùy loại. Đồng thời, điểm chung của các chủ bãi thời điểm này là họ khá “thờ ơ” với khách có nhu cầu mua cát. Anh Hùng, một lái xe chuyên chở cát tại bến Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Họ đang găm hàng đấy. Từ đầu tháng đến nay cơ bản chủ bãi ở đây không vội vàng đẩy hàng đi vì theo họ giá cát sẽ còn tăng trong những ngày sắp tới”.

Thực tế, nguồn cung có giảm ít nhiều bởi hoạt động khai thác cát trái phép bị ngăn chặn kiên quyết song không thể là lý do chính khiến giá cát liên tục leo thang. Mặt khác, đến nay lượng cát có được từ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không lớn trong đáp ứng nhu cầu cát xây dựng ở Hà Nội. Qua khảo sát, chủ yếu lượng cát xây dựng được chuyển về từ Việt Trì (Phú Thọ), Sơn Tây… là những địa phương có mỏ cát với sản lượng khai thác tương đối ổn định. Minh chứng cho điều này, khi gọi vào số điện thoại 0988.678.XXX, một người tên Bình được quảng cáo là đầu mối chuyên cung cấp cát xây dựng cho các công trình lớn đã quả quyết với phóng viên: “Anh yên tâm đi, cát xây dựng cả cát vàng và cát đen, bên anh muốn bao nhiêu khối cũng có, miễn là báo trước khi ký hợp đồng 2 ngày và tôi nói luôn là giá sẽ ít nhất như thời điểm này hoặc là cao hơn”.

Vật liệu thay thế khả thi

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tổng tài nguyên cát trên cả nước ước tính chỉ còn khoảng hơn 2 tỷ mét khối. Chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng khoảng 131 - 140 triệu mét khối; dự báo đến năm 2020, nhu cầu cát cho xây dựng sẽ là 182 - 197 triệu mét khối. Vì thế, về lâu dài thì cần tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế bởi giá cát xây dựng sớm muộn cũng sẽ tăng cao do sự suy giảm của tài nguyên đặc biệt này.

Trong một vài năm trở lại đây, nhiều công trình đã mạnh dạn sử dụng một phần cát nhân tạo được tạo ra từ việc nghiền nhỏ đá. Điển hình là một số công trình trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu... Bước đầu đánh giá, chất lượng công trình đều bảo đảm thiết kế kỹ thuật; chất lượng, hiệu quả kinh tế bằng hoặc cao hơn việc sử dụng cát xây dựng thông thường. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn các cấp cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường đối với “vữa xây dựng trộn sẵn”, có chính sách hỗ trợ đầu tư, sản xuất, bởi giá thành hiện khá cao.

Trong khi chờ đợi sự “lên ngôi” của các loại vật liệu thay thế, trước tình trạng giá cát xây dựng đang tăng một cách “phi mã” như những ngày gần đây, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động khai thác của các đơn vị có giấy phép để đánh thuế, quản lý giá, tránh thất thu cho Nhà nước; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm nhằm sớm bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hiện tượng giá cát tăng hiện nay có một nguyên nhân rất lớn đó là yếu tố đầu cơ, thổi giá. Nhiều đầu nậu, nhà cung cấp lợi dụng chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng đã “làm giá” để trục lợi từ khách hàng. “Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến thị trường vật liệu xây dựng mà còn là tiền lệ xấu, tạo áp lực lớn đối với các công trình xây dựng và người tiêu dùng. Như vậy, một chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong ngăn chặn nạn “cát tặc” lại đang bị số ít người lợi dụng, trục lợi” -

Ông Hoàng Văn Phú - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng công trình Phúc Anh (Hà Đông, Hà Nội)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sot-gia-cat-xay-dung-chu-truong-dung-dang-bi-truc-loi-286489.html