Sốt xuất huyết chưa qua, tay chân miệng lại đến

Trong khi tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn đang có những diễn biến phức tạp, thì bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa.

Dịch tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, bên cạnh đối phó với dịch sốt xuất huyết vẫn căng thẳng trên cả nước, ngành y tế không được lơ là với tay chân miệng bởi đã bắt đầu vào mùa bệnh, với hơn 51.000 ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay tại 63 tỉnh thành; tăng hơn 3%.

Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới, khi học sinh đã chính thức trở lại trường học.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 211 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong tuần vừa qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 56 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong.

Tại TP HCM, trong nhiều tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận khoảng 170 bệnh nhân mắc tay chân miệng, tăng mạnh so với các tuần trước đó. Tổng số ca mắc bệnh này từ đầu năm 2017 ở TP HCM khoảng 3.000 ca.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-11. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo.

Ở nước ta, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến năm 2017. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Dịch tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: minh họa

Dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm

Mặt khác, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trong tuần qua tiếp tục giảm, Trong tuần ghi nhận 1.956 trường hợp (giảm 369 trường hợp so với tuần từ ngày 4/9 đến 10/9 và giảm 1.613 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6/8 đến 13/8). Hầu hết các đơn vị có số ca ghi nhận giảm so với tuần trước, cụ thể như sau:

Một số đơn vị có số ca ghi nhận giảm so với tuần trước: Hoàng Mai (giảm 67); Đống Đa (giảm 54); Thanh Trì (giảm 38); Ứng Hòa (giảm 33); Hai Bà Trưng (giảm 29); Cầu Giấy (giảm 22); Đông Anh (giảm 19); Gia Lâm (giảm 16); Ba Đình (giảm 15); Thanh Oai (giảm 14); Phúc Thọ (giảm 13); Ba Vì (giảm 12); Bắc Từ Liêm (giảm 12); Mỹ Đức (giảm 11); Quốc Oai (giảm 11); Đan Phượng (giảm 10); Hoàn Kiếm (giảm 8); Mê Linh (giảm 7).

Một số đơn vị có số ca ghi nhận tăng so với tuần trước: Hà Đông (tăng 55); Long Biên (tăng 8); Tây Hồ (tăng 7).

Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Lũy tích từ ngày 1/1/2017 đến nay toàn thành phố ghi nhận 28.740 trường hợp, 7 trường hợp tử vong.

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và việc sinh viên các trường cao đẳng, đại học vừa nhập học thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Do vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác diệt bọ gậy, lăng quăng phòng tránh muỗi đốt. Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các trường học trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tổ chức phát tờ hướng dẫn diệt bọ gậy tại nhà cho học sinh.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/sot-xuat-huyet-chua-qua-tay-chan-mieng-lai-den-d53260.html