Sốt xuất huyết lan nhanh trên cả nước

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 ca nhập viện vì sốt xuất huyết.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 1.700 bệnh nhân (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có một trường hợp tử vong (tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Trung bình mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện.

Nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc cao hơn nhiều so với năm ngoái, như Đống Đa (gần 500 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (gần 400 ca, tăng 6,4 lần); các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3-5 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng - cao nhất vào tháng 5.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và chống muỗi đốt.

Cùng với nguyên nhân khách quan là thời tiết mùa hè khiến bệnh lan rộng, diễn biến bất thường, còn có yếu tố chủ quan là chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch và ý thức phòng dịch của người dân chưa cao.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng bất thường. Ảnh: Công Lý

Hiện miền Bắc trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Để giảm tỷ lệ tử vong, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, yêu cầu các bệnh viện tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết dengue.

Đường dây nóng phòng chống dịch được duy trì hoạt động để có thể tư vấn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh... cũng phải được bệnh viện chuẩn bị kỹ.

Các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 của TP HCM... chủ động chỉ đạo tuyến, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, điều trị người bệnh cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới.

Nguồn: VnExpress, Công Lý

Hoàng Duy (T/H)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/sot-xuat-huyet-lan-nhanh-tren-ca-nuoc-d46347.html