Sốt xuất huyết lan rộng, người dân vẫn thờ ơ phòng dịch

Dù dịch sốt xuất huyết đang lan rộng với hơn 45.000 ca mắc và 14 ca tử vong song theo thừa nhận của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện ý thức phòng dịch của người dân vẫn chưa cao.

Ông Trần Đắc Phu

Thưa ông, theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại một số địa phương tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội số ca mắc tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Thông thường dịch sốt xất huyết sẽ tới vào khoảng tháng 7, tháng 8 nhưng thực tế năm nay sốt xuất huyết ở Hà Nội xuất hiện và gia tăng từ tháng 5, tháng 6, thời gian kéo dài khiến số ca mắc cũng tăng theo.

Bên cạnh đó nguyên nhân dịch bệnh này gia tăng ở Hà Nội là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều ngay từ đầu năm, không có đợt rét “nàng bân”… khiến muỗi véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.

Dịch tăng nhanh còn có nguyên nhân từ sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.

Sốt xuất huyết đã khiến 14 người tử vong, các cơ quan truyền thông cũng thường xuyên cảnh báo mức độ nguy hiểm của dịch song tại sao hiện ý thức phòng dịch của người dân vẫn chưa cao, theo ông nguyên nhân là vì sao?

Qua thực tế kiểm tra công tác phòng dịch tại một số cơ sở chúng tôi nhận thấy tại một số hộ gia đình, người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch, do chưa nhận thấy tầm quan trọng của công tác phòng dịch như vệ sinh nhà cửa, phun thuốc diệt muỗi nên có biểu hiện không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hoặc phun hóa chất diệt muỗi.

Nhiều gia đình chỉ cho phun tầng 1, mà không cho phun tầng 2, 3, thậm chí nhiều nhà còn đóng cửa, không hợp tác trong khi Hà Nội đang có nhiều ổ dịch về bệnh này. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực, địa điểm hoặc các dụng cụ bên ngoài các gia đình có chứa phế thải không được vệ sinh hàng tuần. Đây cũng là điều kiện để muỗi phát triển. Nếu chính quyền và người dân đều không hưởng ứng thì rất khó thực hiện.

Chưa kể kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Hầu hết những hộ bất hợp tác thường nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; thậm chí họ nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành và coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

Để phòng dịch, cán bộ y tế có tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình song có ý kiến người dân phản ánh là thuốc phun diệt muỗi hiện tại không hiệu quả vì phun xong 2- 3 ngày lại xuất hiện muỗi trong nhà. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Muỗi có nhiều loại, việc phun hóa chất cũng có các loại khác nhau. Nếu diệt muỗi sốt rét thì cần phun thuốc trên tường, tức là phun tồn lưu 6 tháng 1 lần, tuy nhiên chỉ muỗi gây sốt rét mới chết còn muỗi gây sốt xuất huyết có thể còn vì muỗi gây sốt xuất huyết không đậu trên tường. Đối với muỗi gây sốt xuất huyết thì phải phun hóa chất dưới dạng sương mù, trong không gian rộng để diệt toàn bộ muỗi mang mầm bệnh. Hóa chất phun diệt muỗi gây sốt xuất huyết chỉ tồn tại 1-2 ngày, vì vậy không diệt được muỗi gây sốt rét.

Việc người dân phản ánh có phun thuốc diệt muỗi 2- 3 ngày sau đó lại xuất hiện nhiều muỗi, đó có thể là muỗi ở các cống rãnh bay lên, muỗi này rất to và thường đốt vào ban đêm nhưng không gây bệnh. Còn có một loại muỗi gây viêm não, đó là muỗi từ chuồng trâu, chuồng bò bay vào. Muỗi này cũng thường đốt vào ban đêm nhưng gây bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản.

Theo ý kiến của nhiều hộ dân sở dĩ họ chưa hợp tác với việc cán bộ y tế phun hóa chất là do lo ngại hóa chất phun diệt các loại muỗi có độc hại khi con người hít phải, ông có bình luận gì về điều này?

Tất cả các hóa chất dùng cho phòng bệnh đều đã được thử nghiệm trên thực tiễn và đảm bảo hóa chất phun diệt muỗi không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, để diệt muỗi triệt để, phải phun thuốc hết các tầng nhà và phải phun tất cả các hộ gia đình thì mới đạt hiệu quả.

Sốt xuất huyết năm nào cũng đe dọa cuộc sống và tình mạng nhân dân và điều nguy hiểm của dịch là chưa có vắc xin phòng bệnh, vậy theo lộ trình đến bao giờ Việt Nam có thể sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết chưa, thưa ông?

Vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đang được tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm tại châu Mỹ tuy nhiên do tính miễn dịch của vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa cao vì vậy sự ứng dụng trên thế giới còn dè dặt. Ở Việt Nam, việc ứng dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết là cần thiết nhưng cần xem xét trong việc ứng dụng sao cho hiệu quả và an toàn.

Còn việc sử dụng tác nhân sinh học giải quyết sốt xuất huyết trong đó sử dụng muỗi hiện nay ở Việt Nam đang thực hiện ở đảo Trí Nguyên. Việt Nam là một trong những nước tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề nghiên cứu. Việc nhân rộng cần phải có nhiều yếu tố như được cộng đồng chấp nhận, sự tồn tại sinh sống của muỗi này thế nào và ảnh hưởng của muỗi tới môi trường sinh thái.

Xin cảm ơn ông!

D.Ngân (lược ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sot-xuat-huyet-lan-rong-nguoi-dan-van-tho-o-phong-dich.aspx