SSI Research: Phán quyết của Bộ Thương Mại Mỹ cản đường con tôm Việt

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố những phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sau lần rà soát hành chính thứ 10 (POR10).

Báo cáo của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) cho biết theo phán quyết mới nhất này, mức thuế chống bán phá giá mới sẽ tăng so với kết quả sơ bộ và kết quả của cuộc rà soát lần trước. Ngoài ra, công ty Stapimex sẽ chịu một mức thuế chống bán phá giá riêng bởi họ bị coi là bị đơn bắt buộc duy nhất. 50 công ty khác nằm trong danh sách áp thuế mới được coi là một phần của thực thể Việt Nam.

Stapimix sẽ phải chịu mức thuế 4,78%, tăng mạnh so với mức 0,93% trong kết quả sơ bộ và kết quả POR9.

Bảng so sánh mức áp thuế cuối cùng, sơ bộ của POR10 với POR9

Đối với 50 công ty còn lại, DOC xác định sản phẩm của họ đang được bán với giá dưới mức thông thường và phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,78%, tăng mạnh so với mức 0,91% của POR9.

Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) không nằm trong danh sách này nhờ được WTO phê chuẩn. CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) bị nâng mức áp thuế từ 0% trong POR9 lên 4,78% trong phán quyết cuối cùng của POR10.

Việt Nam nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu tôm sang Mỹ. Phán quyết POR10 đã khiến mức thuế chống bán phá giá tôm đối với các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh và trở nên tương đối cao so với mức trung bình 0-1,36% của Thái Lan.

Mức áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu (nguồn DOC)

Bên cạnh Việt Nam, mức thuế Mỹ áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Ấn Độ cũng có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, mức áp thuế tăng từ 2,63-3,28% trong POR9 lên 0,8-8,32% trong POR10.

Tình hình xuất khẩu tôm sang Mỹ nửa đầu năm 2016 được cải thiện

Theo Bộ Công Thương, giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 293 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khối lượng xuất khẩu tăng 12,8% trong khi giá trung bình giảm 4%.

Trong quý I và quý II/2016, Mỹ đã tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam do nhu cầu trong nước tăng và nguồn cung từ các quốc gia khác giảm, đặc biệt là với mặt hàng tôm sú. Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), với đà tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Mỹ nói chung và nhu cầu giành cho tôm nói riêng, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ sẽ được tăng trong trong 6 tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định rằng mức thuế suất cao của POR10 sẽ là trở ngại trong quá trình thương lượng xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Mỹ.

Tỷ trọng xuất khẩu tôm sang Mỹ của FMC chiếm 37%. Với mức thuế chống bán phá giá cao vừa bị áp, doanh thu và lợi nhuận của công ty này sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của FMC giờ đây sẽ phụ thuộc 2 ẩn số là giá tôm thế giới và kết quả mùa vụ thu hoạch.

Do đó, FMC sẽ phải giảm xuất khẩu sang Mỹ và tăng xuất khẩu sang khu vực châu Âu (hiện chiếm 15% tỷ trọng xuất khẩu của công ty). Lục địa già có thể coi là một thị trường tiềm năng bởi nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ssi-research-phan-quyet-cua-bo-thuong-mai-my-can-duong-con-tom-viet-20160913052114346p4c147.news