SSI Research: VHC ước quý III lãi 180 tỷ đồng, tăng trưởng 36%

Lũy kế trong quý III/2017, tổng xuất khẩu của VHC kỳ vọng đạt 74 triệu USD, tăng trưởng 10,5% và ước tính lợi nhuận ròng đạt 180 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ SSI Research, trong tháng 8, Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) cho phép CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cho biết đã xuất khẩu 198 trong số 320 container, chiếm 62% tổng lượng xuất khẩu sang Mỹ. Phần còn lại vẫn đang được FSIS kiểm tra, dự kiến sẽ được cấp phép trong đầu tháng 9.

Do đó, trong tháng trước, tổng xuất khẩu của VHC chỉ đạt 22,4 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tháng 6 và tháng 7/2017 đạt mức tăng trưởng lần lượt 6% và 43%. Số liệu tăng vọt trong hai tháng trước do các nhà nhập khẩu Mỹ dự trữ hàng tồn kho nhằm đảm bảo nguồn cung trước khi quy định của Mỹ chính thức có hiệu lực. Xuất khẩu cá tra đạt 18,3 triệu USD, giảm 26% trong tháng 8/2017, giảm 35% về sản lượng, nhưng giá bán trung bình tăng 14%.

Về mặt tích cực, giá bán trung bình tăng có thể giúp VHC cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý III và quý IV/2017 nhờ giá nguyên liệu cá tra ổn định và hỗ trợ lợi nhuận ròng. VHC vẫn duy trì tâm lý lạc quan và ước tính xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi trong tháng này, đạt tăng trưởng 16% vào cuối tháng. Lũy kế trong quý III/2017, tổng xuất khẩu của VHC kỳ vọng đạt 74 triệu USD, tăng trưởng 10,5%. VHC ước tính lợi nhuận ròng quý III/2017 đạt 180 tỷ đồng, tăng 36%.

SSI Research duy trì ước tính doanh thu năm 2017 của VHC đạt đỉnh mới là 8.545 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Lợi nhuận ròng ước tính đạt 604 tỷ đồng, tăng 9%; tương ứng EPS 2017 đạt 6.302 đồng. Năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng có thể đạt 9.968 tỷ đồng (+16,6%) và 700 tỷ đồng (+16%). EPS 2018 ước tính đạt 7.312 đồng (+16%).

VHC đang có những lợi thế như (1) mở rộng công suất 15-17% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2019 hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ khi các nhà máy đã hoạt động hết công suất; (2) lợi thế cạnh tranh tuyệt đối tại thị trường Mỹ nhờ Công ty được hỗ trợ thuế chống bán phá giá; (3) nhu cầu tăng và tiềm năng sản phẩm chế biến tăng trưởng mạnh trong những năm tới; (4) mảng Collagen và Genlatin ước tính sinh lời trong những năm tới, ở phân khúc này, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 11 triệu USD trong năm 2018.

Tuy nhiên, Công ty vẫn có rủi ro là chi phí nguyên liệu thô tăng nhanh hơn giá xuất khẩu, làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp; đồng thời, chương trình giám sát cá tra tại Mỹ nghiêm ngặt hơn khiến thời gian lưu kho dài hơn, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ.

Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức bắt đầu từ ngày 02/08/2017, một tháng trước khi đầy đủ các biện pháp chính thức áp dụng từ ngày 01/09/2017. Chương trình bao gồm tất cả các loại cá nhập khẩu và sản phẩm từ cá thuộc bộ Siluriformes (như cá da trơn, cá trê và cá tra).

Vào ngày 02/08/2017, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ là cá và sản phẩm cá thuộc bộ Siluriformes bắt buộc kiểm tra qua Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), bao gồm cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Kiểm tra sản phẩm thông qua phương pháp đánh giá cảm quan tại phòng thí nghiệm của USDA kéo dài 2-7 ngày từ khi nhận mẫu sản phẩm đến khi có kết quả báo cáo ban đầu, sau đó là kiểm tra dư lượng hóa chất cần 7-10 ngày. Do đó, toàn bộ quá trình kiểm tra cần khoảng 9-17 ngày trước khi FSIS cho phép nhập khẩu vào thị trường.

Về chi phí kiểm tra, FSIS chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến việc kiểm tra mẫu. Các nhà nhập khẩu Mỹ chịu trách nhiệm lưu trữ, vận tải đường bộ và thử nghiệm của bên thứ ba nếu kết quả kiểm tra dư lượng hóa chất tại phòng thí nghiệm của FSIS dương tính.

Theo VHC, quy trình tương đương là quá trình xác định xem hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của một quốc gia đạt tiêu chuẩn bảo vệ FSIS về việc đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, và những phương thức kiểm tra có tương đương với phương thức kiểm tra nội địa ở Mỹ hay không. Quy trình tương đương ban đầu gồm 6 bước hướng dẫn FSIS xem xét phương thức kiểm tra mỗi nước nhập khẩu. Ngành cá tra Việt Nam đã gửi văn bản đến Chính phủ Mỹ vào tháng trước và trong đó đã hoàn thành 2 trên 6 bước theo yêu cầu. Các quy định quản lý chặt chẽ của ngành cá tra Việt Nam hiện nay giúp VHC tin rằng Việt Nam có thể đạt được trạng thái Tương đương.

VHC cũng cho biết công ty đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc nộp đơn khiếu nại lên WTO về các vấn đề của Chương trình Giám sát cá da trơn để WTO giải quyết tranh chấp do công ty nhận thấy Chương trình Giám sát như một rào cản thương mại. Nếu ảnh hưởng đến lợi ích của ngành cá tra Việt Nam. Chương trình này đã vi phạm nghiêm trọng hiệp định tự do thương mại giữa các thành viên WTO.

Tường Như

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ssi-research-vhc-uoc-quy-iii-lai-180-ty-dong-tang-truong-36--20170920101919464p4c147.news