Startup hãy cứ 'đi chậm mà chắc' vì đến Starbucks cũng chẳng thành công sau 1 đêm

Không ít startup mong muốn đi nhanh, gây dựng quy mô lớn trong thời gian ngắn nhưng đây được cho là tư duy khá sai lầm.

Ảnh minh họa.

Các nhà kinh doanh trẻ thường được yêu cầu hãy mở rộng mô hình hoặc dự án sẽ chỉ dậm chân tại chỗ và thất bại (go big or go home). Tuy nhiên theo Jason Fried, CEO, người sáng lập Basecamp, công ty chuyên phát triển ứng dụng web tại Mỹ trong vòng gần 20 năm qua, những gì các startup trẻ nên làm là ngừng ám ảnh về vấn đề quy mô và tập trung hoàn thiện từ bước cơ bản.

Vào năm ngoái, Fried đã gặp Jonh, người lần đầu tiên bước chân vào kinh doanh với việc mở một quầy bán trà nho nhỏ trong khu dân cư nơi hai người đang sinh sống. Ấn tượng bởi chất lượng sản phẩm, tầm nhìn và ý chí của Jonh, Fried đã quyết định giữ liên lạc với anh.

Sau thời gian quầy bán trà hoạt động ổn định, John tìm đến ông chủ Basecamp để xin ý kiến về việc mở rộng thành một cửa hàng trà khang trang. Tuy nhiên khi nói tới cửa hàng đầu tiên, tại thời điểm đó còn chưa tồn tại, sự chú ý của John liên tục trôi về phía cửa hàng thứ 2, thứ 3, thứ n và anh này còn hy vọng không bao lâu mình sẽ là chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng sánh ngang Starbucks.

“Này, đợi chút. Tôi biết việc mở rộng quy mô kinh doanh coi bộ rất hấp dẫn, nhưng đây không phải là thời điểm phù hợp để nghĩ đến điều đó”, Fried bảo với John. “Nếu tôi là anh, tôi sẽ không dành một giây phút nào cho vấn đề này cả. Hiện anh có một thách thức quan trọng trước mắt cần vượt qua: làm sao để mở cửa hàng đầu tiên thuận lợi”.

Cũng theo Fried, chỉ riêng việc sắp đặt của hàng đầu tiên đã rất phức tạp. Bạn phải thiết kế và xây dựng không gian phù hợp. Bạn phải thuê nhân viên và đào tạo nhân viên. Bạn phải lựa chọn menu và đặt giá cả. Bạn phải tìm cách lôi kéo khách hàng và làm cho khách hàng trở lại nhiều lần.

Rất nhiều vấn đề trước mắt cần chú ý thay vì nghĩ đến tương lai xa xôi.

Thực tế, John không hề cô đơn với giấc mơ vĩ đại của anh ấy. Có gì đó đã thay đổi trong tư duy kinh doanh của mọi người. 10 năm trước đây, các doanh nhân trẻ khởi sự vì mong muốn tạo ra những thứ của riêng họ, không cần ngày ngày đi làm thuê, có đủ tài chính để mua nhà, mau xe, cho con cái theo học các trường tốt nhất...

Nhưng bây giờ, kinh doanh dường như là một môn thể thao. Và điểm số phụ thuộc vào quy mô dự án. Bạn có thể gọi vốn được bao nhiêu? Làm thế nào để phát triển quy mô trong thời gian ngắn nhất? Sau bao lâu bạn có cửa hàng thứ hai?

Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho giấc mơ “lớn nhanh” này. Các trường học và lớp học kinh doanh liên tục bơm vào đầu học viên những lý thuyết như: Nếu bạn làm theo điều này, bạn sẽ sớm trở thành Howard Schultz hoặc Mark Zuckerberg tiếp theo. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông và chương trình truyền hình thực tế làm lan truyền những tấm gương khởi nghiệp chỉ với ý tưởng độc đáo, gọi vốn hàng triệu USD.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân trẻ tin rằng họ có thể đi nhanh, gia tăng quy mô và bỏ qua những bước cơ bản ban đầu. Bạn chỉ được công nhận là doanh nhân thành công nếu có nhiều hơn 10 cửa hàng, còn với 1 cửa hàng, bạn cũng chả có gì nổi bật.

“Tư duy này thật sự độc hại, vì nó làm cho các bạn trẻ thất bại ngay từ những ngày đầu tiên”, Fried chia sẻ.

Quay trở lại với trường hợp của John được nhắc đến ban đầu, theo Fried, anh ấy có tham vọng và tầm nhìn tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu John tập trung toàn bộ sức lực vào của hàng đầu tiên, làm cho nó trở thành điểm đến khách hàng không thể bỏ qua. Chỉ khi mọi thứ đã rõ ràng, John mới nên nghĩ đến việc mở cửa hàng thứ hai và nhiều hơn nữa.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/startup-hay-cu-di-cham-ma-chac-vi-den-starbucks-cung-chang-thanh-cong-sau-1-dem-3002799.html