Startup Việt gọi vốn nước ngoài

Dù chưa thực sự bùng nổ nhưng dòng vốn ngoại vẫn liên tiếp đổ vào các startup Việt. Thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang chứng minh được sức hấp dẫn nhờ những thương vụ hợp tác lớn.

Cú hích từ những dòng tiền triệu đô

Đầu năm 2016, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đón nhận tin vui bất ngờ khi Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs chính thức công bố khoản đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo thuộc sở hữu của Thiên Việt Securities. MoMo là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về cung cấp dịch vụ ví điện tử trên di động, dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch (OTC) và nền tảng thanh toán (payment platform).

Khoản đầu tư trên được kì vọng sẽ phổ cập các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt, dịch vụ tài chính ngân hàng bán lẻ trên di động đến 80% người dân. Cho tới nay, đây vẫn là khoản đầu tư lớn nhất cho startup Việt.

GotIt! là công ty khởi nghiệp công nghệ cao có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ). GotIt! xây dựng nền tảng chia sẻ kiến thức theo yêu cầu trên điện thoại thông minh. Bất kì ai khi có câu hỏi gì cần giải đáp, chỉ cần gửi lên hệ thống, ngay lập tức người hỏi sẽ được kết nối với một chuyên gia để nhận câu trả lời trong vòng 10 phút.

Ứng dụng này đã thu hút được khoản đầu tư 10 triệu USD từ nhà đầu tư của thung lũng Silicon là Capricom Investment Group. Hiện tại, đội ngũ 200.000 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã giải đáp được khoảng 3 triệu câu hỏi của học sinh, sinh viên về các vấn đề giáo dục.

Vntrip.vn kí kết hợp tác với Booking.com - hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, GotIt! cũng xây dựng đội ngũ 10.000 chuyên gia người Việt Nam với mức thu nhập trung bình 500 USD/tháng. Ứng dụng này đã từng đứng vị trí số 2 trong lĩnh vực giáo dục trên Apple App Store Mỹ. TS Trần Việt Hùng, CEO GotIt! cho biết, với khoản đầu tư 10 triệu USD, ứng dụng này sẽ từng bước mở rộng sang các lĩnh vực khác chứ không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực giáo dục như hiện nay.

Gần đây nhất, ứng dụng chuyên về đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn đã được rót 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, đứng đầu là Quỹ Fenghe Group và Hancock Revocable Trust.

Fenghe Group được sáng lập và điều hành bởi John Wu, nhà đầu tư thiên thần đồng thời là trụ cột công nghệ của Alibaba trong gần 10 năm. Trong khi đó, Scott Hancock có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời nắm giữ vị trí cấp cao tại Oak Hill Capital, Continuity Capital Partners và Deep Sky Capital.

Khởi động từ cuối năm 2014 và chỉ mới đưa vào chạy thử nghiệm trong 6 tháng đầu năm 2016, Vntrip.vn đã nhanh chóng thiết lập cho mình mạng lưới khách sạn trực tuyến lớn nhất Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với Booking.com, hệ thống đặt phòng khách sạn lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn Priceline của Mỹ.

Hiện tại, Vntrip.vn kết nối trực tuyến tới hơn 6.000 khách sạn Việt Nam và gần 900.000 khách sạn quốc tế. Khoản đầu tư này giúp Vntrip.vn được các nhà đầu tư định giá 300 tỷ đồng.

Vẫn thiếu các nhà đầu tư “thiên thần”

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp và có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, VinaCapital, 500 startups... Số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cũng liên tục tăng lên, nếu như năm 2012 là 24 thương vụ thì đến năm 2015 đã tăng lên 67 thương vụ.

Đánh giá về năng lực của các startup Việt Nam, ông Steve Landman, nhà đầu tư đến từ thung lũng Silicon cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam rất năng động, các startup Việt có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực công nghệ.

Trong khi đó, ông Scott J. Hancock giải thích lí do đầu tư vào Vntrip.vn là vì nhìn thấy cơ hội thống lĩnh thị trường du lịch khách sạn trực tuyến có thể đạt gần 1 tỉ USD trong 5 năm tới.

Không chỉ trông đợi vào các quỹ đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư trong nước cũng dần hình thành. Dự án Việt Nam Silicon Valley (VSV) ra đời từ năm 2013 với nguồn vốn của Chính phủ và Bộ Khoa học – Công nghệ, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của dự án cho biết, sau 3 năm triển khai, VSV đã nhận được 650 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình, trong đó đã đầu tư và huấn luyện cho 40 startup. Tổng số vốn VSV đã huy động để đầu tư cho startup ước tính khoảng 18,5 tỷ VND.

Startup thuộc VSV đã tạo ra được tổng cộng 350 việc làm mới. Một số startup thành công của VSV có thể kể đến như Lozi – ứng dụng mạng xã hội về ẩm thực đã gọi được vốn từ Golden Gate Venture và Design One; TechElite – công ty chuyên phát triển các sản phẩm về quản trị doanh nghiệp; Schoolbus - nền tảng dạy học dựa trên công nghệ truyền hình trực tuyến với sự tham gia của hơn 50.000 học sinh.

Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập Quỹ FPT Ventures, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc quỹ cho biết đã nhận được 150 hồ sơ mời gọi vốn, trong đó có 2 hồ sơ của người nước ngoài. Trung bình mỗi ngày, quỹ nhận được 2-3 hồ sơ gọi vốn, cho thấy nhu cầu vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất lớn.

Ở trong giai đoạn mới chập chững thực hiện ý tưởng, chưa có nguồn vốn, phần lớn các startup đều mong đợi sự xuất hiện của các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor).

Tuy nhiên, bà Thạch Lê Anh nhấn mạnh, ở Việt Nam vẫn rất thiếu các nhà đầu tư thiên thần – khái niệm vốn rất phổ biến trên thế giới nhưng lại mới lạ ở Việt Nam. "Nhà đầu tư thiên thần" là những cá nhân bỏ vốn để đầu tư vào startup. Bản thân nhà đầu tư thiên thần cũng đã từng là một startup. Đây là một dạng đầu tư rủi ro, bởi cứ 10 startup ra đời mới chỉ có 1 startup thành công.

Khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam phát triển khá mạnh do tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng trong khi chi phí truy cập internet và 3G không quá cao. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet thuộc tốp đầu khu vực với 43 triệu người, tương đương 47% dân số. Tỷ lệ sở hữu smartphone cũng tăng nhanh và dự kiến sẽ đạt 42% dân số vào năm 2020.

Khánh Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/startup-viet-goi-von-nuoc-ngoai-bai-2-426956/