Stratfor dự báo bức tranh toàn cầu trong quý III/2017

Theo tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, cuộc chiến ngân sách ngày càng "cam go" với Quốc hội sẽ tiếp tục khiến Tổng thống Donald Trump xao lãng các vấn đề đối ngoại.

Tổng thống Donald Trump có thể xao lãng các vấn đề đối ngoại vì "sóng gió" trong nước. Ảnh: Reuters

Trong bài viết dự đoán về bức tranh thế giới trong quý III/2017, mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor đưa ra một số nhận định đáng chú ý.

Tại Mỹ: Những cuộc điều tra của liên bang cộng với cuộc chiến ngân sách ngày càng "cam go" với Quốc hội sẽ tiếp tục khiến Tổng thống Donald Trump xao lãng các vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, những gián đoạn như vậy sẽ không làm giảm bớt những phát biểu hùng hồn về hệ tư tưởng của Nhà Trắng, hay làm gia tăng những đồn đoán về việc Mỹ rút khỏi vũ đài thế giới.

Tất nhiên, vai trò trên thực tế của siêu cường này trong việc quản trị thế giới phức tạp hơn nhiều. Trong khi đó, những sáng kiến chính sách cực đoan hơn của chính phủ, đặc biệt là đối với vấn đề khí hậu và thương mại, sẽ được làm dịu bớt ở các cấp liên bang, công ty, bang và địa phương.

Mặc dù Mỹ sẽ vẫn duy trì những liên minh an ninh ở nước ngoài, nhưng họ cũng sẽ tạo ra cảm giác bất ổn đủ để buộc các đối tác phải có hành động đơn phương để xử lý các vấn đề tại khu vực của mình.

Tại Trung Đông: Cuộc xung đột giữa một bên là Qatar và một bên là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE)... sẽ dai dẳng trong suốt quý tới trong bối cảnh các cường quốc khu vực đẩy mạnh những cuộc chiến mượn tay người khác trên toàn khu vực.

Cuộc cạnh tranh công khai hơn trong nội bộ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng như mối nghi kỵ ngày càng tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng vùng Vịnh của họ sẽ bộc lộ điểm yếu trong chiến lược của Nhà Trắng nhằm đối phó với chính sách ngày càng quyết đoán với mưu đồ kiểm soát khu vực.

Nguy cơ nổ ra đụng độ giữa các nước láng giềng lớn cũng gia tăng tại miền Đông Syria. Trong khi đó, cuộc xung đột sẽ leo thang giữa các lực lượng ủy nhiệm của Saudi Arabia và Iran đang giao tranh trên khắp các chiến trường từ vùng Vịnh đến vùng Levant.

Các lực lượng do Iran hậu thuẫn cũng sẽ phải đối mặt với việc gia tăng nguy cơ đụng độ với các lực lượng đồng minh của Mỹ tại Syria khi họ tìm cách tiến quân vào vùng biên giới Iraq để thế vào chỗ mà lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) rút đi.

Thị trường dầu mỏ: Trong bối cảnh Thái tử trẻ của Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp tục tập hợp quyền lực, ông chủ yếu tập trung vào việc chuẩn bị mở cuộc đấu thầu công khai đầu tiên mỏ dầu Aramco vào năm 2018.

Một phần của kế hoạch này đòi hỏi phải duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt với hy vọng duy trì được giá dầu ổn định trong bối cảnh sản lượng tại Mỹ, Libya, Nigeria và Kazakhstan gia tăng. Thỏa thuận này sẽ tiếp tục được tuân thủ trong quý III/2017, song càng về cuối năm mức độ tuân thủ càng sụt giảm do các nước ký kết bắt đầu thực hiện chiến lược rút lui.

Các vụ thử vũ khí và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã thổi bùng rạn nứt tại khu vực. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng Triều Tiên: Những hạn chế trong sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề trừng phạt Triều Tiên sẽ trở nên rõ ràng hơn trong khi các cuộc đàm phán mậu dịch giữa Bắc Kinh và Washington diễn ra căng thẳng.

Đến giữa tháng 7 tới, giai đoạn 100 ngày đàm phán giữa hai nước sẽ kết thúc và Bắc Kinh sẽ đưa ra một số nhượng bộ nhỏ cho Washington, như là cho phép thị trường Mỹ tiếp cận một số khu vực nhất định. Bắc Kinh cũng sẽ dùng vấn đề Triều Tiên làm đòn bẩy để buộc Mỹ phải giảm bớt áp lực trong vấn đề mậu dịch.

Các vụ thử vũ khí và hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thổi bùng những rạn nứt tại khu vực, mặc dù các vụ thử này sẽ không làm tăng khả năng Mỹ hành động quân sự trong quý này trừ khi chế độ Triều Tiên có thể chứng tỏ được khả năng phóng tên lửa tầm xa đáng tin cậy - một trình độ mà có thể phải mất ít nhất 1 năm nữa Bình Nhưỡng mới đạt được.

Châu Âu: Khả năng các lực lượng ôn hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Đức và khả năng Pháp tiến hành cải cách thành công sẽ lại làm dấy lên những lời kêu gọi tận dụng bầu không khí chính trị yên ả tại châu lục để tiến hành cải cách Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, hành động như vậy sẽ làm bộc lộ nhiều mâu thuẫn âm ỉ tại châu Âu do mỗi phe lại đề xuất những nhãn quan khác nhau cho sự hội nhập.

Với một phương Tây đang cảnh giác trước các chiến dịch tuyên truyền và tấn công mạng của Nga, sẽ hầu như không có cơ hội diễn ra cuộc đàm phán thực chất giữa Washington và Moskva trong quý III/2017. Đồng thời, phong trào biểu tình trong nước sẽ khiến Điện Kremlin phải toàn tâm toàn ý với công việc nội bộ.

Chính sách tiền tệ: Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tại Mỹ, tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm trong khi trên khắp khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ ít chịu áp lực phải chấm dứt các chương trình nới lỏng định lượng của mình.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/stratfor-du-bao-buc-tranh-toan-cau-trong-quy-iii-2017/49460.html