StuG III - khẩu pháo tự hành được phát xít Đức ưa chuộng nhất

Sturmgeschütz III chắc chắn là một trong những pháo chống tăng tự hành tiêu biểu nhất của Thế chiến II với hơn 10.000 chiếc được sản xuất.

Một chiếc StuG III được phục chế

Sturmgeschütz III (StuG III) được coi là một trong những pháo chống tăng tự hành nổi bật nhất trong Thế chiến II. Được phát triển trên khung gầm xe tăng Panzer III, StuG III đã tràn ngập trên các mặt trận của châu Âu với hơn 10.000 chiếc được sản xuất, trở thành loại xe thiết giáp được phát xít Đức chế tạo nhiều nhất trong lịch sử, theo War History.

Sau cuộc xâm lược Liên Xô năm 1941, trùm phát xít Adolf Hitler nhận ra xe tăng KV và T-34 là những đối thủ đáng gờm. Giáp của chúng chịu được hầu hết những phát đạn từ xe tăng Panzer đời đầu của Đức, buộc Đức phải tìm ra biện pháp đối phó.

Từ ý tưởng "pháo binh tiến công" (Sturmartillerie) do tướng Erich von Manstein đề ra từ Thế chiến I, các kỹ sư Đức phát triển một loại vũ khí chống tăng có thể di chuyển theo đội hình bộ binh. Kết quả là StuG III ra đời, đảm nhận vai trò pháo chống tăng tự hành có thể phá hủy những xe tăng mạnh nhất của Liên Xô trong giai đoạn 1941-1943.

Các nhà thiết kế Đức định danh StuG III là "pháo tự hành tiến công". Thiết kế không có tháp pháo giúp quá trình sản xuất StuG III dễ dàng hơn rất nhiều so với xe tăng. Có nhiều phiên bản StuG III khác nhau trong suốt cuộc chiến, do nó liên tục được nâng cấp và cải tiến.

Một chiếc StuG IIIAusf. B tại mặt trận phía Đông. Ảnh:World War Photos.

Phiên bản StuG III đầu tiên được gắn pháo StuK 37L/24 cỡ nòng 75 mm, loại vũ khí uy lực cao trên chiến trường thời đó. Việc loại bỏ tháp pháo làm xe có hình dạng thấp lùn, phù hợp với các cuộc phục kích và phòng ngự. Lớp giáp của StuG III dày 16-80 mm, bảo đảm khả năng bảo vệ tốt cho kíp lái 4 người.

Nhưng thiết kế không tháp pháo trên StuG III có nhược điểm là khiến khẩu pháo thiếu khả năng xoay chuyển linh hoạt. Biến thể StuG III đầu tiên cũng không có súng máy gắn kèm, khiến nó dễ bị tấn công khi cận chiến với bộ binh vì tổ lái có tầm quan sát rất kém. Tuy nhiên, nó vẫn tham gia vào nhiều trận đánh trên mặt trận phía Đông, trở thành trụ cột của các đơn vị chống tăng Đức.

Năm 1943, Đức lắp pháo StuK 40L/48 cỡ nòng 75 mm lên khung thân xe tăng Panzer IV để tạo ra pháo chống tăng tự hành StuG IV. Tuy nhiên nhiều cơ sở sản xuất vũ khí của Đức lúc đó đã bị không quân Anh đánh phá, khiến chỉ có một số lượng nhỏ StuG IV được chế tạo.

Vào giai đoạn cuối Thế chiến II, pháo tự hành StuG III và IV bắt đầu thay thế cho các xe tăng Panzer trong biên chế quân đội Đức, bởi chúng được sản xuất rẻ hơn và nhanh hơn so với xe tăng thông thường.

Phiên bản StuG III Ausf. G của quân đội Phần Lan. Ảnh:Wikipedia.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Liên Xô tịch thu nhiều pháo tự hành StuG III và tặng một số xe cho quân đội Syria trong thập niên 1950. Số vũ khí này đã tham chiến trong một số cuộc xung đột như chiến tranh Syria - Israel năm 1964.

VnExpress

Một chiếc StuG IIIAusf. B tại mặt trận phía Đông. Ảnh:World War Photos.

Phiên bản StuG III Ausf. G của quân đội Phần Lan. Ảnh:Wikipedia.

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/stug-iii-khau-phao-tu-hanh-duoc-phat-xit-duc-ua-chuong-nhat-35701.html