Sự biến mất của chuỗi cửa hàng G7 Mart

Tưng bừng khai trương nhưng rồi lặng lẽ biến mất khỏi thị trường là kết thúc buồn của chuỗi cửa hàng G7 Mart. Trước sự lấn sân của khá nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoại thì cửa hàng bán lẻ nội sẽ còn gặp khá nhiều khó khăn nếu muốn có thể khẳng định tên tuổi và thị phần trên thị trường.

Vào năm 2006, Trung Nguyên đã tưng bừng khai trương hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng và kỳ vọng sẽ nâng con số này lên tới 9500 cửa hàng trên toàn quốc. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên bố, mục tiêu của hệ thống các cửa hàng G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài.

Tuy nhiên, trái ngược hẳn với những kỳ vọng ban đầu thì hệ thống G7 Mart đã vấp phải khá nhiều khó khăn rồi dần dần lặng lẽ biến mất.

Lý giải những nguyên nhân dẫn đến thất bại của hệ thống G7 Mart có thể thu lại trong những nguyên nhân do kỳ vọng quá mức và sự khó khăn từ các nhà phân phối khiến hàng hóa tại cửa hàng thiếu đa dạng và giá thành cao.

Theo dự định của Trung Nguyên thì số lượng cửa hàng G7 Mart sẽ có thể lên tới 9.500 cửa hàng tương ứng với số tiền đầu tư lên đến 475 tỷ đồng. Con số quá lớn vào thời điểm hiện tại chưa nói đến thời điểm G7 Mart được thành lập thì số tiền này lớn hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, khá nhiều người đã không tin tưởng vào dự định này của Trung Nguyên.

Thời điểm Trung Nguyên khai trương G7 Mart thì những nhà phân phối sản phẩm hàng đầu như P&G, Unilever, Vina Acecook, Masan, Kinh Đô... đều đã có những hệ thống phân phối và mini shop cung cấp, buôn bán, kinh doanh sản phẩm của mình. Cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của Trung Nguyên cũng chẳng khác nào dồn hệ thống phân phối của họ vào thế bí. Cũng vì thế, phân phối hàng hóa cho hệ thống G7 Mart chỉ là bước cuối cùng để giúp tăng doanh số hay giảm lượng hàng tồn kho. Tuy vậy do “xung đột lợi ích” nên hàng hóa tại hệ thống G7 Mart đã vắng bóng nhiều nhà phân phối lớn như Vinamilk, Nestle, Vinacafe ....

Thêm vào đó, khi thành lập hệ thống cửa hàng G7 Mart lại phải chịu sự cạnh tranh từ 80.000 điểm phân phối của Masan hay 100.000 điểm bán lẻ của Unilever lúc bấy giờ. Bởi vậy, sức cạnh tranh của 500 cửa hàng G7 Mart cũng rất khó để đảo ngược dòng. Thêm vào đó, những mặt hàng trực tiếp sản xuất của Trung Nguyên cũng chưa đa dạng nên không thể làm tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cửa hàng của mình.

Chính những khó khăn đối với nhà sản xuất và phân phối đã khiến hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng: Dù được bày biện với hệ thống quầy kệ khoa học, sạch sẽ và bắt mắt nhưng hệ thống cửa hàng G7 Mart vẫn chẳng đủ sức để níu chân khách hàng. Theo nhiều người đánh giá thì do hàng hóa tại G7 Mart không đa dạng. Nhóm sản phẩm của Trung Nguyên phân phối đa phần là nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát… thì chẳng khác nào một đại lý thông thường không hề có rau xanh, thực phẩm hay đồ gia dụng, trong khi giá cả hàng hóa chỉ bằng thậm chí còn cao hơn so với bên ngoài. Vì vậy, nhiều người đã chọn tìm đến các siêu thị, chợ lẻ thay vì đến những cửa hàng G7 Mart này.

Với quá nhiều khó khăn nên sau khi khai trương rầm rộ thì hệ thống cửa hàng G7 Mart đã dần phải chấp nhận mất thị trường miền Bắc, rồi đến miền Trung, sau đó là miền Tây Nam bộ và cuối cùng cũng không thể tồn tại tại thị trường TP.HCM.

Đại diện G7 Mart, bà Võ Thị Hà Giang, GĐ truyền thông và tiếp thị của Trung Nguyên (đơn vị phát triển G7 Mart) cũng đã phải thừa nhận về sự “chưa thành công” của hệ thống cửa hàng G7 Mart.

Theo bà Giang Trung Nguyên đang hợp tác với Ministop của Nhật bản phát triển ở Việt Nam. Đồng nghĩa với việc Trung Nguyên chính thức tham gia cuộc chiến bán lẻ đúng nghĩa.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với con đường phía trước cho Trung Nguyên sẽ bằng phẳng. Cạnh tranh tại thị trường bán lẻ Việt đang dần trở nên khốc liệt hơn khi có sự tham gia của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn. Những nhà bán lẻ hàng đầu trên thế giới vẫn liên tục mở rộng hệ thống kinh doanh tại Việt Nam như asino (Pháp) với thương hiệu Big C, Lion Group (Malaysia) với thương hiệu Parkson, Metro Cash & Carry (Đức), Family Mart, Ministop (Nhật), Circle K (Mỹ)...

Thêm nữa, trong thời gian tới sẽ có khá nhiều nhà bán lẻ ngoại tiếp tục tham gia vào thị trường Việt Nam. Tháng 3 năm nay tập đoàn Central- nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan cũng sẽ khai trương Trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội và dự kiến sẽ mở trung tâm thứ hai tại TP.HCM vào cuối năm. Nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) đã đi vào hoạt động tại số 229 Tây Sơn, Hà Nội. Warburg Pincus chi 200 triệu USD mua cổ phần Vincom Retail. Tháng 1 năm nay AEON- nhà bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản cũng đã đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm AEON Mall Tân Phú Celadon tại Q.Tân Phú, TP.HCM…

Bởi vậy, những nhà bán lẻ nội sẽ gặp phải không ít khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại hay dễ dàng bị “nuốt chửng” khi liên doanh. Trước làn sóng ào ạt đầu tư của những nhà bán lẻ ngoại thì chuỗi bán lẻ của Việt Nam muốn xây dựng vị thế vững chắc tại chính sân nhà cũng không hề dễ dàng.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/su-bien-mat-cua-chuoi-cua-hang-g7-mart