Sư cô làm mẹ của hàng chục đứa trẻ

Bất kể ngày đêm nhọc nhằn, sư cô Thích Nữ Uyên Liên (44 tuổi, trụ trì chùa Phổ Quang, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn luôn dành những sự tốt nhất cho những đứa trẻ bất hạnh. Đáp lại tình thương ấy, 'các con' đã dành cho bà những điểm 10, những giấy khen cuối học kỳ...

Sư cô Uyên Liên trầm ngâm kể về những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Sư cô Uyên Liên trầm ngâm kể về những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Dẫu rằng mẹ chẳng sinh con

Nằm khuất sau những con phố ngoằn ngoèo với dòng xe cộ qua lại đông đúc, chùa Phổ Quang có vẻ ngoài trầm mặc, tĩnh lặng Tuy nhiên, bất cứ ai từng một lần đặt chân đến đây hẳn không khỏi ngỡ ngàng, xúc động bởi tiếng khóc the thé của trẻ sơ sinh, tiếng cười nói vô tư với ánh nhìn trong veo của những đứa bé mới 2, 3 tuổi.

Nhắc đến chùa Phổ Quang, người dân ở phường Quảng Phú liền nhắc đến vị nữ trụ trì Thích Nữ Uyên Liên với biệt danh “giàu nhất thế gian”. Bởi hiện nay, sư cô Uyên Liên đang cưu mang hơn 35 đứa trẻ bị bỏ rơi. Đã bị cha mẹ ruột bỏ rơi, không ít bé còn mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Hôm chúng tôi đến, sư cô Uyên Liên bận rộn chăm sóc một bé gái. Đối diện với chúng tôi là một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng.

Nhìn bé gái đáng yêu đang ngủ ngon, giọng trầm buồn, sư cô Uyên Liên kể, cách đây 4 năm, có một người phụ nữ, trạc ngoài 30 tuổi, gầy yếu ôm một đứa bé còn đỏ hỏn đến trước cửa chùa, nói trong tiếng nấc: “Tôi không có điều kiện nuôi con, xin nhờ cửa chùa rủ lòng từ bi, nuôi giúp”, rồi cô gái quay đi không dám ngoái đầu nhìn lại đứa con thơ.

“Vì thiếu sữa mẹ, lại suy dinh dưỡng nặng từ trong bụng mẹ nên bé gái này nặng chưa đầy 2kg. Những ngày sau đó bé khóc suốt đêm, các sư trong chùa phải thay phiên nhau chăm sóc bé. Tôi đặt tên cho bé là Nguyễn Lê Mỹ Hậu. Đến nay bé đã bụ bẵm, đáng yêu”, sư cô Uyên Liên cho biết.

Trong hơn 35 đứa trẻ ở đây, bé Nguyễn Lê Mỹ Đức là đứa trẻ lấy của sư cô Uyên Liên nhiều nước mắt nhất. Một buổi sáng mùa hè 6 năm về trước, một bé gái mới sinh chừng 3 ngày tuổi khá yếu ớt, toàn thân tím tái bị mẹ bỏ rơi trước cửa chùa. Sư cô Uyên Liên tất tả đem bé đi cấp cứu ở bệnh viện và chẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường ruột, thiếu máu sơ sinh nặng.

“Một tháng trời tích cực chăm sóc tại bệnh viện, bé mới qua khỏi cơn nguy kịch. Chưa hết kiếp nạn, lúc 16 tháng tuổi, bé Đức lại bị bệnh tay chân miệng diễn tiến nặng ở độ nguy hiểm, tôi lại tất bật chăm lo, để một lần nữa bé được tái sinh. Nay bé đã 6 tuổi, bụ bẫm đáng yêu và rất ngoan”, sư cô Uyên Liên chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, dù các bé có hoàn cảnh nào đi nữa nhưng khi có duyên vào cửa chùa thì sư cô Uyên Liên luôn coi chúng là đứa con quý giá của mình.

“Con ải con ai, chứ vào cửa chùa này là cành vàng lá ngọc hết. Mình phải lo cho các con từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc cho các con khỏe mạnh thì tôi mới yên tâm được”, sư cô Uyên Liên nói.

Những đứa trẻ vào chùa không tên tuổi, sư cô Uyên Liên đặt tên cho chúng theo thứ tự và lấy theo họ mình là Nguyễn, với tên lót là Lê Mỹ. Bà hy vọng ánh sáng Phật pháp cùng những điều tốt đẹp nhất sẽ soi rọi sưởi ấm tâm hồn các cháu: Xuân - Hiếu- Nghĩa; Hỷ - Tường- Khánh- Thọ; Từ - Mẫn - Liêu - Phương… những cái tên gắn với từng mảnh đời bé bỏng mà bao năm qua vị trụ trì này đã chăm chút để chúng trưởng thành.

Các sư cô chùa Phổ Quang đang chăm sóc các bé.

Điều khiến sư cô Uyên Liên vui nhất lúc này là cháu nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Giờ cơm trưa, lũ trẻ vây quanh các sư cô trong một căn phòng nhỏ hẹp. Nhìn các sư cô cần mẫn dỗ dành, đút cơm cho từng cháu, chúng tôi cảm nhận được tình thương của họ dành cho những đứa trẻ bất hạnh này.

Khi các bé đã ngon giấc cũng là lúc hai tay của các sư mỏi nhừ, chân tê cứng vì ngồi lâu. Nhìn chúng tôi, sư cô Uyên Liên bảo, dù vất vả nhưng trong chùa luôn rộn lên tiếng cười vô tư của trẻ nhỏ nên họ rất vui. Thương sư vất vả, sau giờ học, các bé lớn tuổi hơn còn biết phụ các sư cô việc vặt trong chùa và chăm sóc các bé sơ sinh.

Không mong an lạc cho mình

Trong lúc sư cô Uyên Liên trò chuyện với chúng tôi, hàng chục đứa trẻ mới bi bô tập nói, tập đi thay nhau sà vào lòng bà như muốn tìm hơi ấm của người mẹ. Thi thoảng vài giọt nước mắt hiếm hoi rơi trên gò má của bà, một người xuất gia và là mẹ của những đứa trẻ vô thừa nhận. Chính việc cảm nhận được tình thương giữa người với người đã giúp bà có được sự đồng cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của trẻ mồ côi và dành trọn tình thương yêu của mình cho chúng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sư cô Uyên Liên tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thu, quê ở tỉnh Nam Định. Bà sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là công chức nhà nước, với 6 anh, chị, em. Năm 1992, tốt nghiệp trung cấp y, bà vào TP.Hồ Chí Minh ở cùng chị gái. Lúc này gần nhà chị có ngôi chùa, chiều chiều bà hay ghé qua chơi, sau đó giác ngộ được các triết lý nhà Phật nên một lòng muốn quy y.

Gia đình lúc này một mực cấm cản. Nhưng với ý nguyện của mình, bà thuyết phục bố mẹ: “Con người ta không chỉ đem an lạc cho bản thân mà phải đồng cảm, sẻ chia với mọi người”. Sau đó, bà xuất gia tại Tịnh xá Ngọc Phương, ở TP.Hồ Chí Minh.

Năm 1997, bà về chùa Phổ Quang, TP.Quảng Ngãi. Phải 10 năm sau, được sự hỗ trợ của các sư thầy đi trước, các ni cô, phật tử nên ngôi chùa được xây dựng lại khang trang thế này và có điều kiện chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh.

Theo sư cô Uyên Liên, những ngày đầu tiếp nhận và nuôi nấng các bé vô vàn khó khăn. Nguồn trợ giúp có hạn, sư cô vừa lo từng giọt sữa cho những đứa trẻ sơ sinh, vừa chạy từng bữa cơm, tô cháo cho tụi nhỏ… để mong nuôi các con khôn lớn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có lòng hảo tâm đến thăm và chia sẻ về vật chất cũng như tinh thần để các sư cô chăm lo, nuôi dạy các bé.

Dù khá bận rộn nhưng đều đặn hàng tháng sư cô Uyên Liên vẫn tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh người già neo đơn, trẻ em mồ côi, hoạn nạn trong tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 5 năm nay, vào ngày rằm trong tháng vị trụ trì cùng các ni cô, phật tử nấu 2.000 hộp cơm chay để trợ giúp cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Hàng năm, sau các đợt lũ, sư cô Uyên Liên đều trực tiếp đến tận nơi bà con vùng bị thiệt hại để giúp đỡ. Mới đây, vị trụ trì này về xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành), xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) để hỗ trợ hàng trăm suất quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng với mong muốn giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước khi chia tay chúng tôi, sư cô Uyên Liên bộc bạch: “Tôi hiểu các bé sẽ có những khoảng trống nhất định trong tâm hồn mà tình thương của tôi không lấp đầy được. Dù vậy, tôi vẫn nguyện một lòng lo cho chúng đến khi nào tôi không còn đủ khả năng nữa. Tôi mong mỏi những bậc làm cha, làm mẹ nếu đã tạo ra một hài nhi thì đừng nhẫn tâm vứt bỏ mà hãy cho bé một mái ấm gia đình”.

Chùa Phổ Quang nằm tĩnh lặng trong một con hẻm nhỏ.

Chia tay mái ấm, chúng tôi thầm cảm ơn sư cô Uyên Liên cùng các cộng sự, cảm ơn lòng tốt của những người tử tế muôn phương đến đây chia sẻ vật chất để các sư cô có điều kiện chăm lo cho các bé. Và trên hết, có một sư cô đong đầy lòng yêu thương con trẻ, cứu giúp bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Nhiệt huyết thiện nguyện của sư cô Uyên Liên thắp lên một thông điệp, khi con người ta biết yêu thương và chia sẻ cho nhau thì họ có thể vượt qua mọi bất hạnh ở đời. Và đúng như ông bà ta thường nói: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/su-co-lam-me-cua-hang-chuc-dua-tre-328773.html