Sự cố Long An: Tận cùng của sự mục nát

Sự cố của Long An vào hôm qua có lẽ sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam lẫn thế giới. Thêm một lần V-League chứng minh sự… nghiệp dư không khác gì thời bao cấp của mình.

Đúng 20 năm trước cũng trên sân Thống Nhất, bóng đá Đông Nam Á và thế giới chứng kiến màn kịch hài hước bậc nhất lịch sử khi Thái Lan và Indonesia tranh nhau đá về lưới nhà. Mục đích là để không phải bay ra Hà Nội chạm trán chủ nhà Việt Nam. Đó là vết nhơ mà đến tận bây giờ vẫn chưa gột tẩy được. Thế nhưng chúng ta không nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, mà lại vẫn mắc một sai lầm thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì phản đối trọng tài Trọng Thư, CLB Long An đã đứng im trong ít phút cuối để mặc cho TP HCM ghi 3 bàn và giành chiến thắng 5-2. Một hình ảnh rất phi thể thao lập tức được truyền thông thế giới đưa tin.

Vậy là sau 1 đêm, cả thế giới biết về V-League, biết về bóng đá Việt Nam, tệ hơn khi đó lại là tiếng xấu về thứ bóng đá tự phát, nghiệp dư đột lốt chuyên nghiệp. Vấn đề đầu tiên và đáng trách nhất chính là Long An và lãnh đạo đội bóng này. Khi trọng tài cắt còi, dù đó là hành động đúng hay sai thì vẫn phải tôn trọng. Khi CLB cảm thấy thiếu sự công tâm trong cách cầm còi, họ có thể làm đơn kiện lên BTC, VPF, VFF sau trận đấu làm sáng tỏ. Quan trọng hơn NHM, truyền thông sẽ là những người phân xử công bằng nhất. Nhưng hành động các cầu thủ đứng im, thủ môn Minh Nhựt “diễn trò” trong 3 bàn thua cuối cùng là không thể chấp nhận. Đó là thứ bóng đá tự phát, bóng đá phong trào không thể đem vào V-League được.

Minh Nhựt và Long An đã mắc lỗi lầm lớn nhưng trọng tài cũng không hẳn đã trong sạch

Có ba lý do dẫn tới phản ứng như một trò hề của CLB Long An. Đầu tiên là bản thân các cầu thủ không được giáo dục đầy đủ, họ đã quá “nhờn” với việc phản ứng lại trọng tài, điều rất cấm kỵ trong thể thao. Thứ hai là tư duy bóng đá thời bao cấp vẫn còn ăn sâu và suy nghĩ của các cầu thủ, HLV. Đó là kiểu phản ứng bỏ ra ngoài để phản đối trọng tài. Nhưng trước kia từng có một án phạt nặng cho đội bỏ trận đấu. Vậy là các học trò của HLV Ngô Quang Sang vẫn vào sân nhưng không thi đấu. Thứ ba và có lẽ quan trọng nhất, ngay cả lãnh đội cũng không hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp. Ai chứng kiến trận đấu cũng thấy chủ tịch CLB, BHL là những người phản ứng gay gắt hơn cả cầu thủ. Nếu họ bình tĩnh, khuyên giải các cầu thủ tiếp tục chiến đấu thì liệu họ có dám chống đối? Chắc chắn là không.

Tất cả những phản ứng của Long An bắt nguồn từ thói quen phản ứng các vua áo đen. Mọi thứ trở nên cao trào khi những tiếng còi Trọng Thư dần dần gây ức chế cho đội khách. Trước khi thổi quả 11m gây tranh cãi cuối trận, con trai của ông Trưởng ban trọng tài cũng đã cho TP HCM hưởng 1 quả phạt đền khác trong hiệp 1. Công nhận bàn thắng thứ 2 của chủ nhà dù Dyachenko đã chạm tay vào bóng trước khi kiến tạo cho Victor ghi bàn. Ngoài ra, Long An cũng bị từ chối một bàn thắng của Phan Tấn Tài. Hãy cùng phân tích những pha bóng gây tranh cãi trong trận này để xem ai đúng, ai sai.

Cả cầu thủ lẫn lãnh đội Long An đều đáng trách

Đầu tiên là quả 11m cuối trận, nút thắt khiến cầu thủ Long An không còn muốn thi đấu. Từ quả tạt bóng của Thanh Bình, Dyachenko lao vào đánh đầu theo bài nhưng bị Hoàng Lâm cản lại. Đúng là đã có tác động của trung vệ Long An và trọng tài Thư không sai khi thổi phạt lỗi cản người không bóng của số 60. Cầu thủ đội khách phản ứng vì tình huống này không liên quan đến diễn biến trận đấu bởi đường tạt bóng quá sâu đến thẳng vị trí bắt của Minh Nhựt. Còn va chạm của Dyachenko và Hoàng Lâm thì hoàn toàn nằm ngoài đường đi của trái bóng.

Quả phạt đền đầu tiên của TP HCM và bàn thắng không được công nhận của Long An cũng rơi vào trạng thái “50/50”. Tức là trọng tài thổi cũng được, không thổi cũng được. Ở pha đầu tiên, bóng đã đập đùi trước khi văng vào tay trung vệ Nam Anh. Điều đáng nói là cầu thủ này đã khép tay hết cỡ nhưng vì bóng đập mạnh nên tay của anh cũng văng ra theo. Pha công nhận bàn thắng nâng tỷ số 2-1 của Victor cũng đúng vì Dyachenko không cố tình dùng tay chơi bóng. Còn bàn thắng bị cho là việt vị của Phan Tấn Tài cần phải có băng hình chính xác thì mới khẳng định được ai đúng ai sai. Tuy nhiên điều “trùng hợp” là mọi quyết định của ông Thư đều có lợi cho đội chủ nhà TP HCM ở những pha bóng quan trọng nhất. Đó mới là gốc rễ của vấn đề mà bất cứ ai cũng ai cũng phải nghĩ đến chuyện “tư tưởng”. Giả dụ, Long An là chủ nhà và giàu có hơn TP HCM thì có thể những tình huống trên sẽ có kết quả ngược lại…

Tất cả quyết định gây tranh cãi của trọng tài đều có lợi cho chủ nhà, liệu có "trùng hợp"?

Sự cố Long An trên sân Thống Nhất đã phơi bày những vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam vài chục năm nay. Đáng xấu hổ hơn khi nó đã được cả thế giới biết đến. Việc các CLB, cầu thủ phản ứng trọng tài là nghiệp dư và đó là lỗ hổng văn hóa của các cầu thủ, thậm chí là HLV, lãnh đội. Thế nhưng trọng tài cũng không thể vô can trong việc này. Nếu các vua áo đen thật sự trong sạch, công tâm thì có lẽ thầy trò HLV Quang Sang không đến mức “tức nước vỡ bờ” như thế. Scandal tại sân Thống Nhất là bài học quá lớn mà Ban trọng tài, BTC, cao hơn là VPF và nhất là VFF phải thật sự nhìn lại mình để chỉnh đốn, thậm chí là sẵn sàng đập đi làm lại.

Cần có một án phạt nặng cho Long An, cho thủ môn Minh Nhựt, cần xem xét tư tưởng của tổ trọng tài. Cao hơn một chút là cần có một cuộc đại phẫu của nền bóng đá để không còn những hình ảnh phản cảm, cầu thủ phản ứng, những cú phốt trọng tài diễn ra nhan nhản hàng tuần tại V-League nữa…

Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)

Nguồn Bóng Đá 24H: http://www.bongda24h.vn/bong-da-viet-nam/su-co-long-an-tan-cung-cua-su-muc-nat-168-154425.html