Sự đáp trả của New Delhi trên Biển Đông

Ấn Độ đã có câu trả lời trên thực tế khi liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận hải quân với nhiều quốc gia liên quan trên Biển Đông bất chấp những cảnh báo và đe dọa từ Trung Quốc.

Các sỹ quan hải quân cùng tàu chiến của Ấn Độ và Singapore tham gia cuộc tập trận SIMBEX trên Biển Đông

Hải quân hai nước Ấn Độ và Singapore đang tiến hành cuộc tập trận 7 ngày trên Biển Đông, bắt đầu từ ngày 18-5. Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân hai nước ở vùng biển chiến lược đang có nhiều căng thẳng xuất phát từ những hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm đòi hỏi chủ quyền phi lý theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Tham gia tập trận song phương trên biển Singapore - Ấn Độ (SIMBEX) có 4 tàu chiến hiện đại của Hải quân Ấn Độ cùng máy bay săn ngầm tầm xa P-8I. Về phía Hải quân Singapore là một số tàu chiến cùng với máy bay tuần tra biển Fokker F50 và máy bay chiến đấu F-16.

Bắt đầu từ năm 1994, SIMBEX là cuộc tập trận thường niên giữa lực lượng Hải quân hai nước Ấn Độ và Singapore trên Biển Đông nhằm góp phần tăng cường sự hợp tác cũng như năng lực của hải quân hai quốc gia châu Á này. Thế nên, khá ngạc nhiên khi Trung Quốc lại tỏ ra “đứng ngồi không yên” trước tập trận hải quân vốn là cuộc tập trận thường niên giữa Ấn Độ và Singapore mà tính đến nay đã qua 24 lần tổ chức liên tục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc với “ngôn ngữ ngoại giao” tỏ ra khá mềm mỏng khi chỉ “lưu ý” rằng, “những hoạt động đó không nên làm phương hại lợi ích của những nước khác”. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại tức tối ra mặt với cuộc tập trận giữa hải quân hai nước Ấn Độ và Singapore, một cuộc tập trận chung vốn rất bình thường giữa quân đội quốc gia ở khu vực cũng như trên thế giới.

“Đăng đàn” trên tờ Thời báo Hoàn cầu có tiếng “diều hâu”, chuyên gia quân sự Trung Quốc, ông Tống Trung Bình, cho rằng việc Ấn Độ tham gia tập trận với hải quân quốc gia khu vực ở Biển Đông là một sự “khiêu khích Trung Quốc” trong tranh chấp trên vùng biển này. Ông Tiền Phong, một chuyên gia về các vấn đề khu vực của Trung Quốc, lại cho rằng các hoạt động của Ấn Độ tại Đông Nam Á là một sự đầu tư về chính trị.

Việc Trung Quốc có những động thái cảnh báo và đe dọa trước các hoạt động của Ấn Độ ở Biển Đông, theo giới phân tích, là nhằm gạt cường quốc khu vực này khỏi cuộc tranh chấp hiện nay trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã có những hành xử tương tự với các cường quốc thế giới và khu vực khác trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản hay Australia.

Trung Quốc cùng với những hành động hung hăng và gây hấn nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý đã liên tục yêu cầu các cường quốc phải đứng ngoài cuộc tranh chấp mà Bắc Kinh cho là “chuyện nội bộ” giữa họ với các nước liên quan.

Trong khi đó, ai cũng thấy rất rõ các nước liên quan đều không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh quân sự trong cuộc tranh chấp này. Hơn nữa, Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực mà còn là vấn đề quan trọng với cả thế giới vì đây con đường huyết mạch của vận tải biển cũng như kinh tế toàn cầu.

Là một cường quốc khu vực cũng đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ có những lợi ích liên quan mật thiết với tự do và an toàn hàng hải, hàng không cũng như vấn đề an ninh tại Biển Đông. Bởi vậy, sau SIMBEX, Ấn Độ sẽ tiếp tục có các cuộc tập trận hải quân với với Indonesia, Papua New Guinea và Australia như một cách đáp trả Trung Quốc.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/su-dap-tra-cua-new-delhi-tren-bien-dong/728857.antd