Sử dụng tivi để kinh doanh và lẽ đời 'ăn bánh phải trả tiền!'

Những tranh cãi xung quanh việc thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi tại khách sạn có vẻ như bất tận, khi mà quan điểm giữa các bên liên quan “đối chọi” nhau về cách hiểu, thực thi luật và thông lệ xưa nay.

Phó chủ tịch phụ trách hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, bà Dương Thị Thơ, hôm 13/9 giải thích việc phản đối thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi với lý do, họ đã đóng tiền truyền hình cáp cho Đài, bây giờ tiếp tục thu là “phí chồng phí”. Và tivi chỉ là một dịch vụ hỗ trợ, miễn phí đối với khách thuê, không có tác dụng tăng thêm giá trị phòng.

Tựu trung, các chủ khách sạn phản đối đóng tác quyền vì lý do khách đến nghỉ chưa chắc đã mở tivi để nghe nhạc, họ không sử dụng âm nhạc trong kinh doanh khách sạn để phải trả tác quyền, việc thu tác quyền khi mở tivi là vô lý, và họ dùng truyền hình cáp, đã thanh toán thuê bao hàng tháng, không có lý gì phải trả thêm khoản tiền khác.

Những lý lẽ này có ổn không?

Trước nhất, cần hiểu về những cơ sở của việc trả tiền bản quyền tác giả. Nguyên tắc xuyên suốt của nó là người sử dụng, người kinh doanh tác phẩm phải trả tiền bản quyền tác giả cho tác giả, giống như thông lệ trong đời sống “ăn bánh thì phải trả tiền”.

Khách sạn trả phí tác quyền âm nhạc qua tivi không hề có chuyện “phí chồng phí”.

Việc trả một số tiền cho các kênh có thu tiền của đài truyền hình để xem và nghe nội dung, thì đồng nghĩa trong số tiền đó đã có tiền tác quyền. Còn việc gửi tiền tác quyền cho tác giả là việc của nhà Đài. Nên những người dân mở tivi xem các kênh có thu tiền tại nhà, thì thực ra đã trả tiền bản quyền thông qua đài truyền hình, bởi “không có bữa ăn nào là miễn phí” cả.

Còn việc thu tiền tác quyền âm nhạc từ các cơ sở kinh doanh khách sạn là vì, ngoài việc đã trả tiền bản quyền thông qua đài truyền hình, khách sạn không “chỉ dùng để xem” mà còn dùng tivi phát các chương trình của đài truyền hình để kinh doanh, có mục đích thương mại, như là nhạc phát ở sảnh, quán bar, sàn diễn trong khách sạn, ở những chương trình tivi có phát nhạc (có nghĩa là âm nhạc trên tivi đã được các chủ khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh, có tác dụng tăng thêm tiện ích, giá trị cho phòng, cho khách sạn).

Nên có thể coi việc thu tiền tác quyền khách sạn ở đây là “thứ cấp” (trong khái niệm “nhượng quyền thứ cấp” và tương đương việc cá nhân, tổ chức dùng tivi phát để kinh doanh những trận đấu bóng đá mà kênh truyền hình đã mua bản quyền trận đấu) và tất yếu. Vì vậy, không hề có chuyện “phí chồng phí”, bởi chúng là những khoản thu khác nhau.

Ví dụ khách nghỉ tại khách sạn không chủ động sử dụng dịch vụ, tức là không bật hay xem tivi, thì khoản phí này thực ra vẫn nằm trong tiền phòng “trọn gói” mà khách sạn đã thu của họ. Hãy hình dung các phòng khách sạn không có tivi(!).

Vấn đề ở đây - việc thu tiền tác quyền ở những nơi sử dụng nội dung chương trình tivi phát qua hệ thống truyền hình cáp (có thu tiền) là mang mục đích kinh doanh, là đúng đối tượng, đúng việc.

Bởi vậy, với những cơ sở sử dụng các kênh truyền hình có thu tiền trên tivi để kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, thì trả tiền tác quyền âm nhạc là tất yếu – một nguyên tắc sòng phẳng đương nhiên phải có theo luật, theo lẽ đời “ăn bánh thì phải trả tiền”!

Nguyễn Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/su-dung-tivi-de-kinh-doanh-va-le-doi-an-banh-phai-tra-tien--a339265.html