Sứ giả Trump định hình liên minh xuyên Đại Tây Dương trong một tuần?

Đây là một tuần lớn cho mối quan hệ Mỹ-châu Âu. Trong vòng bảy ngày, các sứ giả của Trump sẽ tới châu Âu có thể (hoặc không) mang theo thông điệp đoàn kết và lãnh đạo.

Ông Jim Mattis sẽ khởi hành đầu tiên, lần đầu tiên tham gia họp kín cùng với các bộ trưởng quốc phòng NATO. Sau đó, Mattis sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên của liên minh chống IS – với sự tham dự của hầu khắp các bộ trưởng quốc phòng từ khắp châu Âu và Trung Đông. Các nước đối tác sẽ muốn biết về kế hoạch của Mỹ đối với an ninh châu Âu cũng như trong cuộc chiến đánh bại IS.

Các đối tác không quá quen với Mattis sẽ được tiếp xúc với cách làm việc cũng như lập trường của ông. Trước đó, ông Mattis được cho là hiểu rõ về mặt quân sự, tuy nhiên chưa biết ông có làm tốt trên cương vị một chính trị gia hay không, đồng thời, liệu ông có thể trấn an các quốc gia trong liên minh Hồi giáo trong bối cảnh chính quyền Mỹ đương nhiệm dường như đang hết sức cứng rắn với đạo Hồi. Và nhiều người sẽ muốn biết chính xác điều chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch với Nga về Syria.

Tuy nhiên, sự kiện quan trọng nhất có lẽ là Hội nghị an ninh Munich thường niên vào ngày thứ 6 – sự kiện Phó Tổng thống Mỹ Pence sẽ dẫn đầu một đội nhân sự trong chính quyền Trump tham gia. Ông Pence cần đưa ra một thông điệp gì đó khác hơn là một lời kêu gọi chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Châu Âu muốn biết mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chính quyền Mỹ muốn theo đuổi và tin tưởng là gì. Sau Munich, ông Pence sẽ lên đường tới Brussels gặp gỡ các quan chức NATO và EU. Sự hiện diện của ông tại Munich sẽ xác định liệu chuyến thăm mở màn của ông tới Brussels có mở ra cơ hội nào hay không?

Hai thành viên cốt cán trong nội các của Trump sắp đưa ra thông điệp định hình quan hệ Mỹ - châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Đâu là sẽ trọng tâm chính của các hoạt động này?

Tại NATO, ông Mattis có một công việc dễ dàng, dù Trump (hay bất cứ ai chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại trong Nhà Trắng) sẽ cho phép Mattis được là Mattis. Đây sẽ là lần đầu tiên hầu hết các đồng minh sẽ nghe từ một thành viên nội các Trump về điều chính quyền Mỹ thực sự nghĩ về châu Âu, quan hệ Mỹ với Nga và tương lai của việc triển khai quân Mỹ luân phiên tới châu Âu.

Và không chỉ là một thành viên nội các bất kỳ, tướng Jim Mattis trước đó đã “nổi tiếng”và đáng tin cậy tại NATO. Do đó, điều ông nói sẽ được coi như một thông điệp chính thức. Ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tại NATO, trấn an các đồng minh bị dao động và đưa liên minh tiến về phía trước. Hoặc ông có thể khiến tất cả mọi người ngạc nhiên khi đưa ra một tầm nhìn mới cho quan hệ Hoa Kỳ-Châu Âu – điều thậm chí còn gây tiếng vang hơn cả những tuyên bố của Trump. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là ông chỉ đưa ra những thông điệp bề nổi như "một châu Âu nhất thể, tự do và hòa bình" hoặc "NATO là liên minh vĩ đại nhất trong lịch sử." Những thông điệp này chỉ có hiệu quả khi Mỹ hành động mạnh mẽ hơn những lời nói của mình. Tuy nhiên, điều này không tương đồng với diễn biến hiện nay.

Bên canh đó, sự hiện diện của Mattis tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ phải giải quyết vấn đề đầu tiên là Nga – có phải là một mối đe dọa hay không? Trong khi thông tin về quan hệ Mỹ - Nga đang rất hỗn loạn thì việc một quan chức đáng tin cậy trong nội các Mỹ đưa ra thông điệp về vấn đề này là một điều cần thiết.

Một nội dung nữa ông Mattis chắc chắn sẽ đề cập tới là vấn đề ngân sách quốc phòng. Trong khi yêu cầu các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, ông Mattis cũng phải đưa ra trước các đồng minh một tầm nhìn cho NATO trong tương lai. Nếu các đồng minh chi tiêu nhiều hơn, họ cần phải biết nơi nguồn đầu tư họ sẽ đổ vào.

Cuối cùng, tuyên bố của Trump về việc NATO lỗi thời và ý định của ông ấy về chống khủng bố có ý nghĩa ra sao? Trong tất cả các tổ chức quốc tế, NATO đã nhiều lần thành công thích nghi và phát triển trước nhiều biến động kể từ Chiến tranh Lạnh, thậm chí đã tăng cường vai trò của mình trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ 11/9.

NATO chắc chắn cần làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, tuy nhiên, hầu hết các đồng minh (bao gồm Hoa Kỳ) đều đang xem việc chống khủng bố là vấn đề trong nước. Đó là lý do tại sao nhiều thành viên châu Âu muốn đề cập tới hợp tác chống khủng bố giữa Mỹ và EU.

Tuy nhiên, một câu hỏi công bằng cần đặt ra là tại sao NATO không nhận được một vai trò lớn hơn trong việc dẫn đầu liên minh chống IS? Hiện tại khi Mỹ đã có một khởi đầu thành công (với sự giúp đỡ của Pháp, Đan Mạch và Anh cùng nhiều quốc gia khác trong việc xây dựng liên minh), tại sao không trao cho NATO quyền dẫn dắt tiến trình này.

Vai trò của Phó Tổng thống Pence

Khi dồn sự chú ý về Hội nghị an ninh Munich, ông Pence có một công việc lớn là giải thích một cách đáng tin cậy điều ông Trump nghĩ về châu Âu, NATO và EU. Liệu ông có gia tăng thêm áp lực và đề nghị EU giải tán, hoặc ông sẽ cho thấy khoảng cách khác biệt về lập trường với nhà lãnh đạo của mình? Theo Foreign Policy, ông sẽ cần phải trấn an châu Âu rằng hai bên tiếp tục chia sẻ các giá trị tương đồng và không xa rời đồng minh và đối tác. Ông cũng sẽ cần đề cập tới mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, về tương lai của các lệnh trừng phạt và hoạt động triển khai quân đội Mỹ ... ngay cả khi có sự tham dự của Nga tại sự kiện này.

Về nhập cư, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn, ông Pence cần truyền đạt rằng mọi việc không phức tạp như tưởng tượng và hai bên cần phối hợp hành động với nhau. Tuy nhiên, trong khi sự căng thẳng về sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh của ông Trump còn chưa lắng, ông Pence sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi về vấn đề này.

Điểm dừng cuối của ông Pence là Brussels – nơi dường như ông Trump và nhà lãnh đạo Brexit Nigel Farage – những người đi theo chủ nghĩa bảo hộ và dân túy sẽ bỏ qua. Thay vì hội đàm với các quan chức EU, ông Pence có thể muốn nghe và học hỏi về hai thiết chế, NATO và EU – điều chính quyền Mỹ dường như chưa thực sự hiểu rõ, tờ Foreign Policy nhận định.

Ông Pence nên hỏi các nhà lãnh đạo EU về quan điểm đối với các lệnh trừng phạt, tác động của chúng đến nay, thách thức để gia hạn hay những rủi ro khi dỡ bỏ chúng. Nếu ông muốn tìm chủ đề thảo luận, ông Pence nên nói về những giá trị chung hai bên cùng chia sẻ, những hoạt động hai bên cùng chung tay để chống lại chủ nghĩa khủng bố, cải thiện thương mại và tăng cường sức mạnh răn đe.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, ông nên nhận thức rõ rằng hai bên cần khôi phục lòng tin xuyên Đại Tây Dương – điều đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Mỹ nghi ngờ tính nhất thể của EU.

Và dù ông Pence và Mattis có tập trung vào việc củng cố niềm tin cho mối quan hệ đồng minh thân cận nhất của Mỹ hay không, người châu Âu vẫn sẽ đặt câu hỏi về điều bản thân ông Trump tin tưởng và liệu ông ấy có đi theo những ý tưởng họ nghe được (từ Pence và Mattis) trong tuần này. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải chờ đợi đến Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 5 tới để làm rõ.

(Theo Foreign Policy)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/su-gia-trump-dinh-hinh-lien-minh-xuyen-dai-tay-duong-trong-mot-tuan-228470.html