Sự khốc liệt đằng sau những con số hàng tỉ

Những số liệu nghiên cứu được các hãng đưa ra trong khuôn khổ Đại hội Viễn thông Thế giới 2008 (Mobile World Congress - MWC 2008) tháng trước ở Barcelona, Tây Ban Nha, cho thấy toàn thế giới hiện đã có khoảng 3,3 tỉ thuê bao di động.

sk77 Số thiết bị di động (TBDĐ) xuất xưởng hàng năm đã vượt ngưỡng 1 tỉ chiếc và đang liên tục tăng. Tuy nhiên, đằng sau những con số khổng lồ này là cả một thế giới cạnh tranh khốc liệt. Giành giật thị phần Thị trường TBDĐ toàn cầu hiện do 5 công ty thống trị: Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson, và LG; tổng cộng chiếm hơn 80% thị phần. Mặc dù đây là một thị trường có sự phát triển vô cùng hấp dẫn, với nhu cầu của người dùng dường như vô hạn, nhưng thực tế là những đối thủ chính nói trên ngày càng phải chạy đua gắt gao và giành giật nhau từng chút một để tồn tại. Ngay như việc Chủ tịch Sony Ericsson, ông Hideki Komiyama, tuyên bố tại MWC 2008 rằng hãng này hạ quyết tâm vươn từ vị trí thứ tư lên thứ ba, nghe thì đơn giản nhưng phải là sự hội tụ của rất nhiều chiến lược, kế hoạch lớn và phải mất ít nhất 3 năm. Song mặt khác, nếu như một trong những đại gia này tự "xảy chân" thì việc mất vị trí cũng có thể trở nên rất dễ dàng. Chính Motorola, hiện đang ở vị trí thứ ba, đã vừa bị Samsung đẩy xuống vị trí này để giành ngôi á quân sau Nokia. Theo số liệu quý III/2007 do Hãng Gartner công bố thì Samsung đã chiếm 14,5% thị phần so với 13,1% của Motorola. Nokia vẫn vững chắc với 38,1% thị phần, còn Sony Ericsson chiếm 8,8%. Năm 2006, số TBDĐ xuất xưởng trên thế giới là 974,7 triệu chiếc. Tới năm 2007, con số này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỉ, lên 1,1055 tỉ. Mặc dù tỉ lệ tăng trưởng hàng năm đang chậm lại, nhưng con số TBDĐ xuất xưởng thực tế thì vẫn ngày càng tăng, dự kiến tăng lên 1,452 tỉ vào năm 2012. Tuy nhiên, việc kiếm lời từ số lượng sản phẩm bán ra khổng lồ này không phải đơn giản. Ở những thị trường đang phát triển, nhân tố chính thúc đẩy số TBDĐ bán ra là các mẫu máy rẻ tiền, tính năng đơn giản, dành cho những người mới sử dụng, do đó mang lại ít lợi nhuận. Doanh số ở những thị trường phát triển lại chủ yếu dựa vào tốc độ thay đổi máy của người dùng, vì vậy đòi hỏi sự sáng tạo, thay đổi mẫu mã, thiết kế vô cùng nhanh chóng và phong phú. Xu hướng tích hợp thêm nhiều tính năng vào các TBDĐ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai gần. Trong thời gian qua, khá nhiều người đã dùng chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) để thay thế cho máy ảnh số, máy nghe nhạc MP3... và các nhà sản xuất TBDĐ sẽ phải tiếp tục nghĩ ra cách "lấn sân" sang các sản phẩm khác, chẳng hạn như thiết bị định vị vệ tinh (GPS), để tiếp tục tăng trưởng doanh số. Không ngừng đa dạng hóa Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng hơn 1/3 số ĐTDĐ bán ra trong năm 2007 có tích hợp tính năng xem video và gần ẳ có tính năng chơi nhạc. Tới năm 2012, số ĐTDĐ chơi nhạc xuất xưởng sẽ tăng lên hơn 1 tỉ, chiếm hơn 70% số ĐTDĐ bán ra trên toàn thế giới. Trong mảng thị trường này, Sony Ericsson được đánh giá là đang có những bước tiến mạnh mẽ. Thừa hưởng sự thành công của dòng máy nghe nhạc cá nhân Sony Walkman từ thế kỷ trước, Sony Ericsson ngày nay đã bán được tới 57 chiếc ĐTDĐ nghe nhạc Walkman, trở thành một trong những sức mạnh quan trọng đằng sau sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí di động. Ngay trước MWC 2008, Sony Ericsson tung ra mẫu máy đầu tiên - X1, của dòng máy mới có tên XPERIA, với mục tiêu lấp khoảng trống giữa các nhu cầu công việc và giải trí, để người dùng không cần phải mang hai máy khác nhau cho hai nhu cầu khác nhau. Điều gây ngạc nhiên lớn nhất là mẫu máy này sử dụng hệ điều hành Windows Mobile 6.0, thay vì hệ điều hành Symbian mà hãng này vốn sử dụng đồng bộ từ trước đến nay. Sony Ericsson cũng như các đối thủ khác trong "nhóm 5" buộc phải đa dạng hóa và không ngừng sáng tạo, bởi không những sự cạnh tranh giữa họ ngày càng gắt gao, mà họ còn chịu áp lực gia tăng từ các đối thủ khác. Ngay tại MWC 2008, Toshiba lần đầu tiên thể hiện rầm rộ tham vọng tấn công thị trường TBDĐ thông qua việc giới thiệu một loại thiết bị mới, thừa hưởng những ưu thế của máy tính xách tay Toshiba, đồng thời tích hợp thêm các tính năng của điện thoại, trong những thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt. BlackBerry công khai kế hoạch đưa những tính năng độc đáo của mình xâm nhập những ngành nghề đặc biệt như y tế, luật, xây dựng... O2 công bố kế hoạch phát triển những giải pháp liên lạc tiên tiến để hỗ trợ tính năng thoại truyền thống...

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29685-su-khoc-liet-dang-sau-nhung-con-so-hang-ti