Sự kiện trong nước 22-28/5: Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo tăng GDP 6,7%

Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và các hiệp hội Việt Nam chính thức nói "không" với gỗ bất hợp pháp và là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng: Bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Chiều tối 22/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017 và trong Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng 22/5, Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.

Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 10,5%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng: Bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Việt Nam phản đối việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa

Ngày 26/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”./.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam phản đối việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Ngày 22/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật: xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Trong số các dự án luật Quốc hội xem xét thông qua, có một số dự án luật quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Quy hoạch...

Cùng với đó, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội sẽ thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Lễ khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Xem thêm: Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 10,4% trong 5 tháng đầu năm nay

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm nay với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/5/2017, cả nước có 939 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ và 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ.

Ước tính đến ngày 20/5/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại công ty LG Electronics Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Xem thêm: Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 10,4% trong 5 tháng đầu năm nay

Đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu

Tại phiên làm việc của Quốc hội chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”(VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không cần cấp phép phổ biến bài hát đã quen thuộc

Trước việc Cục Nghệ thuật biểu diễn rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phố biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử, gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn./.

Lời bài hát 'Như có Bác trong ngày vui đại thắng.'

Xem thêm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không cần cấp phép phổ biến bài hát đã quen thuộc

Nhật Bản ra quyết định khởi tố nghi phạm sát hại bé gái Việt Nam

Các công tố viên Nhật Bản ngày 26/5 đã ra quyết định khởi tố nghi phạm Yasumasa Shibuya về việc sát hại bé gái người Việt tên là Lê Thị Nhật Linh, tại tỉnh Chiba, hồi tháng 3 vừa qua.

Người đàn ông 46 tuổi này còn bị buộc các tội danh khác, như bỏ lại thi thể của nạn nhân.

Quyết định của các công tố viên được đưa ra dựa trên bằng chứng, trong đó có mẫu DNA lấy từ thi thể nạn nhân trùng khớp với nghi phạm Shibuya và tóc được tìm thấy trên xe ôtô của nghi phạm trùng với mẫu DNA của nạn nhân.

Các kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bé gái dường như bị sát hại không lâu sau khi bị bắt cóc./.

Nghi phạm Yasumasa Shibuya. (Nguồn: The Japan News/ TTXVN)

Xem thêm: Nhật Bản ra quyết định khởi tố nghi phạm sát hại bé gái Việt Nam

Yêu cầu kiểm tra phương án thí điểm vượt qua “Bức tường Việt Nam”

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/5 cho biết, Bộ đã có văn bản số 2108/BVHTTDL-DSVH đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế ảnh hưởng của việc thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng.

Công văn cũng nêu rõ: Nếu việc thí điểm này có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa chất động Sơn Đoòng như báo chí phản ánh Quảng Bình phải yêu cầu tạm dừng thi công; đồng thời khẩn trương báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc này.

Động Sơn Đoòng rộng 150m, cao 200m, dài gần 9km được phát hiện vào năm 2009 là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam, gần biên giới Việt Nam-Lào.

Đặc biệt, gần cuối động có một kỳ quan cực kỳ quý hiếm được đặt tên là “Bức tường Việt Nam” (The Great wall of Viet Nam) cao 90m, được cấu tạo bởi nhũ đá, có tuổi đời ước đến hàng triệu năm, được các chuyên gia hang động đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Phía sau bức tường là đoạn hang dài 600m và có lối ra cửa sau. Nếu khai thác du lịch xuyên động bằng cách lắp thang, leo dây vượt qua “Bức tường Việt Nam,” sẽ có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất động Sơn Đoòng.

Hang Sơn Đoòng - một trong những báu vật của du lịch Việt Nam. (Nguồn: Ryan Deboodt)

Xem thêm: Yêu cầu kiểm tra phương án thí điểm vượt qua “Bức tường Việt Nam”

Cụm công trình Hải Vân Quan đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia

Ngày 24/5, tại địa điểm di tích Hải Vân Quan, tỉnh Thừa Thiên -Huế và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Hải Vân Quan, theo Quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Công trình Hải Vân Quan được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7-1826).

Nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…

Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Xem thêm: Cụm công trình Hải Vân Quan đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia

Các hiệp hội Việt Nam chính thức nói "không" với gỗ bất hợp pháp

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đồng thời ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp.

Sự kiện này diễn ra tại cuộc hội thảo "Ngành Gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp" diễn ra chiều 26/5 tại Hà Nội cùng sự phối hợp của tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ).

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Forest Trends phân tích, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã và đang giữ một vị trí quan trọng trên bản đồ các nước cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Thương hiệu gỗ Việt đã dần được hình thành và phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy mở rộng thị trường.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 7 tỉ USD. Đây là trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tại nhiều thị trường, trong đó Hoa Kỳ và EU là 2 trong số các thị trường quan trọng nhất.

Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Đồng Nai). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Xem thêm: Các hiệp hội Việt Nam chính thức nói "không" với gỗ bất hợp pháp

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/su-kien-trong-nuoc-22285-thu-tuong-chi-dao-dam-bao-tang-gdp-67/448442.vnp