Sứ mệnh của người viết trẻ

Hội nghị những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ tư đã khai mạc vào ngày 21-6. Sau 5 năm, các cây bút trẻ của thành phố lại có dịp gặp gỡ, trao đổi về 'sứ mệnh' của mình trước cuộc sống hôm nay như chính chủ đề của hội nghị lần này.

Những tác giả trẻ tiêu biểu của thành phố trong 5 năm qua (theo độ tuổi quy định là sinh năm 1980 trở về sau) góp mặt khá đầy đủ tại hội nghị. Có những cây bút đã xuất hiện hơn 10 năm trước vẫn còn giữ “phong độ” sáng tác. Có tác giả được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây. Có cả những cây bút trẻ vừa mới bắt đầu con đường văn chương.

Trong số đại biểu, nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt thuộc vào nhóm tác giả lớn tuổi nhất. Từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Phong Việt đã trở thành một “hiện tượng” khi mỗi tập thơ của anh đều được phát hành với số lượng rất lớn. Lặng lẽ hơn, nhưng các tập truyện ngắn của tác giả trẻ Trần Minh Hợp (sinh năm 1988) vẫn luôn được các nhà văn đi trước đánh giá cao. Anh cũng là tác giả đầu tiên nhận giải thưởng tác giả trẻ của Hội Nhà văn thành phố. Nguyễn Trần Khải Duy, Châu Ngọc Hoài Nhân,... là những tác giả ở tuổi đôi mươi vừa được chú ý qua các cuộc thi văn học.

Điểm mới ở hội nghị lần này là Ban tổ chức đã mở rộng danh sách đại biểu chính thức khi mời 25 tác giả trẻ ở khu vực Nam Bộ cùng dự. Tác giả trẻ Lê Quang Trạng (An Giang) cho biết, anh rất bất ngờ và phấn khởi khi trở thành đại biểu đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ thành phố lần thứ tư. Chuyến đi này sẽ giúp anh hiểu thêm về tâm tư của người viết trẻ và người đọc thành phố.

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức hội nghị chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho các cây bút trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu, qua đó có cái nhìn toàn diện hơn về đội ngũ sáng tác trẻ của thành phố. Sự có mặt của các tác giả trẻ ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ tạo thêm động lực, tăng thêm sự gắn kết văn học trong khu vực mà TP Hồ Chí Minh là trung tâm”.

Theo tác giả trẻ Thục Linh, một số tác phẩm của các nhà văn trẻ phát hành số lượng lớn, hay tái bản nhiều lần là tín hiệu đáng mừng. Anh cho rằng, cho dù có những tác giả, tác phẩm như những ngôi sao lóe sáng chỉ một thời gian ngắn thì cũng đáng trân trọng, vì “họ là những người dũng cảm, đã chọn con đường khó nhất để nổi tiếng là viết lách và quan trọng hơn, giữ nhịp đọc cho người đọc hôm nay”.

Cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang quan niệm, nhà văn tạo ra tác phẩm, đồng thời cũng tạo ra độc giả. Đối với những người mới bắt đầu công việc sáng tác, hãy đi đến cùng con đường mình đã chọn thì sẽ gặp những tâm hồn đồng điệu.

Trong khi đó, nhiều cây bút trẻ lại lo lắng cho mảng văn học thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức. Nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân nhìn nhận, văn học thiếu nhi là mảnh đất chưa được khai phá. Để người viết trẻ gặt hái thành công trên mảnh đất màu mỡ này đòi hỏi họ phải hiểu bạn đọc trẻ cần gì, phải hiểu được tâm lý của trẻ.

Cây bút Nguyễn Trần Thiên Lộc cho rằng, vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm thiếu nhi hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò, trí tưởng tượng, khuyến khích tư duy sáng tạo của trẻ. “Những người viết trẻ đừng đổ lỗi cho độc giả trong khi chúng ta chưa làm hết khả năng của mình. Chúng ta viết ra những tác phẩm hay, chăm chút tinh thần cho độc giả thật tốt thì bạn đọc nhỏ tuổi sẽ tìm đến sách nhiều hơn”, cây bút Nguyễn Trần Thiên Lộc chia sẻ.

Một vấn đề nữa được các đại biểu trẻ quan tâm là trong tác phẩm của các cây bút trẻ có gì? Theo tác giả Nguyễn Đình Minh Khuê, văn học trẻ đang “bội thực” những tình cảm cá nhân, cảm xúc riêng lẻ. Không khó nhận ra một số tập sách của các cây bút trẻ ăn khách hiện nay đều quá tập trung vào mảng đề tài đó. Tác giả Minh Khuê trăn trở: Cuộc sống rộng lớn và phức tạp, vốn dĩ có hàng vạn cung bậc tình cảm, vấn đề khác ngoài tình yêu mà những người trẻ cần chia sẻ. Nhà văn trẻ không thể mãi ru ngủ bạn đọc bằng những tác phẩm nhẹ nhàng, nhàn nhạt để phục vụ một phần thị hiếu độc giả. Nhà văn bản lĩnh là phải “nâng tầm thị hiếu, sức vóc thẩm mỹ và nền tảng dân trí của dân tộc, dù phải chịu thiệt thòi về kinh tế, phải hy sinh phần nào tiếng tăm.

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khẳng định, những cây bút trẻ của thành phố vừa là động lực vừa là mục tiêu của Hội. Hội luôn mong muốn những nhà văn trẻ quan tâm hơn nữa đến tính xã hội trong nhận thức sáng tạo, tính mục đích trong sáng tác và độ kết tinh của cảm xúc. Có thế, những người viết văn trẻ của thành phố mới có được những tác phẩm có giá trị và được đông đảo công chúng đón nhận.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33284302-su-menh-cua-nguoi-viet-tre.html