Sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sắp bắt đầu

NASA sắp thực hiện bước đầu tiên trên hành trình đưa con người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này. Một tên lửa khổng lồ trong khuôn khổ Sứ mệnh Artemis 1 sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ) vào 8h33 đến 10h33 ngày 29/8 theo giờ ET (19h33 đến 21h33 theo giờ Việt Nam).

Theo kế hoạch, vào ngày 29/8, tên lửa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa tàu vũ trụ Orion không bao gồm phi hành đoàn vào quỹ đạo của Mặt Trăng. Trong trường hợp thời tiết xấu hoặc xảy ra vấn đề kỹ thuật, NASA sẽ hoãn vụ phóng tên lửa sang ngày 2/9 và 5/9.

Mục tiêu là kiểm chứng xem tàu Orion được phóng và quay trở lại Trái Đất an toàn hay không trước khi thực hiện chuyến bay với phi hành đoàn. Sau khoảng 2 tuần bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, Orion sẽ quay trở lại Trái Đất và lao xuống Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển San Diego vào ngày 10/10.

Tên lửa Artemis I của NASA đặt tại Khu phức hợp bệ phóng 39B tại Trung tâm Không gian Kennedy (Ảnh: NGuồn quố tế)

Nếu chuyến bay thử nghiệm này thành công, các phi hành gia có thể quay trở lại Mặt Trăng trong vài năm nữa. Tuy nhiên, các quan chức NASA cảnh báo rằng rủi ro rất cao và kế hoạch có thể bị gián đoạn.

Với chiều cao 98 m, tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) là tên lửa đẩy uy lực nhất từng được NASA chế tạo. Trong khi đó, tàu vũ trụ Orion cao 3m có thể chở theo 4 phi hành gia.

Tuy chuyến bay ngày 29/8 không có người thật nhưng trên ghế chỉ huy sẽ lắp đặt một hình nộm có tên Moonikin Campos nhằm tôn vinh một kỹ sư huyền thoại của NASA, người đã giúp đưa Apollo 13 trở về Trái Đất an. Nhiều cảm biến khác nhau trên ghế và bộ đồ không gian của hình nộm sẽ thu thập dữ liệu về độ rung và gia tốc trong suốt hành trình. Hai hình nộm khác được trang bị áo bảo hộ do Israel sản xuất sẽ đo đạc mức độ phóng xạ trong vũ trụ - mối đe dọa lớn nhất đối với con người trong các sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ dài ngày.

Vụ phóng tên lửa sắp tới là bước đi quan trọng trong khuôn khổ Sứ mệnh Artemis 1 của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng sau 50 năm kể từ khi con người đặt chân lên vệ tinh này trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng Apollo. Sứ mệnh Artemis I của NASA được khởi xướng vào năm 2017, đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2025.

Kể từ sau chuyến bay Apollo 17 năm 1972, chỉ có các tàu không người lái đến thám hiểm Mặt Trăng. Trong sứ mệnh Artemis I, NASA đang hướng đến cực Nam chưa được khám phá của hành tinh này, nơi các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn được cho là chứa băng có thể sử dụng được bởi các phi hành đoàn trong tương lai.

Neil Armstrong cắm lá cờ Mỹ lên bề mặt Mặt Trăng(Ảnh: NASA)

Hệ thống tên lửa đã được phát triển trong khoảng 10 năm. Chuyến bay thử bị hoãn lại nhiều lần do vượt quá ngân sách. Chi phí cho mỗi lần phóng lên tới hơn 4 tỷ USD. Uớc tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa SLS. Nếu tính toàn bộ các chi phí kể từ khi chương trình bắt đầu cho tới nhiệm vụ hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2025, chương trình thám hiểm vũ trụ Artemis dự kiến tiêu tốn hơn 93 tỷ USD.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/su-menh-dua-con-nguoi-tro-lai-mat-trang-cua-nasa-sap-bat-dau-165918.html