Sứ mệnh khó khăn

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn vừa rời Mát-xcơ-va kết thúc chuyến công du châu Âu và Nga (từ ngày 9 đến 15-10) được xem là khó khăn nhưng cũng không ít thành công. Những vấn đề quốc tế phức tạp, những ưu tư từ bên kia Đại Tây Dương về nền hòa bình trải dài từ Nam Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải đã được Ngoại trưởng Mỹ thảo luận, chia sẻ cùng các đối tác.

Khó khăn xuất hiện ngay ở chặng đầu tiên khi Ngoại trưởng Mỹ trở thành nhà hòa giải bất đắc dĩ giúp Ác-mê-ni-a và Thổ Nhĩ Kỳ đặt bút ký vào bản hòa ước mà trước đó khoảng một giờ còn nguy cơ đổ vỡ. Trong một mối thâm giao đặc biệt Anh - Mỹ, trên đường trở về Oa-sinh-tơn (ngày 15-10), Ngoại trưởng Mỹ đã có được tin vui: người Anh sẽ tăng thêm 500 quân tới Áp-ga-ni-xtan để chia sẻ gánh nặng với cuộc chiến tốn hàng chục triệu USD/ngày mà Mỹ đang phải gánh vác. Còn sau chặng dừng ở Bắc Ai-len của Ngoại trưởng Hi-la-ri, ngày 12-10, cánh vũ trang Quân đội giải phóng quốc gia Bắc Ai-len (INLA) vừa tuyên bố từ bỏ bạo lực. Đây là một điểm nhấn hòa bình mới trong lòng Vương quốc Anh và Bắc Ai-len vốn được chờ đợi trong nhiều năm qua. Và dù Nga là điểm đến cuối cùng nhưng đây mới là "trọng tâm" của chuyến đi khi Ngoại trưởng Mỹ dành tới 3 ngày ở Mát-xcơ-va. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi suy thoái và các vấn đề về I-ran, CHDCND Triều Tiên, cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan... chưa được giải quyết thì một giải pháp góp phần hóa giải những trở ngại nêu trên khiến Nhà Trắng phải tìm được tiếng nói chung với Nga trong những vấn đề quốc tế đầy phức tạp. Trong chuyến thăm Nga lần đầu tiên kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clin-tơn đã có một loạt cuộc hội đàm, tiếp kiến với các nhà lãnh đạo của Nga về những vấn đề song phương và đa phương như Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), khủng hoảng hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên, tiến trình hòa bình Trung Đông, tình hình Áp-ga-ni-xtan... Thế nhưng, vượt lên tất cả, mối quan tâm chính của chuyến thăm vẫn là thuyết phục Mát-xcơ-va ủng hộ một lệnh trừng phạt mới do Mỹ đề xuất nếu I-ran không công khai chương trình hạt nhân của nước này trong vài tuần tới. Rõ ràng Oa-sinh-tơn đang muốn tận dụng các thỏa thuận về vũ khí hạt nhân với Mát-xcơ-va để làm phương tiện giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran cũng như trên bán đảo Triều Tiên... Từ lâu, Nga đã phản đối việc áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào I-ran, vì cho rằng điều này chỉ làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa tại CH Séc và Ba Lan và I-ran công bố nhà máy làm giàu u-ra-ni-um thứ hai, có thêm các vụ thử tên lửa thì sự ủng hộ của Mát-xcơ-va dành cho Tê-hê-ran bắt đầu suy giảm. Khoảng hai tuần trước, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố: "Cấm vận không phải biện pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, nhiều khi đó là việc không tránh khỏi". Những dấu hiệu ủng hộ từ Mát-xcơ-va nêu trên mang tính quyết định bởi nếu trở thành hiện thực, nó sẽ gây áp lực mạnh mẽ với I-ran về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Do đó, để "chắc ăn" về một sức ép mới với I-ran, Mỹ cần một cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, tại cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hi-la-ri và người đồng cấp Nga Xéc-gây La-vrốp, hai bên chỉ đạt tới sự thống nhất về việc không nỗ lực theo đuổi việc trừng phạt I-ran trong hoàn cảnh hiện tại chứ Nga không đưa ra cam kết nào với đề xuất ủng hộ Mỹ trừng phạt I-ran của Ngoại trưởng Hi-la-ri. Không thể phủ nhận, dù Nga đang muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, nhưng Mát-xcơ-va vẫn không thể không coi trọng quyền lợi quốc gia trên trường quốc tế. Sự ủng hộ của Nga về một lệnh cấm vận mới có thể cản trở các hợp đồng thương mại quan trọng, trong đó có lĩnh vực công nghệ hạt nhân và vũ khí với I-ran. Đó là chưa nói đến lực lượng Hồi giáo ly khai ở vùng Cáp-ca-dơ chịu ảnh hưởng của I-ran ở một chừng mực nào đó. Với những gì vừa diễn ra sau chuyến thăm 3 ngày của Ngoại trưởng Hi-la-ri, Nga dường như đã đặt mình vào trung tâm của những thách thức ngoại giao lớn - nhất là trong thập niên qua mà Mỹ đang phải đối mặt. Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Hi-la-ri (ngày 13-10), Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép tuyên bố: "Quan hệ hợp tác Nga - Mỹ đã được nâng lên một tầm mức cao hơn, và mối quan hệ này trong thời gian qua đã có động lực mới". Một sứ mệnh khó khăn tại châu Âu, đặc biệt là tại Nga của Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn vừa khép lại. Tuy chưa gặt hái được thành công như Nhà Trắng mong đợi nhưng chuyến công du cũng đã tạo một bước tiến mới không chỉ trong quan hệ Nga - Mỹ mà còn cho thấy một vai trò mới của Mỹ tại châu Âu. Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/44/222977/