Sự minh bạch cần thiết

Những ngày qua, thông tin “chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014” được một số phương tiện truyền thông dẫn nguồn từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặt trong bối cảnh quỹ BHXH đang có những cảnh báo về sự mất cân đối trong tương lai, thông tin này càng khiến nhiều người lo ngại.

Tuy nhiên, khẳng định mới đây của lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, thông tin về tỷ lệ tăng chi phí quản lý của BHXH năm 2015 là thiếu chính xác, bởi đó chỉ là số liệu dự toán được BHXH Việt Nam lập để Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thẩm định, cho ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Còn thực tế, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2015 của BHXH Việt Nam đã được Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tăng 59% so với dự toán năm 2014.

Luật BHXH đã quy định rõ, chi phí quản lý BHXH được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về BHXH; Cải cách thủ tục BHXH, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng BHXH; tổ chức thu, chi trả BHXH và hoạt động bộ máy của cơ quan BHXH các cấp.

Thực hiện quy định của Luật BHXH và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, chi phí quản lý BHXH đã được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp, như chi cho công tác cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử (năm 2014, nội dung chi này chưa được bố trí kinh phí); chi ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 152 ngày 28-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn được sử dụng để phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, tuyên truyền phát triển đối tượng. Riêng mức chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy của ngành BHXH trong năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014 do nâng lương hằng năm. Còn chi quản lý hành chính, trên thực tế là không tăng so với năm 2014.

Trước sự quan tâm của dư luận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giám sát chặt chẽ, minh bạch vấn đề chi phí quản lý quỹ của BHXH Việt Nam. Chi phí quản lý BHXH được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết và giao không quá 2,3% so với tổng số thu và số chi; được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ theo quy định của Luật BHXH. Như vậy, do không phải trích từ quỹ BHXH, cho nên việc gia tăng chi phí quản lý (nếu có) không ảnh hưởng cân đối quỹ BHXH.

Có thể nói, đến thời điểm này, những thông tin liên quan chi phí quản lý BHXH đã được cung cấp một cách đầy đủ, minh bạch. Những thông tin đó đã cho thấy sự đầu tư của cơ quan BHXH trong lĩnh vực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đối tượng là cần thiết, đúng hướng và phù hợp yêu cầu quản lý theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu cải cách, tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách...; đồng thời cho thấy những nỗ lực vượt khó của BHXH Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/32358702-su-minh-bach-can-thiet.html