Sự nghiệp Lương Đức Thiệp: Những giá trị đã qua thử thách

Nói về các công trình của Lương Đức Thiệp gây chú ý khi tái bản gần đây, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng người đọc có lý do để đặt niềm tin vào những giá trị đã qua thử thách.

Theo Mai Anh Tuấn, các công trình của Lương Đức Thiệp dù xuất bản đã lâu, nhưng đã là giá trị trải qua thử thách, thì khi đọc ở thời điểm nào cũng gây sửng sốt, ngạc nhiên vì sự bền vững nhưng tươi mới.

- Xin anh cho biết đôi nét nổi bật trong sự nghiệp của Lương Đức Thiệp?

- Không thật sự có nhiều thông tin xác thực về tiểu sử Lương Đức Thiệp (ngoài phỏng đoán ông sinh năm 1904, mất năm 1946, quê ở Hưng Yên). Nhưng nhìn vào những trước tác của ông còn lại đến nay, có thể định hình chân dung ông ở mấy điểm nổi bật.

Trước hết, ông thuộc thế hệ trí thức tân học, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ủng hộ và phần nào trở thành yếu nhân của xu hướng “tri tân” diễn ra khá mạnh mẽ đầu thập niên 1940.

Chính trong thời điểm này, Lương Đức Thiệp không chỉ gặp gỡ, đồng điệu tư tưởng với nhiều tiếng nói đương thời xoay quanh nhóm Hàn Thuyên, mà còn nhanh chóng tiếp nhận tinh thần của chủ nghĩa Mác khi xem xét, nhận diện, khảo cứu nhiều vấn đề văn chương, xã hội Việt Nam.

Chỉ trong vòng dăm năm, Lương Đức Thiệp đã kịp ghi dấu ấn quan điểm qua loạt các công trình: Việt Nam thi ca luận (1942), Xã hội Việt Nam (1944), Văn chương và xã hội (1944), Nghệ thuật thi ca (1945), Duy vật sử quan (1945)…

Tôi nghĩ, bên cạnh khả năng chuyên môn, sự tựu thành chữ nghĩa của Lương Đức Thiệp còn cho thấy ông là người tận tâm, trách nhiệm, thao thức với hiện tình đất nước lúc bấy giờ. Đó là điều mà chúng ta vẫn thường trân quý cho dù thời thế có biến chuyển thế nào.

- Sau một thời gian các cuốn sách của Lương Đức Thiệp ít được biết tới, trong năm nay, hai công trình của ông đã được tái bản. Anh đánh giá như thế nào về sự trở lại này?

- Sự trở lại của Lương Đức Thiệp, trước hết, là một niềm vui, ít nhất với những người quan tâm đến tình hình sách vở, trước tác giai đoạn trước 1945. Nhưng quan trọng hơn, bằng cách phục hồi dần những gương mặt bị quên lãng, chúng ta càng có cơ hội tiệm cận đến một hình dung chính xác về độ đa dạng, sinh động, những tương đồng và dị biệt, của đời sống văn chương, văn hóa quá khứ.

Gần đây, khá nhiều cảo thơm, nhiều thân danh tưởng đã mờ khuất, liên tục được tái bản, giới thiệu lại. Tâm thế “ôn cố” ấy, theo tôi, chứng tỏ sự chín chắn, trách nhiệm và thông thái của hôm nay. Nếu mãi chú mục vào những gì trước mắt, “ăn ngay” thì không thể nào có căn nền hiểu biết sâu rộng.

Tôi nghĩ, nhiều người đọc có lý do để đặt niềm tin vào những giá trị đã trải qua thử thách. Bởi chúng, bao giờ cũng vậy, gây sửng sốt, ngạc nhiên vì sự bền vững nhưng tươi mới và hấp dẫn của các quan điểm, nhận định, phát hiện. Tôi cũng có cảm giác như thế khi đọc Lương Đức Thiệp.

Sách Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội mới tái bản.

- Quyển “Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội” ra đời cùng giai đoạn với “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng của Hoài Thanh, Hoài Chân. Vậy đâu là điểm đặc biệt trong công trình của Lương Đức Thiệp?

- Quả đúng là đã có sự kề cận về mặt thời gian của hai công trình trên. Trong khi Thi nhân Việt Nam, từ lâu, được coi là một điển phạm phê bình thơ (đặc biệt là phê bình thơ Mới) thì Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội của Lương Đức Thiệp gần như ít được nhắc đến.

Có nhiều lý do nhưng cơ bản nhất, theo tôi, cái cách “luận” giàu lý tính, thẳng thắn và đôi khi mang hơi hướm “giáo khoa thư” ở công trình này dường như không hợp “gu” tiếp nhận của số đông bấy giờ. Giữa lúc chủ nghĩa lãng mạn chưa hết ngả bóng, độc giả vẫn còn háo tình cảm, cảm tính thì sự bàn luận, phân tích theo hướng xã hội học của Lương Đức Thiệp quả có vượt ngưỡng khẩu vị.

Tất nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng các quan điểm, nhận định hay gợi mở đa dạng của Lương Đức Thiệp là khá bám sát thực tiễn văn chương, xã hội Việt Nam. Nó không nhằm vào sự “vừa lòng” tất cả mà muốn tất cả nhìn sâu, nhìn rộng vấn đề. Do đó, Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội vừa cung cấp tri thức, vừa có khả năng thúc đẩy tri thức tưởng là sách vở ấy đi vào thực hành, gắn với đời sống.

Sẽ thật đơn điệu, thậm chí nhàm chán nếu cứ mãi xưng tụng Thi nhân Việt Nam mà không tìm biết các công trình khác cùng thời. Sự tìm biết này, nếu kỹ lưỡng, sẽ giúp các bạn đọc quen khung văn học nhà trường nhận ra nhiều khoảng trống khác, lấp lánh và rộng rãi hơn nhiều chứ không phải chỉ có dăm ba xác tín quen mòn.

Tựu trung, khảo cứu văn chương của Lương Đức Thiệp khích lệ chúng ta chủ động, tự mình thu thập, nhìn nhận phần văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX một cách tổng thể hơn.

- Theo anh, vì sao cuốn “Xã hội Việt Nam từ sơ sử tới cận đại” từng bị rơi vào quên lãng, tới nay vừa ra mắt đã tạo sự chú ý của giới nghiên cứu?

- Cuốn Xã hội Việt Nam từ sơ sử tới cận đại là công trình xuất sắc hơn cả của Lương Đức Thiệp. Cuốn sách từng được tái bản ở miền Nam (1950, 1971). Lần này (2016), nhà sách Tao Đàn đã bỏ công phục dựng, biên tập, chú thích rất chi tiết, kỹ càng.

Để nói ngắn gọn về công trình này là không dễ. Nhưng bước đầu, tôi xin nêu mấy cảm nhận: Thứ nhất, cuốn sách này nằm trong mạch chung của một số trí thức tân học muốn tìm về bản lai diện mục quá khứ, căn cước dân tộc. Họ làm điều đó, một mặt, để khẳng định những giá trị, đặc trưng riêng có của Việt Nam, mặt khác, tạo dựng tiếng nói đối trọng, đối thoại với các quan điểm, đánh giá đến từ những “kẻ xa lạ” mà thường là học giả Pháp.

Thực ra, cho đến thời điểm Xã hội Việt Nam ra đời (1944), những công trình của Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Huyên hay của L. Cardìere, G. Dumoutier, J.Silvestre,… về phong tục, văn hóa, tôn giáo, lịch sử Việt Nam đã tương đối phong phú và nhiều phân tích trong đó, cho đến nay, vẫn còn nguyên sức hút.

Đương nhiên chúng cũng phóng chiếu khá rõ trong Xã hội Việt Nam. Tuy vậy, công khái quát, tóm lược, diễn giải của Lương Đức Thiệp là rất lớn. Ông cũng có sự bình tâm nhất định khi tìm kiếm, xử lý tài liệu và đặc biệt, khi đưa ra chính kiến. Vì thế, điểm thứ hai đáng chú ý của công trình này, là nỗ lực hiểu Việt Nam.

Về cơ bản, Lương Đức Thiệp cũng triển khai theo hướng phân chia lĩnh vực, phân loại các thành tố (kinh tế, chính trị và tổ chức, phong tục sinh hoạt, văn minh tinh thần) là thao tác chung của các nghiên cứu về Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng ngoài điểm danh, mô tả, ông còn hướng đến sắp xếp, cấu trúc hóa các thành tố, nên đọc ông, ta thấy có sự chặt chẽ, mạch lạc.

Tôi nghĩ, ông vừa phát triển, nối dài các luận điểm từng có của người đi trước, vừa giữ được sự điềm đạm, hài hòa để không rơi vào sự cực đoan duy tân hay bảo thủ hồi cố.

Có được điều này là do Lương Đức Thiệp biết vận dụng phương pháp xã hội học Mác-xít khi triển khai lập luận, chứng minh. Ông nhấn mạnh rằng mỗi một hình thức kinh tế ấn định một hình thức chính trị tương đương và một khi cái hạ tầng kinh tế biến đổi thì đồng thời thượng tầng kiến thiết chính trị cũng biến đổi theo.

Do đó, trong Xã hội Việt Nam, từ việc phân tích đặc trưng kinh tế nông nghiệp, Lương Đức Thiệp dần chỉ ra một số đặc trưng của cấu trúc xã hội, chính trị, tư tưởng Việt Nam qua lịch sử. Ở đây, việc tiếp xúc tư liệu đa nguồn, cái mà giờ đây chúng ta hay gọi là liên ngành, rất được Lương Đức Thiệp chú trọng và xử lí khá tinh tế.

Tôi thấy, về sau, một số nghiên cứu Việt Nam vẫn thường tiến hành như vậy. Còn nếu so với cái gọi là các tiểu luận, luận án “văn hóa học” bùng nổ hiện nay, công trình Lương Đức Thiệp xứng đáng là cẩm nang học thuật. Tôi hy vọng các bạn đọc là sinh viên ngành khoa học xã hội sẽ hứng thú, học hỏi được nhiều từ công trình này.

Sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử tới cận đại.

- Bản sắc Việt, những đặc tính cốt yếu của dân tộc mà Lương Đức Thiệp đưa ra trong cuốn “Xã hội Việt Nam” là gì?

- Như tôi đã nói, Lương Đức Thiệp phát triển chính kiến của mình trong bối cảnh sự hiểu về Việt Nam đã tương đối dày dặn. Nhấn mạnh điều này cũng là để khẳng định sự cập nhật, cộng hưởng của Lương Đức Thiệp. Ông đề cao các yếu tố bản địa (mô hình tổ chức xã thôn, kinh tế hộ gia đình dựa trên năng lực buôn bán nhỏ của phụ nữ, đạo thờ tổ tiên,…) để khẳng định có một “Việt Nam tính” khá riêng. Nó tuy chịu ảnh hưởng Trung Hoa nhưng không hoàn toàn đồng nhất.

Nó cũng có “đức tính” và “tật xấu”. Ta có thể nêu lại đây vì không khó kiểm chứng ngay cả trong thời điểm hiện nay: thông minh nhưng dễ biến thành “não tinh vặt”; ham học nhưng để làm kế mưu sinh là chính; có tín ngưỡng nhưng thực dụng, hướng đến cái lợi trước mắt; ưa hòa bình song cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; ít suy tưởng triền miên nên không có chủ nghĩa siêu hình nào; có khiếu thích ứng, tài mô phỏng nhưng ít sáng tạo; ưa hư danh dù bền chí, chăm chỉ…

Như vậy, Lương Đức Thiệp không hẳn là người tự si dân tộc mình mà thường xuyên nhắc nhở người đọc phải trực diện với những khuyết điểm, hạn chế vốn có của cả cộng đồng. Vấn đề “Việt Nam tính”, xét đến cùng, không đặt ra một lần cho xong mà phải được cật vấn, diễn giải, đối thoại liên tục thì mới đích đáng. Tôi tin, đọc xong Xã hội Việt Nam, đây đó sẽ có những đối thoại, trao đổi cởi mở, thẳng thắn và vỡ lẽ.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/su-nghiep-luong-duc-thiep-nhung-gia-tri-da-qua-thu-thach-post703223.html