Sự sụp đổ của Liên Xô là 'thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ'

Trở lại thời điểm lịch sử ngày 26/12/1991, khi Liên Xô chính thức tan rã. Quốc kỳ màu đỏ với hình ảnh búa liềm bị hạ xuống bên ngoài điện Kremlin vào lúc 7h32 phút tối 26/12/1991. Nửa giờ sau, lá cờ mới màu đỏ, trắng, xanh dương của Nga được kéo lên thay thế.

Trong suốt gần 70 năm, Liên Xô luôn là ngọn cờ đầu, quốc gia lãnh đạo của phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nhưng cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, điều rất rõ ràng là các chính sách kinh tế tập trung theo kế hoạch từ trên xuống đã dẫn đến một thực tế là đời sống của người dân đi xuống ở mức rất thấp nếu so với các nước phương Tây.

Hoài niệm cay đắng

Nhưng ngay cả khi đó, rất ít người Liên Xô “đón chào” sự sụp đổ của chế độ này. “Thật kỳ lạ là có rất ít hào ứng đối với sự kiện Liên Xô sụp đổ”, Uli Klese, một nhiếp ảnh gia ở Berlin, Đức, lúc đó đang nghỉ hè ở Matxcơva khi sự kiện hạ cờ búa liềm diễn ra, kể với tờ Washington Post.

“Khi Bức tường Berlin (phân đôi nước Đức thành Đông Đức theo phe xã hội chủ nghĩa và Tây Đức theo phương Tây-PV) sụp đổ, mọi người dân Đức đổ ra đường. Sự kiện diễn ra tại Liên Xô cũng mang ý nghĩa tương tự, nhưng có vẻ chẳng người dân Liên Xô nào tỏ ra quan tâm”.

Hơn ¼ thế kỷ sau đó, rất ít người dân thuộc Liên Xô trước đây nhớ kỹ về sự kiện sụp đổ của “thành trì xã hội chủ nghĩa” này. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy tiếc nuối một cách cay đắng đối với quá khứ oai hùng của biểu tượng CCCP (chữ viết tắt bằng tiếng Nga của cụm từ “Liên bang Xô viết”).

Lãnh tụ tối cao cuối cùng của Liên Xô, tổng bí thư (và một thời gian ngắn là tổng thống Liên Xô, từ 15/3/1990 đến 25/12/1991) Mikhail Gorbachev gần đây đã trả lời phỏng vấn, chỉ trích sự bàng quan của phương Tây đối với sự kiện Liên Xô sụp đổ và lên án sự tráo trở của những người để cho sự kiện này diễn ra. Còn ông Vladimir Putin, lãnh đạo trong hàng thập niên qua ở Nga, gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”.

Cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (Veni Markovski/Flickr)

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Adam Taylor thuộc đại học Columbia, Mỹ, điều đáng ngạc nhiên hơn là trong dân chúng, những người bị cho là chịu nhiều thiệt thòi trong thời kỳ Liên Xô, có một niềm tiếc thương sâu sắc, sự hoài niệm khôn nguôi đối với thể chế này.

“Hãy nhìn vào các số liệu của công ty nghiên cứu tâm lý xã hội độc lập Levada và các bạn sẽ thấy số người Nga nhớ tiếc Liên Xô chỉ xuống dưới 50% duy nhất một lần kể từ năm 1992. Đó là vào năm 2012, khi chỉ số này còn 49%. Còn trong các đợt khảo sát gần đây, 56% số người Nga nói họ rất tiếc nhớ Liên Xô”, ông Taylor phân tích.

Tất nhiên những người sống trong các nền dân chủ kiểu phương Tây có lý do để thắc mắc vì sao người ta lại tiếc nuối một chế độ mà phương Tây cho là không dân chủ. Công ty Levada không quên hỏi những người được khảo sát về lý do họ cảm thấy nuối tiếc Liên Xô.

Đa số họ nói rằng, việc phá bỏ hệ thống kinh tế chung của Liên bang Xô viết chính là lý do. Trong các cuộc khảo sát của Levada, 53 % số người được hỏi nêu ý này. Theo Taylor, suy nghĩ này tương đối dễ hiểu: Nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô rộng lớn đảm bảo sự ổn định về tài chính đối với các nước cộng hòa thành viên. Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, trên thị trường theo kiểu tư bản của Nga, giá cả tăng vòn vọt.

Tự hào công dân

Các cải cách kinh tế nhanh chóng để lại hiệu ứng tiêu cực đối với các tiêu chuẩn về mức sống của người dân. Đồng ruble trở nên gần như vô giá trị. Lạm phát chạy nhanh như ngựa đua. Một chương trình tư nhân hóa với các thiếu sót nghiêm trọng giúp của cải vật chất của cả nền kinh tế rơi vào tay vài nhà tài phiệt trong “bóng tối”. Khi mọi thứ được xem xét lại thì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đã xóa sổ hầu hết những thành quả hạn hẹp mới đạt được.

Con ngựa kinh tế bất kham của nước Nga chỉ được cầm cương và kiểm soát khi ông Putin lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo mới của Nga đã bước ra đối đầu với giới tài phiệt. Trong khi đó, lợi tức từ các nguồn tài nguyên giàu có của Nga dần dần được thẩm thấu vào nền kinh tế, thu nhập thực tế tăng 140% trong giai đoạn 2000-2007.

Nhưng nhiều người Nga vẫn cảm thấy bị sỉ nhục bởi những gì đã diễn ra trong suốt những năm 90 của thế kỷ trước. Họ cho rằng các cố vấn phương Tây đứng đằng sau những bất ổn này. Và khi Hiệp hội Bắc Đại tây dương(NATO) mở rộng vòng kiểm soát, tiến gần hơn đến vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, nhiều người dân nước này cảm thấy bị coi thường.

Nhiều người dân thuộc Liên Xô trước đây vẫn nhớ tiếc tư cách công dân một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự (mruniversity.com)

Những điều kể trên có thể giải thích cho kết quả khảo sát của công ty Levada. Cảm giác là công dân một cường quốc là một trong các lý do người ta nhớ tiếc Liên Xô. Trong cuộc khảo sát năm 2016, số này chiếm 43%. Và cảm giác tiếc nhớ này không chỉ giới hạn trong dân chúng Nga.

Anh Minh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/su-sup-do-cua-lien-xo-la-tham-hoa-dia-chinh-tri-lon-nhat-the-ky-post202275.html