Sự tham gia của Việt Nam ở ASEAN: Nguồn lực nhỏ, đóng góp lớn

Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thể hiện qua việc vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực càng ngày càng tăng lên.

Năm 2017, ASEAN tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ qua, vượt qua những rào cản về thế chế chính trị, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, khoảng cách về phát triển..., ASEAN đã đạt được những thành tựu ấn tượng, trở thành cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015.

Trong sự phát triển chung đó của ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất, đóng góp chủ động vào các hoạt động chung của khu vực.

Trong 22 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng thành công một cộng đồng chung và hướng đến Tầm nhìn ASEAN xa hơn nữa.

Vào những năm 1990 của thế kỷ XX, trong bối cảnh Việt Nam vừa có những bước chuyển mình lớn trong chính sách mở cửa thì việc gia nhập vào Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đường lối đối ngoại và thúc đẩy hội nhập khu vực cũng như quốc tế.

Đặc biệt, với việc trở thành thành viên của ASEAN đã giúp Việt Nam phá vỡ sự cô lập về mặt chính trị, cũng như các chính sách bao vây cấm vận về kinh tế kéo dài suốt 2 thập kỷ, giúp Việt Nam bước những bước đi đầu tiên trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Nhìn nhận những bước đi ngoại giao chuẩn bị hội nhập ASEAN vào thời điểm đó, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại: “Trước đó, các nước ở khu vực chia thành 2 khối đối lập nhau do vấn đề Campuchia. Ngay sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của chúng ta đã dẫn đầu phái đoàn chính phủ đi thăm các nước ASEAN để phục hồi lại quan hệ giữa nước ta với các nước đó, đồng thời giới thiệu đường lối đối ngoại mới của chúng ta. Đó là đường lối độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa được các nước ở khu vực hoan nghênh. Từ đó các nước trong khu vực đặt vấn đề sẵn sàng hợp tác, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam”.

Khi ASEAN đánh dấu chặng đường 50 năm với những thành công vượt qua ngoài mong đợi, trở thành một cộng đồng chung với 640 triệu dân, GDP hàng năm đạt khoảng 2.400 tỷ USD thì Việt Nam đã là một mắt xích quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt, từ chính trị, an ninh, kinh tế đến xã hội, con người trong khu vực.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản. Việt Nam đã trở thành cây cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên đã trở thành hiện thực. Bỏ lại sau lưng quá khứ đối đầu và nghi kỵ, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng minh rằng tương lai của khu vực sẽ được định hình tốt hơn bằng con đường hội nhập, đối thoại và hợp tác.

Về mặt chiến lược, việc cùng các nước thành viên chủ động “lái” ASEAN đi đúng hướng là đóng góp lớn nhất của Việt Nam. Ở đây có thể kể đến dấu ấn Việt Nam trong các văn kiện quan trọng của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Tuyên bố hòa hợp ASEAN 2, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)…

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Đánh giá về những đóng góp và vai trò của Việt Nam trong quá trình phát triển và hợp tác của ASEAN, cựu Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Teck Hean nhận định: “Việt Nam là một trong những thành viên rất quan trọng của ASEAN, có những đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của Hiệp hội. Việt Nam là một quốc gia năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Chính sự phát triển đó đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường khu vực và quốc tế. Điều đó cũng để chúng ta hiểu rằng, Cộng đồng ASEAN không thể hình thành và phát triển toàn diện nếu không có Việt Nam”.

Từ một nước đến sau trong sân chơi ASEAN, nhưng Việt Nam lại đang trở thành một trong những quốc gia đi đầu đóng góp vào sự phát triển của Hiệp hội. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 6. Chương trình Hành động Hà Nội được thông qua giúp ASEAN duy trì được sự hợp tác, củng cố vị thế ở thời điểm khó khăn do cuộc khủng hoảng Tài chính năm 1997 – 1998 gây ra.

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội. Không những thế, Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng các khuôn khổ hợp tác của ASEAN với các đối tác, trong đó có cơ chế hợp tác cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), và vận động để ASEAN có đại diện dự Hội nghị thượng đỉnh của G20.

Cựu đại sứ New Zealand Haike Manning, một trong những thành viên đối tác lớn của ASEAN cho rằng, Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN: “Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của ASEAN, tạo ra một khu vực ASEAN năng động và thịnh vượng. ASEAN đang thu hút sự quan tâm của các nước lớn và chúng tôi coi trọng quan hệ với ASEAN. New Zealand vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực”.

Ít ai có thể hình dung được một Việt Nam đã từng trăn trở với suy nghĩ “hòa nhập” hay sẽ bị “hòa tan” hơn 20 năm trước đây lại có thể đóng vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN như hiện nay. So với một số nước trong khu vực, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn ở mức độ khiêm tốn, nhưng Việt Nam đã thực sự có những đóng góp lớn vào quá trình phát triển của ASEAN. Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thể hiện qua việc vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực càng ngày càng tăng lên.

Lý giải về việc Việt Nam đang ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn của ASEAN cũng như là giữa ASEAN với các đối tác, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia cho rằng: “Rõ ràng vị thế của Việt Nam trong thời gian qua đã tăng lên rõ rệt. Chúng ta nâng được sức mạnh nội lực của mình ở mọi mặt. Ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực cũng tăng lên. Các nước cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ngoài tự thân vận động, các nước cũng nhìn Việt Nam trong một tổng thể ASEAN. Trong thời gian qua chúng ta gắn kết chặt chẽ với ASEAN, xây dựng được sự thống nhất đồng thuận đoàn kết trong ASEAN, phát huy sức mạnh của ASEAN thì làm cho vai trò của chúng ta được nhân lên”.

Việt Nam đã đồng hành cùng ASEAN trong chặng đường nửa thế kỷ qua và sẽ còn tiếp tục đi trên con đường phát triển mới của khối này. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đã mở ra cho ASEAN những cơ hội hợp tác mới, lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Song trong thời điểm hiện nay, sự chuyển dịch địa chính trị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, những căng thẳng xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông đang đặt ra cho ASEAN không ít những thử thách.

Tham gia vào ASEAN cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ cùng chung vai gánh vác những thách thức chung của Hiệp hội trong tương lai. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng: Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột tranh chấp vẫn tồn tại khả năng dẫn đến xung đột và chiến tranh. Nạn khủng bố, vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó là những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước, vấn đề di cư….

Đối với vấn đề phát triển kinh tế thì thách thức đối với Việt Nam là làm sao nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hiệu quả mà những nội dung lớn là đổi mới, đầu tư công hiệu quả, khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, đổi mới hệ thống tài chính ngân hàng. Nhưng về tổng thể là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Việt Nam đang cùng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, xây dựng một tầm nhìn, tạo ra một sân chơi khu vực toàn diện từ nay đến 2025. Việc hội nhập toàn diện với ASEAN cũng là cách để Việt Nam có thể tham gia hội nhập toàn cầu mạnh mẽ hơn.

Từ “sông nhỏ ra biển lớn”, chắc chắn sóng sẽ lớn, nhưng với thực tiễn hơn 20 năm tham gia ASEAN sẽ giúp Việt Nam có được những bài học quý giá để đón đầu những cơ hội mới và mạnh mẽ đối phó với những thách thức trong tương lai./.

Châu Anh/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/su-tham-gia-cua-viet-nam-o-asean-nguon-luc-nho-dong-gop-lon-652099.vov