Sự thật phơi bày qua lời khai của quan chức Tập đoàn Odebrecht

Petrobras và Odebrecht, 2 tập đoàn hàng đầu của Brazil, 1 hoạt động trong lĩnh vực năng lượng dầu khí, 1 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Dù ngành nghề kinh doanh chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng 2 tập đoàn này lại có nhiều điểm chung là: 2 tập đoàn lớn nhất ở từng lĩnh vực kinh doanh, 2 tập đoàn "bắt tay nhau" thôn tính các dự án "khủng" ở Brazil, đặc biệt là đã "mua đứt" quan chức chính quyền các cấp, kể cả ở cấp cao nhất.

10 quan chức cấp cao bị thẩm vấn, điều tra liên quan đến bê bối Petrobras và Odebrecht (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): Marcos Pereira, Blairo Maggi, Wellington Moreira, Aloysio Nunes Ferreira, Aecio Neves, Eliseu Padilha, Gilberto Kassab, Eunicio Oliveira, Rodrigo Maia và Romero Juca. Ảnh: AFP

Vụ bê bối tham nhũng, hối lộ ở Petrobras và Odebrecht đã phơi bày ra một sự thông đồng ngấm ngầm giữa các siêu tập đoàn với quan chức chính quyền.

Sau khi ra quyết định điều tra hàng trăm người, Tòa án Tối cao Liên bang đã tiến hành thẩm vấn tất cả những người liên quan. Sau hàng loạt cuộc thẩm vấn, nhất là khi thẩm vấn Chủ tịch Tập đoàn Odebrecht, do quá bức xúc và mất hết kiên nhẫn, Thẩm phán Sergio Bruno Fernandes của Tòa án Tối cao Liên bang đã phải hét lên: "Hãy dừng ngay việc nói những điều nhảm nhí đi! Giờ là lúc phải nói ra sự thật, để cho mọi người thấy được các hành vi tham nhũng, hối lộ được thực hiện như thế nào. Không thể để tình trạng một bộ trưởng suốt ngày vòi tiền doanh nghiệp, ngày này qua tháng khác. Thật không thể chấp nhận được".

Mặc dù không xuất hiện trực tiếp trong các đoạn ghi hình mà Tòa án Tối cao Liên bang thực hiện trong suốt quá trình thẩm vấn những người liên quan đến bê bối tham nhũng Petrobras và Odebrecht, nhưng giọng điệu bức xúc của Thẩm phán Sergio Bruno Fernandes cho thấy cuộc điều tra bê bối tham nhũng, hối lộ đối với 2 tập đoàn này không hề đơn giản.

Về phần mình, Chủ tịch Odebrecht, 72 tuổi, cùng với 76 quan chức dưới quyền lúc đầu còn cố tình khai báo vòng vo. Thế nhưng, khi biết cơ quan tư pháp có trong tay nhiều bằng chứng xác thực, từ sếp lớn đến sếp bé của Odebrecht đã đặt vấn đề "thỏa thuận" với cơ quan tư pháp Brazil về việc được giảm nhẹ hình phạt, nếu có, để đổi lại sẽ khai ra hết những bí mật tham nhũng, hối lộ của tập đoàn. Chấp nhận "thỏa thuận", Tòa án Tối cao Liên bang khẩn cấp ra lệnh mở rộng điều tra thêm đối với khoảng 200 quan chức cấp cao...

Theo những lời khai báo ban đầu, tham nhũng từ lâu đã là một "việc đương nhiên" của Odebrecht và diễn ra từ hơn 30 năm nay. Sự "phối hợp" giữa quan chức chính quyền và doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi", và sự "phối hợp" này được đẩy lên đỉnh điểm kể từ khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Emilio Odebrecht lên nắm quyền điều hành.

"Tôi nhớ đã từng nói với Tổng thống (lúc đó là Lula da Silva, nhiệm kỳ 2003 - 2010) rằng những đệ tử thân tín của Tổng thống quá tham lam, như những "con cá sấu háu đói"", Chủ tịch Emilio Odebrecht khai nhận. Khi được hỏi về mối quan hệ "công - tư" cũng như tại sao mạnh mồm nói đệ tử thân tín của Tổng thống như vậy, Emilio Odebrecht cho biết, tầm ảnh hưởng của ông lúc đó không chỉ còn là những hợp đồng, dự án mà đã ăn sâu vào bộ máy chính quyền Brazil nên không còn e ngại gì.

Chủ tịch Odebrecht kể lại: "Cách đây khoảng 15 năm, khi ứng cử viên Lula da Silva tham gia ứng cử Tổng thống, nền kinh tế Brazil lúc đó đang trong giai đoạn khủng hoảng, lạm phát tăng cao và nguồn vốn ngân sách cạn kiệt. Chính tôi là người đã khuyên ông nên công bố rõ ràng những cải cách của mình. Ngày 22/6/2002, ông Lula da Silva chính thức công bố chính sách cải cách triệt để nền kinh tế và cam kết giúp Brazil trả dần được các khoản nợ. Tuyên bố này không chỉ "lấy lòng" được người dân Brazil mà được lòng cả những nhà đầu tư quốc tế. Nguồn vốn lại chảy về Brazil ầm ầm. Ông Lula da Silva giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó và trở thành Tổng thống vào năm 2003".

Cũng theo khai báo của Emilio Odebrecht, mặc dù sau đó rất được lòng Chính phủ, nhưng vì muốn giấu mặt để dễ bề "thao túng", tên của Tập đoàn Odebrecht đã không xuất hiện trong danh sách những cá nhân, tổ chức tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Lula da Silva. Và, kể từ sau khi ông Lula da Silva trở thành Tổng thống, Emilio Odebrecht tiếp tục tham gia cố vấn hàng loạt chính sách điều hành của Chính phủ, dần dần "bơm vào đầu" các quan chức Chính phủ nhận thức rằng, họ có quan hệ lợi ích chặt chẽ với công việc kinh doanh của Odebrecht. Đấy mới là mục đích chính của Emilio Odebrecht.

Marcelo - con trai Chủ tịch Tập đoàn Odebrecht, một kỹ sư trẻ, chỉ đưa đầy 4 năm đã được cất nhắc lên vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn đa quốc gia và nhận được nhiều lời "tâng bốc" của truyền thông địa phương cũng như quốc tế khi mới nhậm chức. Phát biểu với truyền thông, Chủ tịch Tập đoàn Odebrecht từng khẳng định : "Mục tiêu quan trọng của tôi là giúp tập đoàn ngày càng phát triển. Thế nên, tôi biết rất rõ nên đặt người tài giỏi vào những vị trí tốt".

Thực tế, Marcelo Odebrecht không biết giỏi chuyên môn hay không, nhưng có 1 việc rất giỏi, đó là đưa hối lộ. Khai báo với các điều tra viên chống tham nhũng, Marcelo Odebrecht không che giấu : "Nếu không chơi với vua, sẽ không bao giờ đạt được mục đích".

Biểu tình chống tham nhũng lan rộng trên khắp Brazil. Trong ảnh: Đoàn người biểu tình tại bãi biển Copacabana ở TP Rio de Janeiro. Ảnh: AFP

Ở Brazil, Odebrecht đã xây dựng cho mình trở thành một đế chế hùng mạnh trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài những hợp đồng xây dựng hạ tầng cho Tập đoàn Petrobras, Odebrecht còn đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, sân bay và cũng là đối tác của Tập đoàn DCNS (Pháp) trong việc xây dựng căn cứ tàu ngầm trong một dự án quốc phòng được ký kết giữa Pháp và Brazil trị giá 6,7 tỷ euro vào năm 2009.

Đó là chưa phải tất cả. Nói đến Odebrecht, người ta nghĩ ngay đến đơn vị đã thi công Công viên Olympic, một đại công trình (dính rất nhiều bê bối và đang bị điều tra riêng) phục vụ Thế vận hội Olympic Rio năm 2016. Và, nói đến Odebrecht là nói đến sân vận động bóng đá, khi có tới gần một nửa sân bóng đá ở Brazil là do tập đoàn này xây dựng.

"Dù ở bất kỳ đâu, nếu có sự góp mặt của Odebrecht, thì ở đó có sự thông thầu, điều đó không phải bàn cãi", Marcelo Odebrecht khai nhận. "Hầu hết các dự án công đều đã bị "làm xiếc", vì đơn giản, tất cả các quan chức liên quan đều đã nhận hối lộ của Odebrecht (thường thông qua chiêu bài tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của các đảng phái chính trị)", Marcelo Odebrecht khai thêm.

Dưới quyền điều hành của Tổng Giám đốc Marcelo, trong vòng 12 năm, doanh thu của Tập đoàn Odebrecht tăng gấp 7 lần, lên tới con số 120 tỷ real vào năm 2015 (khoảng 38,11 tỷ USD). Doanh thu tăng khủng, nhưng Odebrecht cũng lập một quỹ đen siêu khủng, lên tới hơn 3 tỷ USD. Theo các điều tra viên, quỹ đen này luôn được Odebrecht duy trì ở mức 3 tỷ USD để sẵn sàng hối lộ quan chức bất cứ lúc nào cần thiết.

Lúc còn đương chức, Marcelo Odebrecht luôn đặt dưới trướng của mình một đơn vị thường trực, còn gọi là "trung tâm điều hành hối lộ". Hildemar Mascarenhas, thư ký đồng thời là người được giao trọng trách quản lý quỹ đen của gia đình Odebrecht, khai báo rằng, ngay khi trụ sở tập đoàn bị khám xét, đã kịp thời xóa sạch bằng chứng, dữ liệu lưu trong máy tính và quẳng chiếc máy tính cá nhân đó xuống biển. Những tưởng thế là xong, mọi chứng cứ sai phạm đã bị xóa sạch, oái ăm thay, khi Marcelo bị bắt giữ, cảnh sát lại tìm thấy mọi thông tin được lưu giữ trong máy tính cá nhân của anh ta. Mặc dù, theo lời Hildemar Mascarenhas, thì "Marcelo luôn yêu cầu chúng tôi phải tìm mọi cách xóa dấu vết ngay và luôn sau mỗi lần đưa hối lộ".

Chính vì đưa hối lộ quá nhiều nên Odebrecht có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các nghị sĩ, chính trị gia trong Chính phủ. Nhờ lợi thế này, không ít lần Odebrecht ép các nghị sĩ phải thông qua nhiều dự luật có lợi cho Odebrecht, chẳng hạn như dự luật miễn, giảm thuế môi trường trong một số lĩnh vực mà Odebrecht gần như độc quyền.

"Ở nhiều dự án lớn, tất nhiên là do Odebrecht "mua được", Odebrecht cũng gặp phải khá nhiều phản đối từ người dân sở tại khi triển khai dự án. Nhưng, Odebrecht đã rất "biết điều" khi đều đặn hàng tháng gửi vào tài khoản của vợ hoặc chồng người đứng đầu địa phương nơi dự án triển khai số tiền 5.000 real (khoảng 1.600 USD), chi cho các tổ chức nhỏ như công đoàn, thanh niên địa phương mỗi tổ chức 1.500 real (khoảng 480 USD) mỗi tháng để họ tìm cách xoa dịu sự bức xúc của người dân địa phương. Trong trường hợp có biểu tình xảy ra, Odebrecht lập tức chi "đậm" cho lực lượng an ninh và các tổ chức công đoàn cơ sở để "dập tắt" ngay lập tức", cựu Phó Chủ tịch Odebrecht Henrique Valadares khai nhận. Cựu quan chức này cũng thừa nhận: "Chúng tôi không phải là độc tài, nhưng chúng tôi là những kẻ đạo tặc chuyên nghiệp".

Sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ quan chức chính trị Brazil đang trở nên nghiêm trọng. Niềm tin về sự minh bạch của các tập đoàn lớn đang bị lung lay. Petrobras không nằm ngoài số đó. Tập đoàn Nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực dầu khí đã kéo vào vòng xoáy bê bối của mình một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Brazil. Điều rất khó tránh khỏi là sự ngờ vực về một nền tư bản chủ nghĩa nhưng lại mang tính chất "nhất thân nhì quen".

Vụ bê bối Petrobras và Odebrecht vẫn chưa có hồi kết, cho dù Odebrecht vừa phải chấp nhận nộp phạt 2,6 tỷ USD cho cơ quan chức năng Mỹ để tránh bị truy tố vì hành vi tham nhũng, Marcelo Odebrecht - Tổng Giám đốc Tập đoàn Odebrecht bị kết án 19 năm tù giam và bố của Tổng Giám đốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Odebrecht, Emilio Odebrecht thì phải chịu án 4 năm giám sát tại gia.

Nhật Minh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/su-that-phoi-bay-qua-loi-khai-cua-quan-chuc-tap-doan-odebrecht_t114c52n118311