Sự thật sức mạnh Quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc

Xin được cung cấp thêm một số thông tin, số liệu liên quan đến bán đảo Triều Tiên qua 2 bài viết.

Hai bài viết của Tiến sỹ KHQS, Viện sỹ Viện Hàn lâm pháo binh và tên lửa Nga, Phó giám đốc thứ nhất Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov về quân đội hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên.

Bài thứ nhất với tiêu đề "Quân đội Triều Tiên bất khả chiến bại".

Chỉ xin lưu ý bài đầu (bài này) đăng ngày 16/4/2016, tức một năm trước đây, còn bài thứ hai (tiếp theo) ngày 21/4/2017, tức chỉ mấy ngày trước đây.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng. Những tuyên bố (của Mỹ) đe dọa trừng phạt, điều các tàu sân bay Mỹ tới “bờ biển có vấn đề” buộc giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên phái có các biện pháp đáp trả.

Để đánh giá khả năng xảy ra xung đột vũ trang, chúng ta hãy so sánh tiềm lực quân sự của các bên đối đầu và phán đoán các mục tiêu của họ.

Quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Bình Nhưỡng có một lực lượng vũ trang tương đối mạnh, mặc dù chỉ được trang bị vũ khí lạc hậu, với quân số hơn một triệu người. Ngoài ra, với hơn 4,5 triệu quân nhân dự bị đã qua huấn luyện chiến đấu, giới lãnh đạo nước này có thể triển khai các cụm quân vài triệu người ngay trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột vũ trang.

Lực lượng chủ yếu của Quân đội Bắc Triều Tiên là Lục quân. Trong thời bình Lục quân Bắc Triều Tiên có gần 900.000 tay súng.

Có khoảng 3.500 xe tăng (trong số đó có gần 1.800 T-62, kiểu tăng còn lại – T-55, T-54 và các phiên bản xe tăng Trung Quốc sao chép), gần 200 BMP (xe chiến đấu bộ binh) và 2.500 BTR (xe vận tải bọc thép), hơn 12.000 khẩu pháo dã chiến và 2.500 hệ thống pháo phản lực bắn dàn, hơn 10.000 đơn vị (tính) tổ hợp tên lửa chống tăng và pháo chống tăng.

Phòng không lục quân có hơn 10.000 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và 11.000 pháo cao xạ các cỡ. Chắc chắn nước này đã có tổ hợp tên lửa phòng không “Krug”, “Kub” và có thể, đã có cả tổ hợp “Buk”.

Có hơn 50 tổ hợp phóng tên lửa. Đấy là các tổ hợp tên lửa chiến thuật Xô Viết “Luna” và tên lửa chiến dịch – chiến thuật “Skad” (Scud). CHDCND TT đã tự chế tạo theo mẫu “Scud” các tên lửa có tầm bắn 550 km.

Tổng số lượng tên lửa chiến thuật và chiến dịch- chiến thuật được ước đoán vào khoảng 1.000 đơn vị (quả). “Nodong -1” tự sản xuất có tầm bắn đến 1.000 km.

Các tên lửa “Taepodong-1” và “Taepodong-2”, có thể có tầm bắn lần lượt là 3.500km và 6.000 km. Nhưng tất cả chúng (các tên lửa nói trên) đều có độ chính xác không cao nên hiệu quả tác chiến thấp nếu được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu điểm kiên cố, trừ trường hợp chúng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, CHDCNDTT có thể sở hữu 10-12 đơn vị (tính) vũ khí hạt nhân, chủ yếu là bom hàng không hoặc để nổ ngầm dưới lòng đất. Với lực lượng không quân khá yếu, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân theo phương án hai là cao hơn cả.

Không quân CHDCNDTT có gần 1.500 máy bay các loại. Loại máy bay tương đối hiện đại là 36 chiếc MiG-29, 43 chiếc MiG-23, 34 chiếc Su-25. Những máy bay còn lại có giá trị tác chiến rất thấp.

Thành phần mạnh nhất của Lực lượng phòng không CHDCND Triều Tiên là 24 tổ hợp tên lửa phòng không S-200, 128 tổ hợp S-125 và 240 tổ hợp S-75. Bắc Triều Tiên có một số lượng pháo phòng không tương đối lớn.

Hệ thống giám sát đường không chủ yếu gồm các đài radar Xô Viết được sản xuất những năm 1960 và những radar sao chép mẫu Xô Viết của Trung Quốc, vì thế chúng rất dễ bị tổn thương trước các phương tiện chế áp điện tử hiện đại.

Nhưng vì có số lượng lớn nên có thể thiết lập được một trường radar đa tầng, độ cao phát hiện tối thiểu ở những khu vực có nhiều khả năng bị các phương tiện tấn công đường không đối phương xâm nhập là 200 -300 m, ở các khu vực khác – 400 -600 m.

Hệ thống chỉ huy lực lượng phòng không có trình độ kỹ thuật tương đương trình độ những năm 1960 -1970 và không đáp ứng được các yêu cầu hiện đại cả về khả năng chống nhiễu lẫn khả năng tác chiến.

Tuy nhiên, do có một số lượng lớn các hệ thống hỏa lực phòng không trên một khu vực lãnh thổ có diện tích hạn chế nên Bắc Triều Tiên có thể bố trí một lưới phòng không có mật độ rất cao.

Và như vậy, mặc dù được trang bị lạc hậu, nhưng lực lượng phòng không Bắc Triều Tiên có thể hoạt động tương đối hiệu quả, thậm chí cả khi đối phó với các kiểu máy bay hiện đại nhất.

Bắc Triều Tiên không có các phương tiện chế áp điện tử hiện đại. Nhưng lại có nhiều khả năng ngụy trang tác chiến do có địa hình thuận lợi. Những khả năng này (ngụy trang) có thể giữ vai trò quyết định trong nhiệm vụ đánh trả các đợt tấn công đường không của đối phương.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/su-that-suc-manh-quan-doi-trieu-tien-va-han-quoc-3334052/