Sự thiệt thòi từng có của phụ nữ Việt và niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn

Phụ nữ luôn là một đề tài quen thuộc trong văn chương. Tuy nhiên, những khắc họa về thân phận của họ lại thường bao trùm lên đó sự ảm đạm, đau thương, gắn chặt với bốn chữ “hồng nhan bạc mệnh"...

Ảnh minh họa

Thật buồn khi phải nói rằng phụ nữ Việt đã bị áp đặt bởi một hệ tư tưởng lỗi thời - khổng giáo với cái nhìn khắt khe, coi người phụ nữ như một thành phần sâu bọ, ngu dốt...

Cũng nên quay ngược dòng thời gian về với thời huyền sử, cùng những “truyền thuyết đầy yêu thương,” hình ảnh người phụ nữ vẫn đầy rẫy những ám ảnh khiến cho ta không khỏi dằn vặt.

Ngay từ nhỏ, có lẽ mỗi chúng ta đều ít nhất một lần được sống trong thế giới cổ tích mà bà và mẹ thường hay kể. Những thân phận cô Tấm, nàng Tô Thị… lúc này dường như vẫn đang ẩn hiện cùng các chi tiết ly kì, huyền ảo.

Phải đến khi bước chân vào ghế nhà trường, lật từng trang sách thì sự cảm nhận về nỗi tủi hổ, cam chịu về người phụ nữ mới được giảng dạy qua mấy câu thơ của Tú Xương, ca dao, lời ru của bà, của mẹ....

Chúng ta dường như đã quên mất đi một người phụ nữ bị gắn với tội danh làm mất nước - nàng Mỵ Châu, con gái một thủ lĩnh người Tày.

Những sử gia thời phong kiến và nhiều nhà giáo dục sau này thật tài tình khi đã đổ tội cho Mỵ Châu cũng bởi lý do duy nhất: nàng là phụ nữ.

Chúng ta còn cảm nhận được sự bị động, yếu ớt của Mỵ Châu khi bị vua cha “gả - tặng” cho người khác.

Để rồi kết cục không mong muốn là nàng phải trầm mình xuống giếng khơi và trở thành bài học “quý báu” về tinh thần cảnh giác ngoại xâm cho đời sau.

Dường như Mỵ Châu và thân phận của mình chính là một báo hiệu chẳng lành cho số phận của nhiều phụ nữ Việt Nam sau này.

Một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh u ám về thân phận người phụ nữ Việt Nam được thể hiện ngay từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu - thời kỳ mà người phụ nữ được nắm vận mệnh của mình trong một xã hội đang dần thoát khỏi nền kinh tế săn bắt hái lượm.

Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng ấy cũng nhanh chóng bị khỏa lấp bởi sự xâm lăng của giặc phương Bắc và sau đó là hệ tư tưởng nho giáo mà chính người cha, người chồng của mình đã áp đặt lên.

Cũng kể từ đây, người phụ nữ đã bị buộc chặt trong vô số nghi lễ, hệ tư tưởng. Người phụ nữ tìm cách cởi trói ra khỏi “thòng lọng” văn hóa đang treo trên cổ họ nhưng vẫn chỉ là sự yếu ớt và tuyệt vọng.

Thời đại ngày nay đã tươi sáng hơn, quyền và vai trò của phụ nữ được coi trọng, những tấm gương phụ nữ Việt làm rạng danh đất nước, vừa đảm nhiệm thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội đã ngày càng nhiều hơn, cho dù đâu đó vẫn là những câu chuyện buồn tủi về bạo lực gia đình, cơ hội phát triển và vấn đề bất bình đẳng giới… nhưng những điều đó không thể cản trở phụ nữ Việt tiếp tục khẳng định mình để đóng góp vào sự phát triển chung của cả dân tộc.

Đỗ Cao Cường

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/su-thiet-thoi-tung-co-cua-phu-nu-viet-va-niem-tin-vao-mot-tuong-lai-tuoi-sang-hon-139279/