Sự tích Thần Tài và những điểm độc đáo trong lễ cúng Thần Tài, Thổ Địa

Thần Tài đều là các "tiểu thần", nhỏ bé và rất sợ tiếng động, sợ gió. Đa phần, các vị thần đều dùng mặn, đặc biệt chỉ có Thần Tài, Thổ Địa dùng vừa mặn vừa chay.

Nhưng thờ Thần Tài nhất thiết phải chọn nơi yên tĩnh, kín đáo. Vậy sự tích Thần Tài có từ bao giờ và cụ thể ra sao?

* Sự tích về Thần Tài

Có nhiều truyền thuyết, điển tích về Thần Tài. Phổ biến nhất là phong tục thờ Thần Tài Triệu Công Minh (tên thường gọi là Lương, tên chữ là Công Minh), được phong là “Kim long như ý chính nhất long hổ huyền đàn chân quân”.

Dưới trướng của ông có bốn tiểu thần gồm: Chiêu bảo thiên tôn Tiêu Thăng, Nạp trân thiên tôn Tấn Bảo, Chiêu tài sứ giả Đặng Cửu Công và Lợi thị tiên quan Diêu Thiếu Tư (Chiêu bảo, nạp trân, chiêu tài và lợi thương).

Theo Đạo giáo thì Triệu Công Minh được phong làm Tài Thần, trừ gian diệt ác, giúp người hiền lương, nên ông cưỡi hổ đen, một tay cầm roi sắt, một tay mang châu báu.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ghi: "Thần Tài là một vị thần trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước phương Đông. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam.

Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.

Người ta thường vẽ ông hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.

Tục thờ Thần Tài ngày càng phổ biến, dân gian đưa thêm Văn Thần Tài Tỷ Can (có nơi Văn Thần Tài là Phạm Lãi) và Võ Thần Tài Quan Công vào thờ cùng thần tài Triệu Công Minh.

* Các cách nói khác nhau về Thần Tài

1. Thần Tài – Thổ Địa là 2 vị thần đại diện cho 10 vị thần

Trong đó Thần Tài đại diện cho: Hắc Thần Tài, Xích Thần Tài, Thanh Thần Tài, Bạch Thần Tài và cao nhất là Hoàng Thần Tài. Còn Ông Địa là đại diện cho 5 vị thần gồm: Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế và Trung ương Huỳnh Đế.

Về ngoại hình Thổ Địa (ông Địa) một người trung niên mập mạp, bụng to, ngực lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá… trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phong thịnh, có chút hơi hài hước. Đi theo ông địa thường là chúa Sơn Lâm. Đây là đại diện tiêu biểu cho tính cách đặc trưng của người Nam Bộ. Ông địa gắn liền với tín ngưỡng thờ thổ công của của cư dân nông nghiệp.

Còn Thần Tài thường tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh. Ông là người cai quản tiền bạc và tài lộc của Thiên Đình.

2. Thần Tài là các vị thần bảo hộ gia đình

Có thuyết cho rằng thần tài là các vị thần bảo hộ gia đình, gồm: Hộ thần, Táo thần, Thổ thần, Môn thần, Hành thần, Ngũ phương thổ địa tài thần (Ngũ lộ tài thần: Ở Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc và trung cung).

Điểm chung nhất của các quan điểm, truyền thuyết là thần tài đều là các "tiểu thần", nhỏ bé và rất sợ tiếng động, sợ gió. Thờ Thần Tài nhất thiết phải chọn nơi yên tĩnh, kín đáo.

* Ngày vía Thần Tài đầu năm

Để tưởng nhớ Thần Tài mọi người chọn ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch là ngày thần Tài bay về trời làm ngày cúng vía Thần Tài. Vào ngày cúng vía Thần Tài thường sắm lễ như sau: 1 bình hoa (bông), 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.

Theo TTTĐ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/su-tich-than-tai-va-nhung-diem-doc-dao-trong-le-cung-than-tai-tho-dia-126770/