Sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động lớn đến châu Á

(Toquoc)-Những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc tác động đến châu Á-Thái Bình Dương với nhiều mặt hạn chế.

Trung Quốc đã phát triển cực kỳ nhanh chóng trong một thời gian dài, nhưng một sự thay đổi quan trọng trong mô hình tăng trưởng của nó đã xảy ra vào thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong 6 năm trước năm 2007, GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ trung bình là 11%, với đầu tư chiếm 41,5% GDP. Thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng trong giai đoạn này, đạt trên 10% GDP. Trong 6 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu (2008), thặng dư bên ngoài đã giảm mạnh còn khoảng 2-3% GDP, nhưng sự thiếu hụt về nhu cầu đã được bù đắp gần như hoàn toàn bởi sự gia tăng đầu tư, đã đạt đến hơn 50% GDP trong những năm gần đây.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã rất ấn tượng so với phần còn lại của thế giới, nhưng sự ngưỡng mộ bị mất đi khi thực tế là tỷ lệ tăng trưởng đã chậm lại còn khoảng 7%, giảm hơn 4% so với thời kỳ trước khủng hoảng. Vì vậy, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã phải sử dụng đầu tư nhiều hơn rất nhiều để phát triển chậm hơn nhiều so với trong quá khứ.

Theo các phân tích của Viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu chiến lược của Mỹ, công bố ngày 20/7, mô hình tăng trưởng này thể hiện ba vấn đề: Thứ nhất, tiến bộ công nghệ, được đo bằng tăng trưởng của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), đã bị chậm lại. Thứ hai, liên quan chặt chẽ đến TFP, sản phẩm cân biên của đồng vốn đang giảm – nghĩa là phải mất thêm nhiều đầu tư để tạo ra tăng trưởng ngày một ít hơn. Các chỉ số thế giới thực của năng suất vốn đang suy giảm này là các tòa nhà căn hộ bỏ trống, các sân bay không được sử dụng, và dư thừa công suất nghiêm trọng trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Thứ ba là tiêu dùng rất thấp, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình, chỉ chiếm 1/3 GDP.


Tại cuộc gặp mặt ở Bắc Kinh 2014, các nhà lãnh đạo các nước đàm phán TPP bày tỏ quyết tâm kết thúc tiến trình thương lượng hiệp định này

Các sáng kiến lớn với những hiệu quả hạn chế

Phản ứng của Trung Quốc đối với sự thay đổi động năng tăng trưởng này có tính hai mặt bên ngoài và bên trong. Đối với bên ngoài, không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ có công suất dư thừa ở trong nước này lại là thời điểm Trung Quốc đưa ra các sáng kiến mới tốn kém, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng CÁ (AIIB), Ngân hàng BRICS, và sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” (1B1R). Các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc phần lớn chào đón các biện pháp này, và chúng có thể đóng góp cho hội nhập châu Á. Tuy nhiên, suy nghĩ ở Trung Quốc lại cho rằng những sáng kiến này có thể là một giải pháp chính cho các vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc phần lớn là sai lầm. Những đóng góp tổng thể của những sáng kiến này vào tổng cầu của Trung Quốc có thể sẽ là quá nhỏ để có thể có ý nghĩa về mặt kinh tế vĩ mô.

Phản ứng trong nước cho vấn đề dư thừa công xuất của Trung Quốc là một tập hợp của những cải cách nổi lên từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 vào tháng 10/2013. Những cải cách có thể có ảnh hưởng lớn nhất tới việc tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc nằm trong bốn lĩnh vực: hệ thống đăng ký hộ khẩu (hộ khẩu); cải cách tài chính giữa các cấp chính quyền; tự do hóa tài chính; và mở cửa các lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cho cạnh tranh. Tổng hợp lại, những cải cách này tạo ra một hệ thống các biện pháp để kiềm chế sự đầu tư lãng phí, tăng cường đổi mới và tăng năng suất, tăng cường tiêu dùng. Thành công trong các lĩnh vực này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tốt cho một thập kỷ tới hoặc hơn.

Các sáng kiến của Trung Quốc ở châu Á được nhiều giới nhìn nhận như một thất bại đối với Mỹ. Chính phủ Mỹ đã đóng góp vào câu chuyện này qua việc khuyến khích các đồng minh không tham gia vào AIIB mới. Cuối cùng, các đồng minh lớn của Mỹ, chẳng hạn như Anh, Australia và Hàn Quốc đã tham gia vào sáng kiến của Trung Quốc, và Nhật Bản đang nghiêm túc xem xét việc trở thành một thành viên AIIB.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ chỉ là một thất bại ngoại giao tạm thời đối với Mỹ. Sáng kiến kinh tế chính của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương – TPP, bây giờ dường như có thể được hoàn thành vào cuối năm 2015. Nhiều nền kinh tế lớn ở châu Á, như Australia, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam muốn tham gia vào cả hai: các sáng kiến của Trung Quốc và các nỗ lực do Mỹ đứng đầu để giảm bớt các rào cản thương mại.

Những nỗ lực khác nhau này thực ra mang tính bổ sung lẫn nhau. Loại cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các sáng kiến của Trung Quốc là “phần cứng” của thương mại và đầu tư, cần thiết nhưng chưa đủ để làm sâu sắc hơn hội nhập. Trong khi đó, TPP là đại diện cho “phần mềm” của hội nhập, làm giảm các rào cản thương mại, mở cửa dịch vụ cho thương mại và đầu tư, và làm hài hòa các rào cản điều hành khác nhau đối với thương mại.

Tuy có một nguy cơ là các sáng kiến cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ có thể dẫn đến các khối khu vực và một sự phân tán thương mại, nhưng có nhiều khả năng hơn là cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ dẫn đến các thể chế được tăng cường và hội nhập sâu rộng hơn trên toàn châu Á-Thái Bình Dương./.

Linh Hương (Gt)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/9/bien-dong-quanh-ta/135655/su-troi-day-cua-trung-quoc-tac-dong-lon-den-chau-a.aspx