Sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Chỉ gói gọn trong 3 tháng

Việc thi công cầu sẽ gây ra ùn tắc và thời gian qua cầu của phương tiện khi thi công cầu có thể lên đến 40 phút. Chính vì vậy, những người có nhu cầu ra sân bay Nội Bài cần phải chọn lộ trình khác hoặc chủ động đi sớm để bảo đảm thời gian lên máy bay...

Theo kế hoạch, ngày 23/10 tới đây, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long giai đoạn 2 sẽ được chính thức triển khai thi công. Đây là việc làm hết sức cần thiết và thực hiện chủ trương sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được Bộ GTVT đồng ý từ năm 2004. Hiện tại chủ đầu tư và các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện các phương án thi công để đảm bảo hoàn thành dự án trong vòng 3 tháng theo chỉ đạo của Bộ GTVT... Theo ông Nguyễn Năng Thể, Phó tổng giám đốc Ban QLDA 2- đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư dự án, cầu Thăng Long là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Cầu được xây dựng từ năm 1974 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô và được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 1983 đầu năm 1984. Cho đến tháng 5/1985, đường ô tô ở tầng trên đã được thông xe chính thức và trả lại hai dải đường cơ giới nhẹ ở tầng dưới cho xe thô sơ. Cầu có kết cấu bản thép hai tầng. Tầng dưới dành cho đường sắt và hai cánh gà dành cho người đi bộ. Tầng trên cùng bản thép có quét keo ô xy và thảm lớp bê trên mặt cầu. Qua một thời gian dài sử dụng, mặt cầu đã bị hư hỏng nặng và năm 2001, Bộ GTVT đã cho phép sửa chữa. Thời điểm đó chỉ cào đi 5cm mặt cầu vì sợ hỏng bản thép và cho thảm bê tông lại. Do không xử lý triệt để bản thép nên đến nay mặt cầu lại hỏng với hiện tượng chủ yếu là nứt dọc 50cm một. Nếu kéo dài tình trạng này nước sẽ thẩm thấu và gây hư hỏng lớp bản thép, chất lượng và tuổi thọ cầu Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước những hư hỏng kéo dài của mặt cầu Thăng Long, tháng 8/2004, Bộ GTVT đã có Quyết định 2418/QĐ-BGTVT cho phép chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu giai đoạn 2. Đến 31-10-2007, Bộ GTVT tiếp tục có Văn bản 3329/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án với tổng kinh phí hơn 59 tỷ đồng. Nội dung sửa chữa bao gồm các công việc bóc bỏ toàn bộ lớp bê tông nhựa và lớp Xlamor mặt cầu để thay thế bằng lớp vật liệu mới có độ dày tương đương, làm mới lớp phủ mặt cầu trên phần nhịp dàn thép trong phạm vi làn xe cơ giới và thay thế các khe co giãn bị hỏng bằng khe co giãn mới. Ngoài ra, Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN cũng yêu cầu việc thi công mặt cầu phải được triển khai gói gọn trong vòng 3 tháng. Chính vì vậy, các nhà thầu thi công dự án là Công ty cổ phần Vĩnh Hưng và Công ty cổ phần Bảo Quân đang gấp rút triển khai các phương án và sẵn sàng tổ chức thi công 24/24h để bảo đảm tiến độ và phấn đấu hoàn thành trước thời hạn được giao. Ông Nguyễn Năng Thể cũng cho biết, việc Bộ GTVT cho phép tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long là hết sức bức thiết để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ cho cây cầu có ý nghĩa rất đặc biệt với giao thông Hà Nội. Trước đây một số ý kiến cho rằng thi công cầu Thăng Long sẽ gây ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhưng thực tế trong thời gian gần đây, kể cả không thi công, khu vực cầu Thăng Long đã thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đây là công việc hết sức có ý nghĩa, chính vì vậy, bảo đảm tiến độ và hoàn thành đúng thời hạn là yêu cầu cấp thiết không thể thay đổi. Hiện giờ các phương án phân luồng sẽ do Sở GTVT Hà Nội đảm nhận, tuy nhiên các xe tải lớn, siêu trường, siêu trọng sẽ cấm tuyệt đối qua cầu. Các xe tải nhỏ cấm theo giờ, xe máy sẽ đi dưới phần cánh gà của đường sắt còn xe con sẽ lưu thông bình thường. “Việc thi công cầu sẽ gây ra ùn tắc và thời gian qua cầu của phương tiện khi thi công cầu có thể lên đến 40 phút. Chính vì vậy, những người có nhu cầu ra sân bay Nội Bài cần phải chọn lộ trình khác hoặc chủ động đi sớm để bảo đảm thời gian lên máy bay”- ông Thể khuyến cáo. Ngoài việc đảm bảo giao thông, do phải sử dụng hầu hết là các công nghệ và vật liệu mới, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài như: lớp chống thấm, polime nhựa đường,... cũng sẽ là một khó khăn không nhỏ đối với các nhà thầu thi công dự án. Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1552/QĐ-GTVT về việc tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long - TP.HN. Theo đó, từ ngày 23-30/10/2009, chỉ tổ chức giao thông cho các phương tiện đi trên 1/2 mặt cắt cầu. Tại khu vực hai đầu cầu, các loại xe máy, thô sơ đi theo hệ thống đường gom vào tầng dưới của cầu, không đi lên tầng trên. Xe thồ được hoạt động từ 19h-5h sáng hôm sau. Trong giờ cao điểm sáng từ 6h-8h30, chiều từ 16-20h, cấm xe tải, xe chở cát hoạt động trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hoàng Tôn, cầu vượt Mai Dịch, cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ lớn hơn 0,5 tấn đi qua cầu Thăng Long. Xe tải có trọng lượng toàn bộ nhỏ hơn 3,5 tấn được phép qua cầu từ 9-16h và từ 20-22h hàng ngày. Cấm xe khách đi qua cầu, trừ những xe đón trả khách tại bến xe Mỹ Đình và bến xe Hà Đông. Cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ lớn hơn 3,5 tấn qua cầu từ 9-16h. Từ 22h-5h sáng các xe hoạt động bình thường. Xe tải có trọng lượng toàn bộ nhỏ hơn 16 tấn đi theo hướng Bắc Thăng Long - Vực Dê - QL3 - Phan Đăng Lưu - Cầu Đuống - Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Linh - cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Xe tải có trọng lượng toàn bộ lớn hơn 16 tấn đi theo hướng Bắc Thăng Long - Vực Dê - QL3 - Phan Đăng Lưu - Hà Huy Tập - cầu vượt Đại Đình - cầu Phù Đổng - Nguyễn Văn Linh - cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Về phương án phân luồng giao thông từ xa (theo Quyết định số 862/QĐ- CĐBVN của Cục Đường bộ Việt Nam): Đối với các phương tiện vận tải từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc: điều tiết đi đường Láng - Hòa Lạc - QL21 hoặc QL32 qua cầu Trung Hà. Các phương tiện vận tải từ QL6 đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc: điều tiết tại ngã 3 Xuân Mai (QL6 + đường Hồ Chí Minh - QL21 - QL32 - qua cầu Phong Châu) đi theo QL21 qua cầu Trung Hà. Các phương tiện vận tải từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội, điều tiết đi theo QL2 - Nội Bài - Bắc Ninh, QL1 qua cầu Thanh Trì về Hà Nội.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/kinh-te-xa-hoi/Sua_chua_mat_cau_Thang_Long-Chi_goi_gon_trong_3_thang/